Mưa nhiều,  bệnh sốt xuất huyết tăng

05:29, 08/10/2024

Mưa nhiều đang tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển cho nên số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Vĩnh Long có chiều hướng gia tăng.

Kiểm tra mật độ lăng quăng trong dụng cụ chứa nước của hộ dân ở xã Thanh Đức, huyện Long Hồ.
Kiểm tra mật độ lăng quăng trong dụng cụ chứa nước của hộ dân ở xã Thanh Đức, huyện Long Hồ.


Theo thống kê của ngành y tế, từ đầu tháng 9 đến nay, số ca mắc bệnh SXH được ghi nhận hàng tuần trên địa bàn tỉnh luôn ở mức cao, trung bình hơn 30 ca, tăng hơn 40% so với các tuần của tháng trước. 


Tính đến hết tháng 9, toàn tỉnh ghi nhận trên 1.000 ca mắc SXH và trên 450 ổ dịch SXH nhỏ, so với cùng kỳ năm trước số ca mắc không tăng nhưng số ổ dịch nhỏ tăng gần 150 ổ và xuất hiện rải rác ở các địa phương trong tỉnh.
SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do virus Dengue gây ra.

Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt bệnh nhân đã nhiễm virus rồi truyền sang cho người bình thường. Bệnh có 3 giai đoạn chính gồm sốt, nguy hiểm và phục hồi. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu SXH, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Do đó, bệnh nhân cần nhập viện ngay khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít… để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.


“Bệnh có nguy cơ trở nặng vào giai đoạn hết sốt từ ngày thứ 3 đến thứ 5 của bệnh, khiến người bệnh dễ chủ quan. Các đối tượng có nguy cơ trở nặng cao hơn khi mắc SXH là trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì… Với phụ nữ mang thai, SXH có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu”- BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi BVĐK tỉnh Vĩnh Long, khuyến cáo.


Ngành y tế tỉnh Vĩnh Long dự báo số ca mắc SXH sẽ còn gia tăng trong thời điểm mưa nhiều như hiện nay. Để khống chế không để bệnh bùng phát lây lan thành dịch, ngành y tế sẽ tăng cường hệ thống giám sát ca bệnh, đảm bảo đủ vật tư, hóa chất, xử lý ổ dịch nhỏ kịp thời, diệt muỗi trưởng thành mang mầm bệnh. Tại các nơi có số ca mắc SXH tăng cao, ngoài tổ chức phun thuốc dập dịch, diệt lăng quăng… Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân làm vệ sinh, dọn dẹp nơi sinh sống, không tích trữ nước hoặc có biện pháp che, đậy kín nơi chứa nước; thả cá vào các dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng... 

“Người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh như diệt muỗi, lăng quăng; ngủ mùng kể cả ban ngày; tiêm vaccine phòng bệnh SXH. Khi bị sốt cao liên tục cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời”- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh- Huỳnh Thanh Tân khuyến cáo.
 •    Bài, ảnh: MAI ANH 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh