Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, người sản xuất giàu kinh nghiệm, hiện nay cây khoai lang huyện Bình Tân được trồng quanh năm. Ảnh: NGỌC LIỄU |
Là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, tuy nhiên thời gian qua, tình hình sản xuất khoai lang (KL) phục hồi chậm do giá cả, thị trường tiêu thụ không ổn định, người dân chưa yên tâm đầu tư sản xuất, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất- tiêu thụ nông sản. Để phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng KL đòi hỏi cần có nhiều giải pháp đồng bộ.
Vướng nhiều khó khăn
KL Vĩnh Long có vùng sản xuất thâm canh tập trung với nhiều chủng loại, trong đó, giống KL tím Nhật chiếm đến 90%. Đây là giống có thể trồng quanh năm, những năm trước đây, KL đã đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bình Tân, diện tích KL của huyện chiếm gần 2/3 diện tích KL của cả khu vực ĐBSCL. Có những năm lên đến 13.000ha, sản lượng ước đạt trên 390.000 tấn, với các giống KL được trồng phổ biến gồm: tím Nhật, trắng giấy, trắng sữa, bí đường,…
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, người sản xuất giàu kinh nghiệm, hiện nay cây KL huyện Bình Tân được trồng quanh năm. Đồng thời, theo đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh đã xác định cây KL là 1 trong 3 cây trồng chủ lực. Trong những năm qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây màu xuống ruộng đang phát triển mạnh. Cây KL góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương.
Tuy nhiên, những năm gần đây tình hình sản xuất KL gặp khó khăn. Cụ thể, tập quán sản xuất của người dân vẫn còn thói quen sử dụng hom giống từ ruộng sản xuất hàng hóa cho vụ sau, dẫn đến tình trạng thoái hóa giống làm giảm năng suất, chất lượng KL. Hiện nay, các cơ sở chế biến sản phẩm KL rất ít, quy trình công nghệ chế biến, bảo quản còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nông dân còn sản xuất theo diện tích nhỏ lẻ, còn lạm dụng thuốc BVTV trong phòng trừ sâu bệnh hại đã làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; bón phân chưa hợp lý, mất cân đối giữa các yếu tố dinh dưỡng, sự suy thoái đất nông nghiệp trong vùng chuyên canh. Nông dân còn thiếu thông tin dự báo, thị trường sản xuất, tiêu thụ. Đó là chưa kể, những năm gần đây, biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường và dịch hại sâu bệnh cản trở việc phát triển cây KL.
Nông dân trồng khoai còn gặp nhiều khó khăn. |
Chú Nguyễn Hoàng Trung (xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân) chia sẻ: Khoảng 2 năm nay giá khoai bấp bênh. Nếu canh vụ, giá KL tím ở mức 500.000 đ/tạ thì mới có lời, còn không là cầm chắc lỗ. Trong khi đó, thương lái thu mua khi giá khoai giảm thì bỏ cọc, doanh nghiệp hứa thu mua bao tiêu thì bẻ kèo. Tình hình này kéo dài, nông dân sản xuất tụi tui rất lo lắng, mong ngành chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ, ổn định giá cả, thị trường đầu ra”.
Bà Đinh Thị Tuyết Hạnh- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bình Tân cho biết: Tính đến nay, toàn huyện xuống giống 813ha KL, so cùng kỳ giảm 220ha. Trong đó, KL tím là 330ha. Hiện còn trên đồng 194ha. Cây KL đã hình thành vùng sản xuất KL thâm canh tập trung. Tuy nhiên, mặt trái là tình hình dịch hại xuất hiện và gây hại ngày càng nhiều. Đặc biệt là thời gian gần đây, bệnh thối gốc và thối củ trên cây KL xuất hiện nhiều hơn, gây thiệt hại nặng đến năng suất và lợi ích kinh tế của người dân. Trong khi người nông dân vẫn giữ tập quán canh tác cũ như trồng với mật độ dày, lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học để quản lý sâu, bệnh hại. Điều này sẽ dẫn đến chất lượng sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu khắt khe của các thị trường tiêu thụ (nhiễm dư lượng nitrat, thuốc BVTV).
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Xác định KL là cây trồng chủ lực của tỉnh trong nhiều năm qua vì vậy có nhiều nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu chuyên sâu đã được nghiên cứu và ứng dụng tại các vùng trồng KL chuyên canh của tỉnh. Bà Đinh Thị Tuyết Hạnh cho hay: Xác định cây KL là 1 trong 3 cây trồng chủ lực của tỉnh, vì vậy hàng năm bằng các nguồn kinh phí từ tỉnh đến huyện, ngành nông nghiệp đã đầu tư khá nhiều vào các chương trình, dự án, các mô hình nhằm bảo vệ, duy trì và phát triển cây KL. Đồng thời giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất, khai thác và tận dụng được thế mạnh của địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Thành Thái- Phó Chủ tịch xã Mỹ Thuận (huyện Bình Tân) cho hay: Để cây KL phát triển ổn định, địa phương đã khuyến cáo nông dân phải đăng ký thực hiện mã số vùng trồng, từ đó, trồng theo quy trình, ghi chép nhật ký canh tác, nâng cao nhận thức trong sản xuất, nâng cao chất lượng từ đó giúp bán được giá ổn định hơn. Đồng thời phải biết nắm bắt quy luật thị trường, mạnh dạn sản xuất theo mô hình hiệu quả.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Bà con cần đưa các giống KL có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất; xây dựng các chuỗi liên kết trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm KL. Cần đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn; xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng để nâng cao giá trị.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình kỹ thuật canh tác, không lạm dụng thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe, áp dụng các biện pháp IPHM, các giải pháp sinh học, bón phân cân đối… vào canh tác KL. Đồng thời, phối hợp xúc tiến hình thành liên kết chuỗi sản phẩm hàng hóa từ cung ứng dịch vụ- sản xuất- thu mua- tiêu thụ sản phẩm, thông qua vai trò các HTX, tổ hợp tác; hỗ trợ người nông dân, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp…
Cần có nhiều biện pháp để phát triển ổn định ngành hàng khoai lang. |
Theo ngành chức năng, để cây KL phát triển bền vững rất cần thiết xây dựng các mô hình nhân giống đạt chất lượng hom giống nhằm cải thiện năng suất, chất lượng củ cũng như chống chịu tốt với các loài dịch hại quan trọng trên cây KL, giảm chi phí sản xuất, từng bước nâng cao nhận thức của nông dân sử dụng hom giống đạt chất lượng. Đồng thời nông dân cần sản xuất KL đạt GAP, chứng nhận an toàn thực phẩm, thực hiện mã số vùng trồng, có truy xuất nguồn gốc để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, an toàn.
Để tạo được thị trường ổn định cho sản phẩm KL, cần có những chiến lược marketing, xúc tiến thương mại tốt; cần kêu gọi đầu tư để phát triển hệ thống sản xuất chế biến sản phẩm, chú trọng đến hệ thống logistics tạo điều kiện thuận lợi trong bảo quản, vận chuyển sản phẩm tăng cao giá trị lợi nhuận, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh giúp KL có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính.
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin