Công nhân Công ty TNHH MTV Suất ăn công nghiệp Tú Anh đang chuẩn bị bữa cơm cho công nhân một công ty ở KCN Hòa Phú. |
Tình trạng ngộ độc (NĐ) thực phẩm (TP) và các bệnh truyền nhiễm qua đường TP đang có chiều hướng gia tăng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trước thực tế này, Vĩnh Long đang triển khai nhiều giải pháp chấn chỉnh công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn, bảo vệ sức khỏe người dân.
Vẫn còn xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người
Theo ngành y tế, các vụ NĐ TP lớn xảy ra gần đây tại một số địa phương nguyên nhân phổ biến là vi khuẩn phát sinh trong quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh như chưa thực hiện tốt bếp 1 chiều làm nhiễm chéo giữa TP chưa qua chế biến sang TP đã qua chế biến. Bên cạnh, do nguồn nguyên liệu cũ, không tươi chế biến không đảm bảo nên làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn gây NĐ cho người sử dụng.
Mới đây, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP (Sở Y tế) Lê Thị Tuyết Nhung cho biết, nguyên nhân khiến hơn 220 người nhập viện sau bữa cơm trưa tại Công ty TNHH Bo Hsing (KCN Hòa Phú, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ) là NĐ TP do vi sinh vật (Bacillus cereus, E. Coli, Salmonella spp) gây nên.
Trong số 1.500 người ăn bữa cơm trưa, có 287 người bị NĐ TP, 221 người nhập viện cấp cứu. Cơ quan chức năng xác định, Công ty TNHH Bo Hsing ký hợp đồng với hộ kinh doanh Hồng Phát ở huyện Long Hồ, cung cấp 1.500 suất ăn. Hộ kinh doanh này thực hiện không đúng quy định về lưu mẫu thức ăn, điều kiện cơ sở không đảm bảo ngăn ngừa nhiễm chéo giữa TP chưa qua chế biến và TP đã qua chế biến.
Ngay khi sự cố xảy ra, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy 14 mẫu thức ăn gửi đến Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy 7/14 mẫu thức ăn có chứa các vi sinh vật Bacillus cereus, E.Coli, Salmonella spp, là nguyên nhân gây NĐ. Ngành chuyên môn đã đề nghị cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính đối với công ty và hộ kinh doanh nói trên.
Theo Chi cục ATVSTP tỉnh Vĩnh Long, trên địa bàn tỉnh có 9.669 cơ sở sản xuất TP (bao gồm cả cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh) như: cơ sở kinh doanh TP, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố… Trong 6 tháng đầu năm, các cấp trong tỉnh đã thành lập trên 270 đoàn thanh tra, kiểm tra ở gần 4.600 cơ sở. Qua đó phát hiện 499 cơ sở vi phạm. Trong đó có 38 cơ sở vi phạm bị xử lý và 461 cơ sở vi phạm do tuyến huyện, xã kiểm tra nhắc nhở và cho viết cam kết.
Tăng cường kiểm soát, phòng chống nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP tỉnh tiến hành kiểm tra công ty cung cấp thức ăn sẵn trên địa bàn huyện Long Hồ. Tại đơn vị cung cấp suất ăn sẵn với quy mô lớn với trên 3.000 suất cho công nhân, đoàn tập trung kiểm tra điều kiện, cơ sở vật chất, nguồn gốc, nguyên liệu, phụ gia chế biến và khâu đảm bảo an toàn vệ sinh, lưu mẫu TP, giấy khám sức khỏe định kỳ của công nhân trực tiếp chế biến.
Theo BS.CK2 Lê Thị Tuyết Nhung- Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, qua kiểm tra, đoàn nhận thấy đơn vị cơ bản chấp hành khá tốt các quy định đảm bảo ATVSTP, có trách nhiệm đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Trong quá trình kiểm tra, đoàn còn chú trọng kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở thực hiện đúng các quy định đảm bảo ATVSTP. Đặc biệt là cách bố trí khu vực chế biến phải đảm bảo một chiều, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo giữa TP sống và TP chế biến nhằm hướng tới mục tiêu an toàn phòng chống NĐ TP và bệnh truyền nhiễm qua đường TP.
Bà Tạ Thị Lan Anh- Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Suất ăn công nghiệp Tú Anh, cho biết: “Đoàn kiểm tra khuyến cáo công ty tiếp tục đảm bảo khâu ATVSTP; chất lượng cho bữa ăn công nhân, tất cả các nguyên liệu đều được thu mua đối với các cơ sở có chứng chỉ đảm bảo ATVSTP. Nguyên liệu tươi sống đều được thu mua chỉ sử dụng trong ngày, không để qua đêm. Khâu vận chuyển là khâu khá quan trọng, từ khi hoàn thành cơm và thức ăn vào hộp cho đến người ăn không quá 2 giờ đồng hồ và bán kính không quá 5km…”.
Tuy nhiên, đoàn cũng lưu ý cần kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu chế biến hàng ngày, luôn đảm bảo điều kiện vệ sinh từ khâu sơ chế đến thành phẩm và bảo quản. Đặc biệt, không được chủ quan trong quá trình chế biến vì thời gian gần đây, đa số các vụ NĐ TP đều phát sinh trong quá trình chế biến và bảo quản TP.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh, Trưởng BCĐ Liên ngành về ATVSTP tỉnh đã ghi nhận công tác đảm bảo ATVSTP trong thời gian qua luôn được sự quan tâm chỉ đạo, sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn giảm thiểu tối đa các vụ NĐ TP.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp, tổ chức, cá nhân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền là chính, nâng cao nhận thức trách nhiệm việc tuân thủ pháp luật về ATVSTP của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh TP. Đây không phải là trách nhiệm riêng của ngành y tế mà còn là trách nhiệm của nhiều ngành, đề cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nhất là ở cơ sở, phải quan tâm quản lý ngay từ đầu, từ sớm, từ xa, phòng ngừa là chủ yếu.
“Đồng thời tăng cường các giải pháp quản lý TP bảo vệ sức khỏe, quảng cáo TP, TP bán online không đảm bảo an toàn… quan tâm không để TP kém chất lượng, không đảm bảo ATVSTP lưu thông trên thị trường. Tăng cường nhân rộng các mô hình sản xuất ATVSTP đáp ứng nhu cầu của thị trường, đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết cung cấp nông sản an toàn, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất sạch (nông sản sạch, TP sạch). Song song đó, cần tuyên truyền quảng bá sản phẩm tốt, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp uy tín để người dân biết và sử dụng sản phẩm TP an toàn”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
BS.CK2 Lê Thị Tuyết Nhung chia sẻ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về ATVSTP - Bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh và sử dụng TP; - Giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và thực hành về ATVSTP cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; - Kiểm tra, thanh tra ATVSTP trong sản xuất, kinh doanh TP; - Phân tích nguy cơ ô nhiễm TP; - Điều tra, khảo sát và lưu trữ các số liệu về ATVSTP; - Lưu mẫu TP. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin