Du khách trải nghiệm bơi ghe tam bản trong mương vườn chôm chôm ở xã cù lao An Bình (huyện Long Hồ). |
Vĩnh Long là tỉnh thuộc ĐBSCL, nổi tiếng với hệ thống sông ngòi chằng chịt. Từ lâu, ghe, xuồng đã trở thành phương tiện giao thông chủ yếu của người dân nơi đây. Đặc biệt, ghe tam bản và xuồng truyền thống không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày mà còn giữ gìn giá trị vật chất (kinh tế) và giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất này.
Giá trị vật chất
Theo thống kê từ “Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long (1732-2000)” của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long(1) cho thấy, bờ sông phía Vĩnh Long có 41 con sông, rạch chuyển nguồn nước ngọt vào sâu trong địa phận; còn bờ sông Tiền có 42 con sông rạch lớn nhỏ. Cả hai hệ thống này có các con sông ăn thông với nhau mà quan trọng nhất là tuyến sông Măng Thít, hay còn gọi là sông Măng. Con sông lớn thứ hai ở Vĩnh Long là sông Cổ Chiên, đây là sông chảy dọc theo ranh giới giữa các tỉnh Tiền Giang- Bến Tre- Vĩnh Long hiện nay, là nhánh lớn của sông Tiền, có cầu Mỹ Thuận 1 và Mỹ Thuận 2 nối hai bờ để giao lưu vùng văn minh miền Đông và miền Tây Nam Bộ.
Ngoài hai con sông quan trọng này, Vĩnh Long còn có hàng trăm con sông lớn nhỏ khác. Theo thống kê từ năm 1978, trung bình cứ 100m2 có 9m2 sông rạch. Từ những đặc điểm này, văn hóa Vĩnh Long có thêm đặc trưng là văn minh sông nước. Chính vì vậy, những cụm từ dân gian như: ghe thuyền, chèo ghe, chèo xuồng… trở nên quen thuộc đối với cư dân vùng đất này tự bao đời nay. Người gốc gác ở vùng đất này hầu hết đều biết chèo ghe, chèo xuồng và sinh sống chủ yếu bằng nghề sông nước.
Xét về phương diện kinh tế, người dân Vĩnh Long sử dụng ghe xuồng làm phương tiện đánh bắt cá để cải thiện bữa cơm hàng ngày, vừa để kiếm thêm thu nhập nuôi sống gia đình bên cạnh việc đồng áng. Khi dòng nước sông Cổ Chiên chuyển màu đục ngầu kèm theo những cơn mưa đầu mùa cũng là lúc báo hiệu mùa nước nổi sắp về. Đến thời gian này, nhiều “ngư phủ” ở các xã cù lao của huyện Long Hồ, cũng như người dân phía TP Vĩnh Long ngày nay sắm sửa xuồng ghe ra sông thả lưới đánh bắt cá.
Đi dọc theo những con rạch thuộc TT Tân Quới, xã Tân Bình, xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, hầu hết người dân nơi đây đều cho biết ghe xuồng có giá trị to lớn đối với đời sống kinh tế của họ. Ghe xuồng không chỉ là phương tiện được sử dụng để đánh bắt cá mà còn để vận chuyển hàng hóa, nông sản. Ông Phạm Văn Trung- chủ cơ sở đóng, sửa chữa ghe, xuồng ở xã Tân Bình, huyện Bình Tân có truyền thống 3 đời làm nghề đóng và sửa chữa ghe xuồng, cho hay: “Trước đây, ghe xuồng là phương tiện duy nhất của người dân nơi này, hàng ngày nông dân chèo ghe, bơi xuồng đi thăm hàng xóm, mua bán nông sản như: hành lá, dưa cải, khoai lang…”.
“Ngày xưa, quê tui cũng sử dụng xuồng, ghe nhiều. Lúc nhỏ, tui cũng khoái bơi xuồng. Hễ thấy nhà hàng xóm có xuồng là tui liền chạy qua xin bơi. Để mưu sinh, gia đình tui đóng ghe có trọng tải 10 tấn để mua bán trái cây từ Trà Vinh lên TP Hồ Chí Minh. Sau 6 năm, tui đóng ghe cỡ lớn 25 tấn chuyển qua mua bán khoai lang như hiện nay”- chú Lâm Văn Phong, có ghe trọng tải 25 tấn mang đến cơ sở đóng ghe xuồng của ông Phạm Văn Ngót (TT Tân Quới, huyện Bình Tân) kể.
Đặc trưng quê hương Bình Tân và nhiều địa phương khác trong tỉnh Vĩnh Long có nhiều rạch, kinh, mương nhỏ trong nội đồng, ghe lớn không vào được, chỉ có xuồng ba lá, hoặc tam bản loại nhỏ là di chuyển được; thế nên thời gian qua, người dân những địa phương trong tỉnh đã sử dụng xuồng ba lá, ghe tam bản nhỏ vận chuyển phân bón vào bón vườn tược, đồng ruộng và rẫy khoai lang. Bà con nông dân còn dùng ghe, xuồng gắn máy bơm nước để tưới mát cho những cánh đồng khoai xanh mướt ở Bình Tân, hay những rẫy xà lách xoong ở TX Bình Minh, hoặc tưới những vườn nhãn, chôm chôm ở các xã cù lao của huyện Long Hồ... Đến mùa thu hoạch, nông dân lấy ghe, xuồng vận chuyển nông sản, trái cây, hoa màu từ ruộng, vườn, rẫy ra đường cái quan giao bán cho thương lái.
Chính những giá trị to lớn đó, người xưa ví ghe xuồng vừa là đôi chân, vừa là tài sản quý báu của gia đình. “Hầu như gia đình Tây Nam Bộ nào cũng có một vài chiếc xuồng. Ai không có xuồng thì thật khổ: Không xuồng nên phải lội sông/ Đói lòng nên phải ăn ròng bè môn”(2). Đến khi túng quẫn, người dân cũng có thể đem cầm hoặc bán chiếc ghe, xuồng của mình để có tiền xoay xở cho gia đình.
Do là tài sản quý báu, nên dọc theo những con sông, con rạch ở Vĩnh Long trước kia chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân làm mái che dưới bến sông để bảo vệ ghe, xuồng. Còn đối với những ghe xuồng được neo đậu xa nhà, vào ban đêm gia đình cắt cử người thân xuống ngủ để bảo vệ ghe xuồng không bị mất cắp, hoặc bị sóng đánh đứt dây buộc trôi mất.
Giá trị văn hóa
Hình ảnh ghe, xuồng không những gắn bó, có vai trò, giá trị to lớn đối với người dân Vĩnh Long trong đời sống vật chất, mà còn ảnh hưởng, gắn liền với văn hóa truyền thống và đời sống tinh thần của Nhân dân. Nhiều sinh hoạt của người dân cũng dựa vào ghe xuồng, nói như nhà văn Sơn Nam: “Đi xóm thăm bạn bè, mua trà, mua bánh, đám cưới, đám ma, rước bà mụ, rước thầy thuốc vẫn dùng ghe xuồng”(3), hay nói theo một cách khác: “Ghe/xuồng/đò là không gian tồn tại, không gian sinh hoạt, không gian văn hóa mà ở đó diễn ra mọi sinh hoạt vật chất, tinh thần và tình cảm của con người”(4).
Nghiên cứu về giá trị của xuồng ghe trong đời sống tinh thần của người dân Vĩnh Long, “Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long 1732-2000”cũng cho thấy, ở những vùng sâu, vùng xa, người dân thiếu thốn những sinh hoạt văn hóa tinh thần, nên các ban, ngành có chức năng tìm cách “đưa văn hóa” đến với đồng bào. Một trong những cách đó được huyện Trà Ôn giải quyết bằng phương tiện đường thủy qua hoạt động của “thuyền văn hóa”. Vào những dịp lễ lớn, thuyền này tỏa đi khắp các xã, diễn văn nghệ đủ thể loại như ca nhạc, ca cổ, tuồng cải lương, kịch, múa… phục vụ người dân vào ban đêm. Mô hình hoạt động văn hóa này phù hợp với môi trường sông nước nên được người dân chấp nhận, ưa thích.
Còn đối với những ai thường đi đò ngang qua bến chợ Vĩnh Long trước đây, thì hình ảnh chiếc xuồng, ghe chèo có gắn thêm máy đuôi tôm được sử dụng làm đò ngang đưa khách sang sông mỗi ngày vẫn hằn sâu trong ký ức, luôn nhắc họ nhớ về một thời “muốn qua sông thì phải lụy đò”.
Khảo sát các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long, hiện vẫn còn khá nhiều hộ gia đình lưu giữ lại chiếc ghe, chiếc xuồng xem như kỷ vật của gia đình. Hình ảnh ghe xuồng cũng dần trở thành nét đẹp văn hóa trong nhiều tác phẩm thơ, nhạc hiện nay. Tả về nét đẹp của chiếc xuồng tam bản, tác phẩm “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ” đã dẫn lại tác phẩm “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười” của Nguyễn Hiến Lê có đoạn “Những chiếc tam bản hai chèo nhẹ như chiếc lá, lướt trên mặt nước loang loáng ánh hồng, lượn một đường cong cong và từ từ ghé bến, êm như vuốt ve. Cử động của thiếu nữ chèo tam bản nhịp nhàng, uyển chuyển làm sao!”(5). Những hình ảnh đó mang lại cho ghe xuồng dáng dấp nhẹ nhàng, thơ mộng, là biểu tượng đại diện cho sự thanh bình, êm ái của một Tây Nam Bộ truyền thống.
Trong thơ ca có “Bà Phong, Bà Phận, Ông Kớ, Ông Nam/ Dưới sông cá bạc tôm vàng/ Xuồng ghe tấp nập bạn hàng tới mua”, hay “…Còn mãi trong tôi/ Miền quê yên ả/ Trời hồng sông nước/ Xuôi ngược xuồng ghe… Khối nợ nghĩa tình/ Ghi lòng tạc dạ/ Gần thương xa nhớ/ Nhớ!/ Vĩnh Long ơi!”(6)…
Chiếc ghe tam bản hư cũ, vẫn được một hộ gia đình ở phường Tân Hội (TP Vĩnh Long) giữ lại như kỷ vật của gia đình. |
Ghe tam bản và xuồng truyền thống không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là di sản văn hóa quý báu của người dân Vĩnh Long. Chúng gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày, với kinh tế, và cả với tinh thần của cộng đồng. Dù hiện nay, với sự phát triển của công nghệ và các phương tiện giao thông hiện đại, ghe xuồng không còn giữ vai trò quan trọng như trước, nhưng giá trị của chúng vẫn sống mãi trong trái tim của người dân Vĩnh Long như một phần không thể thiếu của bản sắc văn hóa và lịch sử địa phương.
(1) “Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long (1732-2000)”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh.
(2), (4), (5) Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, NXB Văn hóa văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2014.
(3) Sơn Nam, “ĐBSCL- Nét sinh hoạt xưa và văn minh miệt vườn”, NXB Trẻ, 2015.
(6) “Lịch sử- Văn hóa Vĩnh Long tiếp cận bộ phận” của tác giả Trương Công Giang, NXB Văn hóa văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2019.
Bài, ảnh: MINH TRIẾT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin