Ai cũng có thể mắc  rối loạn tâm thần

11:13, 11/10/2024
Việc phát hiện sớm các rối loạn sức khỏe tâm thần sẽ giảm thời gian, chi phí điều trị, giảm tỷ lệ người bệnh tâm thần bị mạn tính.
Việc phát hiện sớm các rối loạn sức khỏe tâm thần sẽ giảm thời gian, chi phí điều trị, giảm tỷ lệ người bệnh tâm thần bị mạn tính.

Từ năm 1992, ngày 10/10 hàng năm được Liên đoàn Sức khỏe (SK) Tâm thần (TT) thế giới lựa chọn là ngày SK TT thế giới (World Mental Health Day), nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức và ủng hộ sự nghiệp chăm sóc SK TT toàn dân. Năm 2024, chủ đề được chọn để phát động là “Ưu tiên SK TT tại nơi làm việc”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ SK TT của người lao động.


Rối loạn tâm thần: Ai cũng có thể mắc ít nhất 1 lần trong đời


Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn (RL) TT thường gặp là 14,9% dân số, tương đương gần 15 triệu người, trong đó ở trẻ em là 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ. Đặc biệt là ai cũng có thể mắc RL TT, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời.


Theo đó, tỷ lệ TT phân liệt là 0,47% dân số. Trong đó trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5-6% dân số, còn lại là các RL TT khác như RL cảm xúc lưỡng cực, RL TT liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác…


Nguyên nhân dẫn đến các vấn đề SK TT có thể kể đến như: điều kiện làm việc kém; công việc bị quá tải; áp lực thời gian, doanh số; nơi làm việc nhiều nguy cơ rủi ro; thiếu bảo đảm việc làm và tương lai, có quá nhiều hứa hẹn nhưng không được thực hiện; quan hệ không tốt với lãnh đạo, cấp dưới, hoặc đồng nghiệp, gặp khó khăn trong việc giao công việc và trách nhiệm; môi trường làm việc chưa ổn…


Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định, hiện nay, mô hình bệnh tật đang thay đổi, ngoài các bệnh truyền nhiễm thì các bệnh không lây nhiễm đang là gánh nặng bệnh tật lên tất cả các nước trên thế giới, chứ không chỉ riêng quốc gia nào. Hàng năm, các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 74% các ca tử vong chung trên toàn thế giới. Trong các bệnh không lây nhiễm, vấn đề RL TT rất phổ biến, đang có chiều hướng gia tăng và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề SK khác.


Theo “Kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm và RL SK TT giai đoạn 2022-2025” được Chính phủ phê duyệt, một trong các mục tiêu chung của kế hoạch là: tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh TT phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các RL SK TT khác nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao SK của Nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.


Phải biết cách giải tỏa căng thẳng, suy nghĩ tích cực 


BS.CK2 Phạm Văn Diên- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, cho biết, hiện SK TT là một trong những vấn đề cần được xã hội quan tâm chăm sóc, nếu không được phát hiện sớm và điều trị hợp lý bệnh nhân (BN) có thể tiến triển mạn tính, bệnh thường có các chứng RL lo âu, trầm cảm. Do đó, việc đẩy mạnh chăm sóc SK TT cho người dân là một trong những vấn đề trọng tâm mà ngành y tế Vĩnh Long quan tâm.


Trong năm 2023, tỉnh duy trì 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý BN RL TT theo quy định của Bộ Y tế. 9 tháng của năm 2024, tỉnh đang quản lý và điều trị cho gần 3.200 BN TT phân liệt, động kinh. Qua kiểm tra, đánh giá thường xuyên của chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm và RL SK TT, trong số BN đang được quản lý, điều trị ở các trạm y tế tạm ổn định, có rất ít tỷ lệ BN tái phát phải điều trị nội trú tại bệnh viện.


Theo các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Long, trong cuộc sống hàng ngày, khó ai tránh khỏi áp lực, đối diện các chuyện buồn không như ý. Biết cách giải tỏa căng thẳng, suy nghĩ tích cực thì SK thể chất và tinh thần được cân bằng trở lại.


Song, với những người có bệnh lý trầm cảm, các RL lo âu, RL giấc ngủ thì quy trình cân bằng này bị phá vỡ. Chẳng hạn với giấc ngủ chập chờn, không sâu, thì sự phục hồi của cơ thể không được tái tạo bình thường nên sau khi thức giấc BN vẫn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, chán nản, không có sinh lực để bắt đầu làm việc, học tập.


Để nâng cao hiệu quả việc chăm sóc, điều trị cho BN TT, việc phát hiện sớm và dự phòng các RL tâm lý, thần kinh đóng vai trò hết sức quan trọng. Cần tăng cường hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho công tác dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị các bệnh lý TT tại các trạm y tế xã; phối hợp, lồng ghép khám phát hiện bệnh lý TT trong các hoạt động khám SK định kỳ, quản lý SK tại các trường học, xí nghiệp, cơ quan, đơn vị...


Việc phát hiện sớm bệnh TT sẽ làm giảm thời gian, chi phí điều trị, giảm tỷ lệ BN TT đi đến mạn tính và tàn phế, làm giảm tỷ lệ gây rối trật tự xã hội và giảm tỷ lệ tử vong, sớm giúp BN hòa nhập cộng đồng.


“Nên đưa BN đi tái khám kịp thời để bác sĩ điều chỉnh thuốc tránh bệnh trở nặng và BN có thể gây ra hành động nguy hiểm khi BN có ít nhất một trong các dấu hiệu: mất ngủ liên tục trong 2-3 ngày, mỗi ngày chỉ ngủ được 2-3 giờ hoặc ít hơn. BN lo lắng, bồn chồn mà không có lý do, luôn cảm thấy bất an và lo sợ những điều xấu nhất sẽ xảy ra với mình hoặc gia đình; mệt mỏi, mất năng lượng đột ngột, cáu gắt vô cớ quá mức liên tục trong 2-3 ngày; bỏ ăn hoặc ăn rất ít…”- BS Phạm Văn Diên khuyến cáo.
 
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh