Cụ ông mắc bệnh hiếm gặp, trên thế giới chỉ khoảng 56 người mắc

07:42, 24/10/2024

 

Ngay sau khi can thiệp, ông N.M.T. đã hết đau bụng, sức khỏe bình phục tốt.
Ngay sau khi can thiệp, ông N.M.T. đã hết đau bụng, sức khỏe bình phục tốt.

BS.CK2 Ngô Minh Tuấn- Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết căn bệnh bóc tách phình động mạch mạc treo tràng trên của ông N.M.T. trên thế giới chỉ có khoảng 56 người mắc.

Bệnh nhân (BN) là ông N.M.T. (70 tuổi ngụ tại TP Cần Thơ). Ông T. có tiền sử hút thuốc lá lâu năm, tăng huyết áp. Trước nhập viện, ông bị đau bụng vùng thượng vị hơn 3 tuần không rõ nguyên nhân. Tần suất các cơn đau ngày càng kéo dài và nặng thêm, BN đã điều trị ở một số bệnh viện nhưng không thuyên giảm.

Tại BVĐK Quốc tế S.I.S, qua kiểm tra hình ảnh, bác sĩ phát hiện BN bị phình bóc tách động mạch treo tràng trên với túi phình to, kích thước bóc tách lớn.

BS.CK2 Ngô Minh Tuấn cho biết, căn bệnh bóc tách phình động mạch mạc treo tràng trên của BN này trên thế giới chỉ có khoảng 56 người mắc. “Đây là bệnh hiếm gặp, đặc biệt ở người có bệnh nền tăng huyết áp. Túi phình động mạch mạc treo có nguy cơ vỡ, chảy máu, giảm lưu lượng máu đến ruột, dẫn đến thiếu máu cục bộ ruột, nhồi máu và BN có khả năng tử vong nếu không được điều trị kịp thời”, BS Minh Tuấn cho hay.

Các bác sĩ quyết định điều trị can thiệp nội mạch nhanh chóng, hiệu quả và nhẹ nhàng cho BN. Với hình ảnh DSA chẩn đoán chính xác, các bác sĩ quyết định đặt 1 cái stent chèn ngang vị trí bóc tách, giúp ngăn chặn tình trạng bóc tách và chèn vùng rách bị tổn thương, đồng thời stent mở ra thì mạch máu cũng mở theo, đưa mạch máu về kích thước bình thường.

Sau 30 phút can thiệp, ê kíp đã loại khỏi hoàn toàn tình trạng bóc tách phình động mạch mạc treo tràng trên cho BN. Sau can thiệp 1 ngày, tình trạng sức khỏe của BN ổn định, vùng bụng đã hết đau, ăn uống, vận động và bài tiết bình thường.

Theo BS.CK2 Ngô Minh Tuấn, trên thế giới hiện chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể của bệnh bóc tách phình động mạch mạc treo tràng trên. Nhưng theo thống kê trong số hơn 50 trường hợp, bệnh thường gặp ở BN có yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá lâu năm, béo phì, tăng mỡ máu, tăng huyết áp, có tình trạng mạch máu xơ vữa, đặc biệt là những BN có chấn thương.

“Đối với trường hợp của ông N.M.T., căn nguyên có thể dựa trên yếu tố nguy cơ là hút thuốc lá lâu năm và bệnh nền tăng huyết áp. Rất may, ông đã được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, bà con chú ý khi cơ thể có những biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế có đủ điều kiện để kiểm tra, tránh để trường hợp phát hiện bệnh quá muộn sẽ gây khó khăn trong quá trình điều trị”- BS Minh Tuấn khuyến cáo.

  • Bài, ảnh: MAI ANH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh