Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH |
Văn hóa (VH) đóng vai trò quan trọng trong xây dựng NTM, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và làm phong phú đời sống tinh thần của người dân. Trong xây dựng xã NTM nâng cao, một trong những chỉ tiêu quan trọng trong thực hiện tiêu chí VH đó là: “Di sản VH được kiểm kê, ghi danh, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị đúng quy định”. Điều này đặt ra, cần phải quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích (DT) lịch sử (LS), VH, góp phần xây dựng và phát triển nông thôn bền vững.
64 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích
Theo Sở Văn hóa-TT-DL, toàn tỉnh có 793 DT, trong đó 69 DT được xếp hạng DT LS, VH, chiếm khoảng 9,86% tổng số DT hiện có. Trong số này, có 13 DT cấp quốc gia, gồm: 5 DT kiến trúc- nghệ thuật và 8 DT LS; và 56 DT cấp tỉnh, gồm: 8 DT kiến trúc- nghệ thuật, 36 DT LS, 12 DT LS, VH.
Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa-TT-DL phối hợp với các địa phương khảo sát, rà soát thực trạng các DT đã bị xuống cấp, hư hỏng để đưa vào kế hoạch tu bổ, tôn tạo DT. Bố trí các nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác để trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các DT.
Năm 2021-2024, có 20 DT với 25 dự án được trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp. Tổng nguồn vốn khoảng 64 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh bố trí đầu tư công trên 57,4 tỷ đồng, vốn xã hội hóa hơn 6,4 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn hợp pháp khác.
Ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL, cho biết, những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị DT LS, VH của tỉnh được thực hiện có hiệu quả, khơi dậy truyền thống yêu nước cách mạng trong Nhân dân, phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của du khách trong và ngoài nước; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các tầng lớp xã hội, góp phần bảo tồn và phát huy di sản VH, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, xây dựng NTM nâng cao, cũng như sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Cùng với những kết quả đạt được, việc bảo tồn và phát huy giá trị các DT LS, VH còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, công tác kiểm kê, khảo sát, đánh giá; công tác nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng DT; công tác xây dựng đề án, kế hoạch quản lý... các DT còn nhiều hạn chế. Công tác trùng tu, tôn tạo các DT còn chậm, dẫn đến nhiều DT xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự an toàn trong quản lý, sinh hoạt và phát huy giá trị của DT. Không những vậy, một số DT còn có nguy cơ sụp đổ, trở thành phế tích.
Bên cạnh, tình trạng bị xâm hại, lấn chiếm đất đai ở nhiều DT còn diễn ra. Trong đó, có nơi diễn ra gay gắt, kéo dài nhưng chưa được giải quyết thấu đáo và đúng quy định của pháp luật. Nhiều DT chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có trường hợp người dân hiến đất để xây dựng DT và DT đã hoạt động hiệu quả nhiều năm, nhưng chưa giải quyết được quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người hiến đất.
Cùng với đó, nhiều DT đã có ban quản lý, nhưng chưa rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong quản lý. Chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa nắm vững nhiệm vụ, thẩm quyền.
Huy động nguồn lực bảo tồn các di tích
Theo Sở Tài chính, tại 68 DT, năm 2023, tổng thu từ các thùng công đức gần 8,2 tỷ đồng. Tổng chi gần 6,8 tỷ đồng, trong đó chi tu bổ, tôn tạo DT trên 1,4 tỷ đồng, chiếm 20,9%; chi hoạt động quản lý gần 1,1 tỷ đồng, chiếm hơn 15,5% tổng chi. Phần còn lại sử dụng vào mục đích khác của ban quản lý DT. Bước đầu cho thấy, việc đặt thùng công đức tại các DT đã mang lại hiệu quả, góp một phần vào hoạt động quản lý và tôn tạo, tu bổ DT.
Qua thống kê, toàn tỉnh có khoảng 21 DT cần phải trùng tu, tôn tạo và chống xuống cấp, dự kiến kinh phí khoảng 62 tỷ đồng. Sở Văn hóa-TT-DL kiến nghị UBND tỉnh xem xét phân bổ nguồn vốn để thực hiện tu bổ chống xuống cấp các DT. Các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các DT cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đồng thời, tích cực hỗ trợ, hướng dẫn Sở Văn hóa-TT-DL thực hiện các thủ tục đề nghị cấp quyền sử dụng đất tại các DT...
Hàng năm, các di tích thu hút nhiều lượt khách tham quan, chiêm bái. |
Ông Nguyễn Đắc Phương- Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh, lưu ý, cần tiếp tục kiểm kê, đánh giá cụ thể mức độ xuống cấp, hư hỏng và nguy cơ của các DT và đề nghị có giải pháp trùng tu, tôn tạo rõ ràng theo thứ tự ưu tiên. Bên cạnh, phối hợp xác định mức độ lấn chiếm, xâm hại các DT, có văn bản đề nghị cụ thể để giải quyết các vấn đề, đặc biệt là những DT bị xâm hại đất đai nghiêm trọng cần tham mưu giải quyết sớm, đến nơi, đến chốn.
Cùng với đó, rà soát toàn bộ các quy hoạch có liên quan đến DT, tham mưu UBND tỉnh có quyết định phù hợp với điều kiện thực tế; rà soát đánh giá các DT có khả năng để lập hồ sơ xếp hạng, động viên xếp hạng nhà cổ, khu mộ cổ. Song song đó, phối hợp chuẩn bị tốt kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030. Có giải pháp hỗ trợ giải quyết những khó khăn của các DT. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực bảo tồn các DT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị DT.
Để xây xã đạt chuẩn NTM nâng cao về VH thì xã phải lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời ở điểm công cộng và có các loại hình hoạt động VH, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức hoạt động thường xuyên; di sản VH được kiểm kê, ghi danh, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị đúng quy định; tỷ lệ ấp đạt tiêu chuẩn VH theo quy định và đạt chuẩn NTM từ 15% trở lên. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin