Chị Nguyễn Thị Linh đạt giải đặc biệt Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” cấp vùng khu vực miền Nam năm 2024. |
Khởi nghiệp (KN) xanh là tạo ra các sản phẩm sạch có tác động tích cực đến môi trường và xã hội, hướng đến an toàn thực phẩm, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, đang là xu thế phát triển đầy tiềm năng. Các mô hình KN xanh, đổi mới sáng tạo cũng được rất nhiều phụ nữ (PN) mạnh dạn chọn lựa. KN xanh không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn có thể tạo ra những cơ hội kinh doanh mới, mang lại lợi nhuận bền vững, tạo cơ hội cho PN phát triển và khẳng định vị thế của mình trong xã hội.
Thành công với mô hình sản xuất nông nghiệp sinh học
Dự án “Xử lý phế thải phân heo nông hộ trực tiếp không thông qua hầm biogas thành nguyên liệu phân bón hữu cơ phục vụ cho nông nghiệp hữu cơ” của HTX Sản xuất nông nghiệp sinh học công nghệ cao, thương mại và dịch vụ Đồng Tâm (tỉnh Bình Phước) do chị Nguyễn Thị Linh làm chủ nhiệm đã thành công đạt giải đặc biệt Cuộc thi “PN KN sáng tạo và chuyển đổi xanh” cấp vùng khu vực miền Nam năm 2024 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long và đạt giải nhất cấp toàn quốc.
Dự án thực hiện phương pháp xử lý phân heo không thông qua hầm biogas tạo thành phân bón hữu cơ phục vụ cho nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp chuyển đổi phế thải phân heo thành phân trùn qua hệ tiêu hóa của con trùn để xử lý các chủng vi khuẩn và nấm mốc có hại cho đất và cây trồng.
Phương pháp này đạt nhiều ưu điểm như: giảm chi phí làm hầm biogas cho các trang trại (chi phí làm hầm biogas chiếm 12% chi phí làm trang trại); xử lý phân heo theo hướng tuần hoàn có ứng dụng công nghệ vi sinh; không xả thải ra môi trường; không phát thải khí nhà kính; quy trình áp dụng thực hiện, chuyển giao được ở quy mô trang trại lớn. Đồng thời, dự án còn tạo được nhiều việc làm cho các chị em PN có hoàn cảnh khó khăn, hướng dẫn chị em biết cách xử lý môi trường tại nhà, chăn nuôi trồng trọt theo hướng hữu cơ, đảm bảo sức khỏe các thành viên trong gia đình.
Chị Linh chia sẻ: “Các trại chăn nuôi heo còn vướng quy trình xử lý đang còn gây ô nhiễm môi trường. Qua tìm hiểu từ các tài liệu chuyên ngành nông nghiệp, được biết trùn quế ngoài tác dụng làm sạch đất, phân hủy các chất thải, làm giảm ô nhiễm môi trường, còn là loại thức ăn chăn nuôi chất lượng cao. Sau nhiều lần thử nghiệm, tôi đã nhân giống thành công các loại trùn quế, trùn châu Phi, trùn Ấn Độ. Thông thường, người dân sẽ nuôi trùn bằng phân bò, phân trâu chứ không dùng phân heo để nuôi. Nhưng chúng tôi đã tìm ra được kỹ thuật nuôi trùn bằng phân heo. Đối với quy mô đàn heo chục con trở lên là có thể thực hiện được mô hình, chi phí đầu tư chỉ khoảng 60 triệu đồng/trại. Đây là điểm khác biệt của mô hình”.
Thành công với mô hình tạo vòng tuần hoàn trong chăn nuôi hộ gia đình, chị Linh mạnh dạn hỗ trợ sinh khối trùn quế cho các hộ dân khác để nhân rộng mô hình. Nhận thấy nhu cầu mua phân trùn quế ngày càng tăng, thích hợp với xu hướng sản xuất nông nghiệp xanh- sạch, chị Linh đã mạnh dạn thành lập HTX Sản xuất nông nghiệp sinh học công nghệ cao, thương mại và dịch vụ Đồng Tâm với 7 trang trại và các hộ chăn nuôi trong khu vực cùng tham gia, trên tổng diện tích chung là 6ha. “HTX ra đời với mục tiêu giúp nông dân thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức canh tác trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, sức khỏe cộng đồng”, chị Linh khẳng định.
Hiện nay, trang trại của chị Linh sản xuất phân trùn được 100 tấn/tháng, với giá bán dao động 8.000 đ/kg. Đây là nguồn phân bón chất lượng cao, có tính năng cải tạo đất tốt, thích hợp để ươm cây giống, trồng rau, củ, quả hữu cơ. Không chỉ dừng lại ở xử lý chất thải thành phân hữu cơ, HTX còn thành công trong việc nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm khác như phân trùn quế, dịch đạm trùn quế, bột đạm trùn quế, bột đạm ruồi lính đen… để cung cấp cho lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh Bình Phước, với tổng sản lượng bán ra thị trường trên 30 tấn/tháng.
“Tôi rất hạnh phúc và vinh dự khi nhận được giải thưởng cao trong cuộc thi lần này. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa để mang những giá trị từ sản phẩm của mình giúp ích cho cộng đồng. Tôi cảm ơn hội LHPN các cấp đã luôn ủng hộ, động viên và đồng hành giúp đỡ để tôi mạnh dạn bước ra một sân chơi lớn, giúp tôi cảm thấy tự tin hơn về con đường KN mình đang chọn”, chị Nguyễn Thị Linh chia sẻ.
Ông Phạm Đức Nghiệm- Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH-CN), đánh giá, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi là một thách thức rất lớn của Việt Nam, dự án của chị Nguyễn Thị Linh là một ý tưởng đột phá, thể hiện tinh thần sáng tạo tuyệt vời của PN và cho thấy khả năng ứng dụng vào thực tiễn rất lớn. Chị Linh đã ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh vào việc xử lý chất thải của chăn nuôi heo tạo ra phân bón hữu cơ, giảm thải ra môi trường, giải quyết thách thức lớn của lĩnh vực chăn nuôi, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hướng đến thực phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu sức khỏe
Chị Trần Thanh Liễu- Phó Giám đốc Công ty CP Dừa nước Việt Nam (Vietnipa) thuộc huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) đã gây ấn tượng mạnh với dự án sản phẩm đường dừa nước hữu cơ mới lạ. Dự án của chị Liễu đạt giải nhất Cuộc thi “PN KN sáng tạo và chuyển đổi xanh” cấp vùng khu vực miền Nam năm 2024 và đạt giải 3 cấp toàn quốc.
Chị Trần Thanh Liễu (thứ hai từ trái) đạt giải nhất Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” cấp vùng khu vực miền Nam năm 2024. |
Nói về cơ duyên KN với sản phẩm “đường dừa nước hữu cơ”, chị Liễu chia sẻ: “Cây dừa nước là hình ảnh quen thuộc gắn bó với tuổi thơ của tôi trên quê hương Cần Giờ. Tôi luôn trăn trở khi nhìn những cây dừa nước ngày càng ít đi. Tôi tìm hiểu biết được người dân chỉ biết giá trị đơn giản của cây dừa nước, như dùng lá để lợp nhà hay lấy cơm dừa nước làm thức ăn. Vì vậy mà cây dừa nước bị coi nhẹ giá trị, dẫn đến việc nhiều người đã phá bỏ để lấy đất, hoặc chuyển sang nuôi trồng cái khác”.
Khi vô tình biết được cây dừa nước có thể tiết ra mật từ cuống, giúp chế biến thành đường, rất tốt cho sức khỏe, chị Liễu nảy sinh ý tưởng nghiên cứu chế biến ra thực phẩm hữu cơ tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời nâng tầm giá trị của cây dừa nước quê hương mình. “Tuy không được cha mẹ ủng hộ vì quá mới mẻ, nhưng với niềm đam mê và mong muốn thay đổi, phát triển kinh tế từ tài nguyên địa phương, tôi quyết tâm thực hiện và hy vọng có thể góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và tạo việc làm cho chị em PN”- chị Liễu tâm sự.
Năm 2022, chị Liễu và cộng sự đã khởi động Dự án “Đường dừa nước hữu cơ”. Trong quá trình sản xuất đường, công ty của chị không sử dụng hóa chất hay biện pháp tinh luyện nào. Mật dừa nước sau khi thu hoạch được xử lý qua công nghệ hiện đại, cô đặc chân không ở nhiệt độ thấp, giúp giữ lại giá trị dinh dưỡng và màu sắc đặc trưng của hạt đường. Sản phẩm có chỉ số đường huyết thấp, giữ được hương vị tự nhiên của cây dừa nước vùng Cần Giờ.
Thời gian đầu, vì đường dừa nước còn khá lạ lẫm nên việc tìm kiếm khách hàng khá khó khăn. Nhưng khi được quảng bá trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử thì sản phẩm nhanh chóng được khách hàng tin tưởng và ủng hộ. Chị Liễu còn tăng cường đi chào hàng ở khắp nơi nên thị trường ngày càng mở rộng. Xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ và chất làm ngọt tự nhiên đang ngày càng phổ biến, mở ra nhiều cơ hội cho công ty. Hiện tại, sản phẩm tập trung vào thị trường nội địa như các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cùng các hệ thống phân phối trên toàn quốc. Giá thành của đường dừa nước so với các sản phẩm khác như đường ăn kiêng và đường nhập khẩu khá mềm, nên sản phẩm tạo được sức hút lớn.
Sản phẩm “Đường dừa nước hữu cơ” của chị Trần Thanh Liễu trưng bày, quảng bá sản phẩm tại các sự kiện, các hoạt động. |
Chị Trần Thanh Liễu đã thành công phát triển giá trị của cây dừa nước quê hương mình, thấy được điều đó nên người dân bắt đầu mở rộng quy mô trồng cây dừa nước nhiều hơn để kiếm thêm thu nhập. Hơn nữa, ý tưởng KN của chị Liễu còn tạo ra việc làm cho khoảng 30 nhân công, chủ yếu là người địa phương.
Bà Trần Lan Phương- Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, nhấn mạnh: “Có thể nói các dự án, ý tưởng KN dù ở bất kỳ mức độ tham gia nào đều thể hiện niềm đam mê, nhiệt huyết, khát khao, tinh thần đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh của đông đảo các tầng lớp PN. Tôi đặc biệt trân trọng những nỗ lực vượt bậc của các chị em với quyết tâm, khát vọng cống hiến để tìm ra lời giải cho các vấn đề cấp thiết của cuộc sống, chứng minh một tinh thần KN mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh và đóng góp cho một Việt Nam phát triển nhanh và bền vững”.
|
Bài, ảnh: HẢI YẾN- THẢO LY
(Còn tiếp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin