Nhiều nguồn trợ lực an sinh

15:10, 22/10/2024

 

Lãnh đạo Sở Lao động-TB-XH (bìa trái) cùng UBND xã Đông Bình đại diện trao quà hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Lãnh đạo Sở Lao động-TB-XH (bìa trái) cùng UBND xã Đông Bình đại diện trao quà hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Từ nhiều nguồn lực, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đã tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng chính sách, với các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG),... để duy trì và mở rộng việc làm, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, cận nghèo.

Năm 2023, tổng kế hoạch vốn thực hiện các CTMTQG là 500 tỷ đồng (ngân sách trung ương 236,5 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 263,8 tỷ đồng). Trong đó, nguồn vốn để thực hiện CTMTQG xây dựng NTM chiếm phần lớn, với 421,4 tỷ đồng; CTMTQG giảm nghèo bền vững 48,6 tỷ đồng; còn lại là CTMTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số với 30,3 tỷ đồng. Theo BCĐ thực hiện các CTMTQG tỉnh Vĩnh Long, kết quả giải ngân là 431,6 tỷ đồng
(đạt 86,3%).

Năm 2024, tổng kế hoạch vốn 537,6 tỷ đồng (ngân sách trung ương là 231,1 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 306,5 tỷ đồng). Kế hoạch vốn và phân bổ vốn của từng CTMTQG tương tự năm ngoái. Theo BCĐ tỉnh, năm qua và đến tháng 9/2024, tình hình triển khai các CTMTQG đạt được nhiều kết quả tích cực.

Với CTMTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,46% (hiện toàn tỉnh còn 302/8.735 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số); mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số là 75,3 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu đạt 70%. 100% học sinh học mẫu giáo và học sinh độ tuổi tiểu học đến trường; học sinh học THCS và THPT đạt 95%.

Khoảng cuối tháng 8/2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp UBND xã Đông Bình (TX Bình Minh) tổ chức phiên giao dịch việc làm tại xã nhằm giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu lao động. Nhiều công ty trong KCN Bình Minh dự hoạt động này và đây là điều kiện rất tốt để các lao động sở tại tiếp cận nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Chị Kim Thị Huyền (ngụ xã Đông Bình) khi tham dự phiên giao dịch việc làm này, phấn khởi chia sẻ: “Tôi lần đầu dự buổi giới thiệu việc làm này, qua đó giúp tôi biết thêm thông tin để lựa chọn công việc tại công ty ở địa phương phù hợp với sức mình và thuận tiện đi làm”. Đó là một trong những hoạt động “đưa nghề, đem việc” về trực tiếp với bà con, giúp họ tiếp cận nghề nghiệp việc làm, có thu nhập để ổn định kinh tế gia đình, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững...

Tại xã Phú Thịnh (huyện Tam Bình), cô Ngọc Lệ trước đây thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh và thông qua đoàn thể phụ nữ xã, cô Lệ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Từ vài chục triệu đồng vốn vay, cô Lệ cùng chị em phụ nữ ở ấp tham gia mô hình đan thảm, đan giỏ lục bình gia công cho công ty. Có nguồn nguyên liệu cây lục bình trong vùng, công việc của cô Lệ cùng các chị em trong hội trôi chảy, thu nhập khá ổn định. Kiên trì, chịu khó, dần dần cô thành đầu mối thu gom hàng tuần sản phẩm giỏ, thảm, ghế đan từ cọng lục bình của chị em tham gia mô hình, duy trì thu nhập 600-700 ngàn đồng/tuần/người.

Ngoài ra, cô Lệ còn đáo hạn vốn vay tín dụng để duy trì công việc đan lục bình và mở sang việc thu vỏ lon, chai nhựa bán cho vựa phế liệu... Đó là một trong nhiều trường hợp sử dụng vốn vay tín dụng chính sách có hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Trong các câu chuyện từ cơ sở vừa nêu, cùng với trợ lực từ nhiều nguồn lực, vốn vay, thì điều cần thiết quan trọng là ý chí, sự kiên trì của những người dân, người thụ hưởng trực tiếp tham gia vào các chương trình, đề án giảm nghèo. Theo Sở Lao động-TB-XH, thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 0,49% (vượt kế hoạch được giao). Dự kiến đến cuối 2024, giảm 0,42 %/năm (vượt kế hoạch 0,41 %/năm). 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ thẻ BHYT. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Người dân ở xã Đông Bình tham dự phiên giao dịch việc làm tại xã hồi cuối tháng 8, nhằm tiếp cận với thị trường lao động việc làm trong và ngoài tỉnh.
Người dân ở xã Đông Bình tham dự phiên giao dịch việc làm tại xã hồi cuối tháng 8, nhằm tiếp cận với thị trường lao động việc làm trong và ngoài tỉnh.

Báo cáo với đoàn công tác BCĐ Trung ương giám sát thực hiện các CTMTQG tại tỉnh (ngày 10/10), Sở KH-ĐT cho biết, việc triển khai thực hiện các CTMTQG của tỉnh được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả trong tổ chức thực hiện giữa các cấp, ngành, tổ chức chính trị- xã hội; sự đồng thuận cao từ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Các nguồn lực thực hiện các CTMTQG được tập trung huy động và phân bổ, thực hiện; giải ngân đạt tỷ lệ cao...

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn hạn chế, như: việc duy trì một số tiêu chí theo bộ tiêu chí mới của Trung ương còn khó khăn; công tác giảm nghèo gặp khó do số hộ nghèo còn lại là hộ, đối tượng rất khó khăn, ít điều kiện để thoát nghèo hơn so với các hộ đã thoát nghèo trước đây... Tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp đạt thấp do một số hộ nghèo ít đất sản xuất, điều kiện tham gia mô hình giảm nghèo chưa được đảm bảo...

Trong các đề xuất kiến nghị của tỉnh, Trung ương cần sớm ban hành tiêu chí xác định “người lao động có thu nhập thấp” để hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm; kiến nghị về vốn sự nghiệp, vốn đối ứng; cũng như đề xuất Trung ương sớm phê duyệt các CTMTQG giai đoạn 2026-2030 để tỉnh chủ động trong xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, huy động, cân đối các nguồn lực để thực hiện.

Bài, ảnh: MINH THÁI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh