Nâng cao hiệu quả bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm địa phương

14:36, 08/10/2024
Tỉnh đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ, phát triển các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.
Tỉnh đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ, phát triển các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Theo các chuyên gia khoa học công nghệ, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, bên cạnh việc đầu tư cho chất lượng sản phẩm (SP) thì doanh nghiệp (DN) cần tạo niềm tin cho người tiêu dùng (NTD) bằng các giải pháp truy xuất nguồn gốc (TXNG) SP và bảo hộ tài sản trí tuệ của DN, từ đó nâng sức cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững cho DN.


Tăng niềm tin cho người tiêu dùng


Ngày nay, sự cạnh tranh không chỉ xuất hiện khi hàng hóa Việt Nam đi ra thế giới mà còn ở thị trường nội địa, cũng như khi hàng hóa thế giới tiến vào Việt Nam. Việc đảm bảo hàng hóa có chất lượng tốt là điều rất quan trọng cho khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, DN cần đảm bảo cơ sở cho niềm tin của NTD và các giải pháp hệ thống minh bạch thông tin về quá trình từ lúc sản xuất hàng hóa cho đến khi tới tay NTD.


Tại buổi tập huấn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN dựa trên tài sản trí tuệ và TXNG SP”, ông Lý Công Danh- Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghệ (Sở KH-CN), cho hay: “Hiện nay nhiều DN đã hướng đến sản xuất thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, HACCP... nhưng như vậy vẫn chưa đủ nghiêm ngặt cho chuẩn mực chất lượng. NTD cần có sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc SP, họ cần có thông tin đó để biết liệu đơn vị cung cấp SP có nỗ lực tối đa trong vấn đề đảm bảo chất lượng SP hay không. Do vậy, TXNG SP, hàng hóa đang dần trở thành xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc, cho phép NTD có đầy đủ thông tin ngược dòng, từ SP cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối. Với giải pháp này, DN sản xuất đưa thông tin lên hệ thống từ những khâu đầu của chuỗi sản xuất cho đến khâu đóng gói SP. Khi đó, tất cả thông tin về SP được lưu trữ vào máy chủ, dễ dàng TXNG và NTD có thể xem thông tin về lô hàng trên hệ thống ngay khi lô hàng chưa rời khỏi nơi sản xuất. NTD có thể TXNG SP nhanh qua mã QR in trên bao bì SP bằng cách dùng ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh”.


“Với DN, TXNG SP là bước đầu tạo sự tin tưởng nơi NTD, bày tỏ thiện chí minh bạch mọi thông tin về SP. Về phía NTD, đây là giải pháp kiểm tra chất lượng SP hiệu quả, nhanh gọn. NTD yên tâm mua sắm, còn nhà bán lẻ dễ kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi và xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa”- ông Danh cho biết.


Ông Phạm Văn Thọ- Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV), cho rằng: “Với lợi thế từ thiên nhiên, Vĩnh Long có nhiều SP nông sản có giá trị kinh tế cao nên việc ứng dụng công nghệ TXNG để bảo vệ thương hiệu là hết sức cần thiết, là một trong những yếu tố cốt lõi giúp nâng cao giá trị và tạo dựng niềm tin cho SP của Vĩnh Long. Đây không chỉ là công cụ đảm bảo tính minh bạch, mà còn giúp NTD dễ dàng tiếp cận thông tin về quá trình sản xuất, lưu thông và quản lý chất lượng SP. Và để triển khai có hiệu quả hơn nữa mục tiêu hỗ trợ các cơ sở, DN, HTX trong tỉnh trong việc TXNG cho các SP, hàng hóa chủ lực, đặc sản thì cần có những giải pháp tối ưu về công nghệ đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành về TXNG và tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về TXNG SP, hàng hóa đến các DN và NTD”.


Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp


Tương tự như áp dụng giải pháp TXNG SP thì việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với các SP của DN là rất cần thiết. Hơn nữa, đối với các SP, đặc sản chủ lực của địa phương, khi đã có chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận… sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc nâng tầm giá trị, tăng sức cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.


Theo Sở KH-CN, tính đến tháng 7, sở đã hỗ trợ DN đăng ký với Cục SHTT là 86 đơn và 52 văn bằng về sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, nhiều SP, dịch vụ ở các địa phương sau khi được tư vấn, đăng ký bảo hộ thành công quyền SHTT đã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ SP. Qua đó, giúp DN nâng cao quyền lợi, cũng như trách nhiệm trong tổ chức sản xuất, duy trì uy tín, danh tiếng SP.


Tuy nhiên, có không ít DN băn khoăn về cách thức đăng ký bảo hộ SHTT, các thủ tục đăng ký trong nước và ngoài nước, lo ngại về việc công khai thông tin trong quá trình đăng ký bảo hộ sẽ có nguy cơ bị người khác chiếm dụng ý tưởng SP, hay SP sẽ trở thành tài sản chung của cộng đồng… Bà Nguyễn Thị Trúc Linh- Giám đốc Công ty TNHH Thuận Duyên Food (xã Tân Phú, huyện Tam Bình) bày tỏ lo lắng: “Tôi đang ấp ủ làm một SP mới, nhưng để bảo hộ SP đó thì liệu những “bí kíp” trong công thức chế biến của tôi có khả năng bị tiết lộ hay không, việc bảo hộ có hoàn toàn an toàn hay không”.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ gắn với chỉ dẫn về nguồn gốc của sản phẩm, cho phép doanh nghiệp từng bước tiếp cận phát triển thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính.
Bảo hộ sở hữu trí tuệ gắn với chỉ dẫn về nguồn gốc của sản phẩm, cho phép doanh nghiệp từng bước tiếp cận phát triển thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính.

Theo ông Trần Giang Khuê- Trưởng Văn phòng Miền Nam Cục SHTT: Bảo hộ tài sản trí tuệ là một khía cạnh quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Nguyên tắc của việc cấp bằng sáng chế mới luôn đối lập với nguyên tắc bảo vệ bí mật kinh doanh, DN phải tự quyết định xem SP của mình sẽ là “bảo vật” để giấu đi hay công bố để được bằng sáng chế và được bảo hộ một cách hợp pháp. Và để khai thác, phát triển hiệu quả tài sản trí tuệ của DN, các đơn vị chức năng cần phát triển SP theo nhu cầu thị trường, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội địa phương; giúp DN thay đổi tư duy trong sản xuất kinh doanh như tăng cường quảng bá SP bằng cả hình thức truyền thống lẫn trực tuyến. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động TXNG, mã số vùng trồng, từng bước gia tăng niềm tin với NTD.


Cạnh đó, các sở, ngành tại địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền để người sản xuất hiểu vai trò quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ SHTT cho đặc sản, SP. Các đơn vị chức năng cũng cần có phương án hỗ trợ, xây dựng, phát triển các tài sản trí tuệ đã được bảo hộ; nghiên cứu, ứng dụng quy trình công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng SP, góp phần phát triển ổn định, bền vững các chỉ dẫn địa lý, các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.

Theo Sở KH-CN, để cho việc vận hành, sử dụng hệ thống TXNG SP, hàng hóa của tỉnh được thống nhất, Sở KH-CN ban hành dự thảo quy chế vận hành hệ thống TXNG SP, hàng hóa của tỉnh Vĩnh Long gửi các sở, ngành, UBND các địa phương đóng góp ý kiến, đến nay đã nhận được các ý kiến góp ý và đang trong quá trình chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện hệ thống.

Bài, ảnh: THẢO TIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh