(VLO) Tháng 3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đời sống mới”. Ngày 15/10/1949, tác phẩm “Dân vận” của Bác đăng trên báo Sự Thật. Ra đời cách nay 3/4 thế kỷ, những tác phẩm của Người đến nay vẫn mang tính thời sự, nóng hổi, sâu sắc, vẹn nguyên giá trị. Tư tưởng của Người trong tác phẩm “Đời sống mới” và “Dân vận”, không chỉ có giá trị trong việc xây dựng con người, xã hội Việt Nam mới, góp phần kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, mà còn có ý nghĩa thời sự đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, là kim chỉ nam đối với công tác dân vận trong xây dựng NTM.
Theo tinh thần của “Đời sống mới”, đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Long có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 75/87 xã về đích NTM, trong đó 35 xã NTM nâng cao, 5 xã NTM kiểu mẫu. Đây là thành quả của việc vận dụng khéo léo phong cách dân vận của Bác với phương châm “đem hết sức dân, của dân, tài dân làm cho dân”.
Kỳ 1: Tâm huyết chăm lo cho dân, dựng xây miền quê đáng sống
Bình Hòa 2 là ấp trung tâm của xã Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ). Song, khoảng chục năm trước, ấp có đến 45 hộ nghèo, đường sá nhiều nơi còn lầy lội, ban đêm thì... tối thui. Đầu năm 2020, ấp không còn hộ nghèo. Đến nay, giao thông được đầu tư đạt chuẩn hơn 80% và “đường tới đâu, đèn tới đó”.
Diện mạo ấp Bình Hòa 2 không ngừng đổi mới với chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao. Thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của ông Nguyễn Lâm Đệ- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Bình Hòa 2 cùng tập thể chi bộ ấp.
Nhờ làm khéo công tác dân vận, diện mạo ấp Bình Hòa 2 không ngừng vươn mình đổi mới. |
Tiết kiệm tiền tỷ cho dân
Đến ấp Bình Hòa 2, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy có nhiều người chạy xe chở theo nhiều chai, bình đến đây lấy nước. Hỏi ra mới biết, từ nhiều năm nay người dân nơi đây chưa có nước sạch, tinh khiết để sử dụng, vì nguồn nước sông bị ô nhiễm, còn nước máy thì không đảm bảo chất lượng, chỉ phục vụ cho việc tắm giặt, ăn uống thì phải mua nước bình với giá 12.000 đ/bình 20 lít.
Năm 2020, lần đầu tiên xứ sở cù lao bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Lúc này, giá nước tăng lên 18.000 đ/bình. Hạn mặn kéo dài hàng tháng trời, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân và diện tích vườn cây ăn trái. Trước tình cảnh trên, ông Nguyễn Lâm Đệ đã “hiến kế” với đảng ủy xã trong việc dẫn nước ngọt về tưới tiêu, đắp đê ngăn mặn trữ ngọt, vận động nhà hảo tâm cung cấp nước ngọt hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng hạn mặn...
Thấu hiểu nỗi khó khăn của người dân xứ cù lao, thông qua đề xuất của ông Nguyễn Lâm Đệ cùng sự ủng hộ của chính quyền các cấp, trong chương trình “sát cánh cùng gia đình Việt”, Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh (VOH) đã hỗ trợ người dân các xã cù lao hệ thống máy lọc nước trị giá 100 triệu đồng/bộ. Tại xã Bình Hòa Phước, hệ thống máy lọc nước được đưa về ấp Bình Hòa 2 và đặt ở Thánh tịnh An Thiên. “Nơi đây có mặt bằng rộng, có sẵn nhà xưởng và điều quan trọng là tín đồ Cao đài luôn sẵn lòng giúp dân bằng cả tấm lòng”- ông Nguyễn Lâm Đệ nhận định.
Ông Nguyễn Thái Chánh- Hội trưởng Ban Cai quản Thánh tịnh An Thiên cho biết: “Khi được tin tưởng giao quản lý hệ thống máy lọc nước, chúng tôi gia công, thành lập tổ bảo trì... Kinh phí bảo trì không đủ, thì vận động thêm. Thấy được việc làm thiết thực, ý nghĩa, nên nhiều người sẵn lòng hỗ trợ”.
Ngoài thời gian bảo trì máy vào thứ hai hàng tuần, những ngày còn lại, từ 6 giờ đến 18 giờ, người dân các xã Bình Hòa Phước, Đồng Phú, Hòa Ninh (huyện Long Hồ) và xã Phú Phụng (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) đến lấy nước về dùng cho ăn uống, sinh hoạt. Chở theo 2 thùng lớn tới lấy nước, ông Sử Văn Long (ấp Phú Thạnh 2, xã Đồng Phú) cho biết: “Trước đây, mỗi tháng gia đình tôi tốn cả trăm ngàn tiền mua nước. Nghe nhiều người nói nơi đây “nước ngon, sạch sẽ”, nên tôi tới đây lấy nước. Nhờ có nguồn nước sạch này mà bà con rất phấn khởi, tiết kiệm chi phí cũng đỡ lắm”.
Ông Nguyễn Lâm Đệ cho biết, từ hệ thống nước ngầm bơm lên bồn chứa, được lọc qua đầu lọc, hệ thống lọc RO và tia cực tím... đã cho ra nguồn nước sạch, tinh khiết, có thể uống được ngay, tạo hiệu quả an sinh xã hội rất lớn, giúp người dân xứ cù lao tiết kiệm tiền tỷ mỗi năm. Do đó, chi bộ cùng thánh tịnh luôn cố gắng duy trì lâu dài, để người dân có nước sạch, an toàn sử dụng.
Theo ông Nguyễn Thái Chánh, hệ thống máy lọc nước đã góp phần cùng địa phương xây ấp Bình Hòa 2 và xã Bình Hòa Phước đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, vì nước sạch tác động lớn tới đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của bà con Nhân dân. Hiện, hệ thống cung cấp 5.000-6.000 lít nước/ngày. Vào lúc cao điểm, có thể cung cấp đến 15.000 lít nước/ngày.
“Ấp Bình Hòa 2 rất may mắn khi có ông Nguyễn Lâm Đệ làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp. Thời gian qua, ông hỗ trợ người dân rất nhiệt tình, từ nước sạch đến đường sá... Địa phương có bất cứ khó khăn gì, là ông Đệ luôn tích cực, xông xáo tìm cách hỗ trợ, không quản ngại khó khăn”- ông Nguyễn Thái Chánh nói.
Sức sống mới trên quê hương Bình Hòa 2
Trên tuyến đường Chùa Cao Đài, chúng tôi ghé thăm nhà ông Nguyễn Văn Đội. Căn nhà tường khang trang với những bông hoa, cây kiểng được chăm chút cẩn thận, phía trước và bên hông nhà được bao phủ bởi tường rào chạy dài cặp theo hai tuyến đường. Ông Đội kể: “Tuyến đường phía trước nhà tui trước đây chỉ rộng chừng 5 tấc, còn đường bên hông nhà là đường đất, lầy lội dữ lắm, trong khi cả 2 tuyến đường này đều đường trục chính của ấp, người dân thường xuyên đi lại, mỗi vụ thu hoạch trái cây thì khiêng vác trần thân”.
Khi chi bộ phát động xây dựng 2 tuyến đường, ông Đội là người đầu tiên gật đầu đồng ý hiến khoảng 400m2 đất. Không chỉ là người hiến đất nhiều nhất, ông Đội còn góp sức cùng chi bộ đi vận động để có cái gật đầu của 16/16 hộ dân (hiến tổng cộng 1.000m2 đất). Ông còn ủng hộ 26 triệu đồng để xây đường.
Theo ông Nguyễn Lâm Đệ, từ lúc phát động đến hoàn thành 2 tuyến đường đan (dài khoảng 650m) chỉ mất khoảng 6 tháng. Đặc biệt là, huy động hoàn toàn từ sức dân. Khi công bố tổng kinh phí chỉ 150 triệu đồng, ai nấy cũng “giật mình” vì không ngờ chi phí thấp mà lại làm được 2 tuyến đường “ngon lành” như thế này. “Trong công tác dân vận, phải canh đúng thời điểm thì vận động mới thành công. Đặc biệt là, khi người dân đã đồng ý rồi thì phải làm liền, làm ngay.”- ông Nguyễn Lâm Đệ chia sẻ.
Ông Đội cho biết, nhờ có đường mà bà con đỡ tốn chi phí vận chuyển hàng nông sản. Bình quân, mỗi mùa chôm chôm thu hoạch khoảng 18 tấn trái/ha, tiền công vận chuyển khoảng 200 đ/kg, tính ra phải đội chi phí thêm 3,6 triệu đồng/ha/vụ. “Trước đây có ai ngờ làm được con đường này đâu, quê hương mình giờ đổi thay không tưởng, thiệt là mừng dữ lắm luôn.”- ông Đội nói.
Khẳng định “phải có đường thuận tiện thì kinh tế mới phát triển”, những năm qua ông Nguyễn Lâm Đệ cùng chi bộ ra sức vận động người dân, tìm doanh nghiệp hỗ trợ... Nhờ vậy, nhiều tuyến đường lầy lội trong ấp dần được đan hóa, nhựa hóa, đáp ứng tốt nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Ông Trần Minh Cảnh- Chủ tịch xã Bình Hòa Phước phấn khởi: So với trước đây, giao thông của xã giờ được xem là “tuyệt vời” vì từ đường lớn đến đường nhỏ đều được đầu tư “ngon lành”. Nhiều tuyến đường đã được đầu tư, nâng cấp, mở rộng giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại, học hành, mua bán...
Cùng với việc đầu tư hệ thống đường giao thông nông thôn, thực hiện nghị quyết của đảng bộ xã, những năm qua chi bộ các ấp vận động lắp đặt hệ thống đèn thắp sáng, tạo thuận lợi cho việc lưu thông vào ban đêm. Trong khi đa số các nơi đều chờ xây xong lộ mới làm đèn, thì tại ấp Bình Hòa 2 “nhiều nơi đã có đèn trước lộ”, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân.
Vừa qua, tuyến đèn đường Vành Đai (đoạn ấp Bình Hòa 2) dài 2.600m với tổng kinh phí 215 triệu đồng được đưa vào sử dụng. Trong đó, chi bộ vận động xã hội hóa 120 triệu đồng. Cùng với đó, tuyến đường hoa dài 1.600m đã được hình thành với kinh phí 60 triệu đồng.
Trên tuyến đường hoa, một số hộ dân còn đầu tư hẳn hệ thống tưới phun tự động để thuận tiện cho việc chăm sóc. Những khóm hoa trang, soi nhái, mười giờ... đã không ngừng vươn mình khoe sắc thắm, tạo nên “điểm nhấn” cho tuyến đường, góp phần phục vụ phát triển du lịch 4 xã cù lao.
Nơi đây, còn xây dựng mô hình lưu chứa rác sinh hoạt phân loại được chi bộ duy trì từ nhiều năm nay, nhằm tuyên truyền người dân phân loại rác đúng cách. Cùng với đó, chi bộ còn thường xuyên ra quân dọn dẹp cảnh quan, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp. Với sự chung sức, đồng lòng của người dân đã làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn.
Nhờ làm khéo công tác vận động và khơi dậy được sức mạnh to lớn trong dân, ấp Bình Hòa 2 đã xuất sắc về đích ấp NTM kiểu mẫu, xã Bình Hòa Phước đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2023. Ông Nguyễn Lâm Đệ- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Bình Hòa 2 và tập thể Chi bộ ấp Bình Hòa 2 được Đảng ủy xã Bình Hòa Phước công nhận “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Chi bộ ấp Bình Hòa 2 là 1 trong 20 tập thể điển hình trong toàn tỉnh vừa được Tỉnh ủy biểu dương vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2023.
>> Kỳ 2: Khơi sức dân phát huy vai trò “4 hiến”
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin