Tản văn:
Hương làng trăm năm

12:51, 15/09/2024
 

Đình Mỹ Hòa day ra khúc quanh sông Cái Vồn. Gió lồng lộng. Tôi chần chừ đứng dưới gốc sung sai trái mà nghe gió hát. Hương của phù sa phả vào hồn. Dưới bến có hai đứa trẻ đang giỡn nước.

Tôi hỏi đường vào lò tàu hủ ky. Một bé nhanh miệng đưa ngón tay chỉ cô đi thẳng chừng hơn 100m có bến tàu là tới nơi. Tôi chạy chậm. Một phụ nữ trung niên mặc đồ bộ, khoác thêm cái áo dài tay bên ngoài đứng đón. Tôi biết là mẹ bé Nhi.

Tôi đậu xe chỗ cự củi, kế bên là bồ chứa bụi than. Tôi gật đầu chào rồi theo chị vào bên trong. Nhi không có nhà. Chị nói Nhi đi khu công nghiệp làm rồi. Năn nỉ kêu đi học ĐH nhưng Nhi không chịu. Chị nói chuyện tương lai của Nhi thôi để nó tự quyết định.

Nhà có hai gian. Khói đóng đen bốn bên làm bật nổi những chảo đầy nước cốt đậu màu trắng kem đang bốc khói. Tôi bước vào và ngay lập tức cảm nhận được hơi nóng. Phía trên nóc nhà có vài chỗ trống, nắng tràn vào rồi tan giữa mùi hương thơm béo của đậu nành. Trên các sào tre, váng đậu đủ lửa phơi mình. Đó là những miếng tàu hủ ky vắt vẻo chờ gió và nhiệt hong khô.

Chị tỉ mỉ kể tôi nghe quy trình sản xuất. Nguyên liệu cần có là đậu nành. Ngày xưa là đậu ta và đậu miên, giờ thì nhập khẩu là chủ yếu. Đậu nành được xay mịn, vắt lấy nước cốt rồi cho vào chảo đun sôi. Sau một tiếng thì hớt bọt, rồi canh váng đậu đầy vớt phơi. Một mẻ kéo dài khoảng 27 tiếng. Than bụi giúp giữ lửa ở nhiệt độ bình. Nhìn mặt váng mịn màng tôi thèm mơn trớn hơn là bị kích thích vị giác.

Chị vừa giải thích cho tôi vừa lấy dao cắt đôi mặt váng. Tôi tò mò hỏi lò có từ khi nào. Chị khoe lò nhà chị là lò gia truyền đời thứ tư của ông Tổ Châu Xường. Chị là dâu, từ khi bé Nhi được một tuổi là chị theo nghề của gia đình. Tôi thoáng hiện rõ niềm hân hoan. Không ngờ ghé đúng cội nguồn.

Vào khoảng năm 1912, ông Châu Xường- người Hoa cùng vợ và 2 người con trai là Châu Khoánh và Châu Sầm sang Việt Nam làm ăn sinh sống và đã đến vùng đất Mỹ Hòa lập nghiệp. Họ đã đem theo nghề làm tàu hủ ky gia truyền đến vùng đất này.

Chị nói làng nghề được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Từ khi được công được, khách du lịch đến nhiều. Làng nhộn nhịp hẳn lên. Nhiều anh xe ôm, tài công lái tàu có việc làm. Giờ dân trong làng quen dần với việc làm du lịch. Như chị, cũng tập giao tiếp, kể cho khách đến tham quan về nghề. Trường học cũng đưa học sinh đến trải nghiệm.

Tôi hỏi đầu ra của sản phẩm. Chị nói thương lái đến tận nhà. Trước đây, khi cha bé Nhi còn sống, nhà chị chở trực tiếp ra chợ bán cho bạn hàng, tiền không qua trung gian sẽ nhiều hơn. Nhưng giờ anh không còn. Một mình chị không làm như thế nổi.

Tôi hỏi về việc truyền nghề. Chị nói những người đến đây phụ họ sẽ học. Nghề này không khó. Tàu hủ béo thơm nhờ canh lửa và độ sánh của nước cốt đậu. Những chỗ tham, họ dùng nước cốt đậu pha. Còn như ở đây, trước làm sao giờ làm y vậy. Tất cả đều thủ công.

Tôi nhắm mắt hít cho thật đầy hương làng trăm năm. Hương se tròn theo khói quẩn quanh nơi mặt chảo. Tôi hình dung một ngày không xa, những bộn bề của cuộc mưa sinh nơi xứ lạ sẽ đưa bé Nhi trở về sống với nghề của ông cha, giữ cho bếp nhà đỏ lửa.

Chị đã không đi bước nữa. Bằng cách nào đó chị bền bỉ nhóm bếp giữ nghề. Khó nhứt ở đời là giữ lòng không suy suyễn trước cuộc bể dâu. Vậy mà chị làm được. Nên tôi tin sớm muộn chị cũng kéo được bé Nhi trở về. Sống được với di sản của quê hương là điều tuyệt đẹp nhất trên đời này.

Chị tiễn tôi cùng bịt tàu hủ non thơm lựng. Chị hướng dẫn cách bảo quản, cách chế biến một vài món. Tôi cảm ơn rồi từ biệt. Xe chạy chậm trên con đường cập mé sông. Nước đứng- thời điểm phù sa lắng xuống cho trù phú đất làng. Nhìn về phía nhà bé Nhi, tôi thấy khói tỏa nghi ngút hòa cùng mây trắng bay...

Bài, ảnh: HUỲNH NHỊ

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh