Trích đoạn cải lương Bên cầu dệt lụa.Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH |
Cải lương sau năm 1975, ở một giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều thiếu thốn. Thời điểm ấy, vào cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đời sống người dân còn muôn vàn khó khăn thì làm sao có dịp để xem các nghệ sĩ cải lương tài danh như Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Tuấn, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ… biểu diễn, chỉ nghe họ hát trên máy cassette thôi. Vì thế, được coi các đoàn hát, gánh hát cấp tỉnh, cấp huyện về phục vụ, như vậy cũng là hạnh phúc lắm rồi!
Tôi còn nhớ, vào thời điểm đó thì tỉnh Cửu Long có thành lập đoàn hát mang tên “Tiếng ca sông Cửu” với lực lượng nghệ sĩ hùng hậu như Quốc Trầm, Giang Tâm, Minh Minh Tâm, Tài Lương, Tài Linh… và “cây hề” Chơn Tâm. Đoàn hát thường về biểu diễn ở các vùng nông thôn trong tỉnh để phục vụ nhu cầu thưởng thức cải lương của bà con. Cũng nói thêm rằng, vào thời kỳ đó thì ít có nhà ai có máy thu băng, cassette, còn truyền hình thì càng hiếm. Một xã chỉ một hoặc hai nhà có truyền hình “trắng đen” dạng màn hình có pha “hột é”, âm thanh rè rè, gõ đầu vài ba cái thì mới chịu sáng và trong lại. Một tuần, chỉ có thứ bảy thì mới được coi cải lương trên truyền hình nên nhu cầu thưởng thức cải lương của bà con rất lớn!
Đoàn hát ngày xưa thường đi lưu diễn bằng phương tiện ghe hoặc xe đò. Đoàn cấp tỉnh thì có xe riêng của đoàn đưa đi, còn đoàn hát cấp huyện hoặc đoàn do tư nhân tự thành lập thì toàn bộ phải mướn phương tiện di chuyển.
Tôi còn nhớ vào thời điểm đó thì ở Trà Cú cũng có thành lập đoàn hát mang tên “Hương Trà” do gia đình bầu Khiêm (người Trà Vinh) đứng ra xin phép thành lập với lực lượng nghệ sĩ mà đa số là anh em trong gia đình bầu Khiêm làm chủ lực như nghệ sĩ Kim Sen, Thanh Tâm, Giang Thanh, Thanh Mai và cây hề Trọng Nghĩa… Đoàn thường biểu diễn phục vụ bà con các xã trong huyện Trà Cú.
Kể ra cũng vui và kỷ niệm lắm, mỗi khi có đoàn hát xuống thì họ băng rôn quảng cáo trước khoảng một tuần cho bà con biết. Bọn con nít chúng tôi thì hay rủ nhau lại coi đoàn hát lần này có những nghệ sĩ nào, ai là kép chánh, ai là đào chánh, ai là hề… rồi cứ đọc đi, đọc lại tấm băng rôn mà bàn tán xôn xao!
Đến ngày đoàn xuống thì bọn con nít kéo nhau chạy đi đón đoàn hát, nếu đoàn hát đi bằng ghe thì chúng tôi chạy dọc theo bờ sông vỗ tay, hò hét, còn đoàn hát đi bằng xe thì chúng tôi chạy sau xe reo hò inh ỏi. Ông tài xế xe cũng điệu nghệ cho xe chạy từ từ để chúng tôi chạy theo cho kịp, có lẽ họ cũng muốn chúng tôi ủng hộ và “quảng cáo” dùm họ cho xôm tụ!
Đến nơi, họ dựng rạp, dựng giàn bao và mướn “xe ôm” chở họ đi phát loa quảng cáo khắp nơi, chúng tôi cũng chạy theo hò hét, phụ họa, không khí thật là náo nhiệt!
Tối, sân khấu lung linh ánh đèn, âm thanh sôi động, tiếng loa quảng cáo và giới thiệu tên tuồng hát, tên nghệ sĩ nghe giòn giã. Tôi còn nhớ giọng khàn khàn của bầu Khiêm giới thiệu đêm biểu diễn “Kính thưa quý khán giả, tối đêm nay, đoàn cải lương Hương Trà, quê hương Trà Cú của chúng tôi sẽ phục vụ bà con một vở tuồng mang màu sắc kiếm hiệp kỳ tình, lâm ly và diễm lệ, tuồng hát được mang tên Tử Hoàng Đông Thương Hận, với tuồng hát Tử Hoàng Đông Thương Hận, chúng tôi sẽ mang đến cho bà con đôi trai tài, gái sắc, đôi nghệ sĩ ăn khách nhất hiện nay, đó là nghệ sĩ Kim Sen và nghệ sĩ Thanh Tâm sẽ phục vụ bà con từ màn đầu cho đến màn kết cục. Trong vở tuồng Tử Hoàng Đông Thương Hận, bà con còn được cười nghiêng, cười ngửa với cây hề Trọng Nghĩa, một cây hề duyên dáng và ăn khách nhất của đoàn chúng tôi. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu và kính mời bà con nhanh tay mua vé vào xem!...”. Bầu Khiêm giới thiệu chương trình bằng giọng khàn khàn rất ấn tượng.
Mà hồi đó, kể ra cũng vui lắm. Đầu hôm, mấy bà, cô tay xách bao, xách ghế, mua vé vào trước, giành chỗ ngồi gần sân khấu để được coi rõ hơn, để được nhìn kép chánh, đào chánh rõ hơn. Phải nói, kép chánh, đào chánh trên sân khấu họ rất đẹp, rất lung linh, ai cũng có cảm giác muốn được ngắm nhìn và ao ước một lần được chạm vào họ nhưng sự ao ước đó rất xa vời!
Bọn con nít chúng tôi thì làm gì có đủ tiền mua vé vào coi hát. Chúng tôi làm đủ trò để được vào xem ít nhất là một, hai màn, không đủ tiền thì chúng tôi gom tiền lại cho một, hai đứa mua vé vào, nó xem xong một màn thì nó xin ra, nhận giấy ra và đưa cho đứa khác vào xem… cứ luân phiên như vậy. Còn những đứa không có tiền thì khoét giàn bao để “coi cọp”, có đứa thì trèo lên lan can nhà cao tầng để xem hoặc đứng chỗ cửa ra, vào chờ người quen vào thì xin nắm tay để họ dắt vào. Ông gác cửa chặn lại thì “lên bài” năn nỉ, lát sau, cũng được vô.
Bắt đầu cho đêm diễn thì có chương trình 30 phút ca nhạc đầu giờ, thường là do ca sĩ Duy Quý biểu diễn. Ông từ bên cánh gà chạy ra với bộ đồ đầy màu sắc, đính kim tuyến rực rỡ, tay cầm micro, chân nhún nhảy, thân hình xoay một vòng tròn rất điệu nghệ, khán giả vỗ tay rần rần. Ông giới thiệu và hát những bài hát mang giai điệu vui tươi như: Tàu anh qua núi, Oh Svay chanh ty, Mặt trời bé con…
Hết 30 phút chương trình ca nhạc thì vở diễn được bắt đầu sau lời giới thiệu bằng giọng khàn khàn của bầu Khiêm. Cánh màn nhung được mở ra, nhạc nền trỗi lên rất hùng hồn. Từng nhân vật lần lượt xuất hiện biểu diễn vai tuồng của mình, khán giả im thinh thít, ai cũng say mê theo dõi từng chi tiết, nuốt từng lời ca của nghệ sĩ. Thương lắm mấy bà, mấy cô khi xem đến cảnh bi thương thì rút khăn ra lau dòng nước mắt, cũng có lúc đứng bật dậy chửi đổng lên khi thấy đào chánh, kép chánh bị “ăn hiếp”, người kế bên nắm tay và nói “đang xem hát mà!” thì giật mình, cười khì rồi ngồi xuống coi tiếp và cũng có lúc lại cười ngả, cười nghiêng với điệu bộ của anh hề. Vậy đó, bà con mình coi hát với tinh thần trực tính đến như thế!
Cứ xong một màn thì được nghỉ ngơi cỡ khoảng năm, mười phút cho nhân viên của đoàn thay đổi cảnh sân khấu. Đây là khoảng thời gian giải lao quý báu cho các bà, các cô bình luận sôi nổi về vở diễn, nào là tội nghiệp cho cô đào chánh quá cứ bị ăn hiếp hoài, nào là thấy ghét thằng cha đóng vai kép độc quá, cái mặt nhìn ác quá, nào là anh hề diễn mắc cười thiệt… ôi thôi, đủ mọi chuyện!
Đêm diễn kết thúc, dàn nhạc vang lên giai điệu bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, khán giả kéo nhau ra về với những lời bàn tán xôn xao về đêm diễn, gương mặt ai cũng hân hoan đầy thích thú, hẹn ngày mai coi tiếp. Từng bó đuốc lá dừa được thắp lên, nối đuôi nhau làm sáng rực những con đường quê. Bọn con nít cũng lăng xăng tìm gọi nhau về, líu lo kể cho cha mẹ nghe những cảnh mà mình thích thú trong đêm diễn. Thế đấy, đi coi cải lương ngày xưa là như vậy, nó rất chân thật và chứa rất nhiều cung bậc cảm xúc, các nghệ sĩ cải lương ở thời điểm đó đúng là thần tượng của nhiều người.
Ngày nay, phương tiện thông tin đại chúng phát triển mạnh, có nhiều loại hình giải trí khác lấn áp cải lương, giới trẻ hiện nay ít chịu ngồi xem cải lương mà chỉ thích xem phim, xem ca nhạc, xem bóng đá… nhưng cải lương ngày xưa vẫn mãi còn những ký ức vô cùng đẹp đẽ trong lòng chúng tôi.
NGÔ TRỌNG NGHĨA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin