(VLO) Bộ GD- ĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, phương án này dựa trên Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm học đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới, các trường phổ thông đã nhanh chóng triển khai; phụ huynh và học sinh tìm hiểu kỹ, đồng thời đánh giá cao phương án mới đã giảm áp lực cho học sinh, gọn nhẹ hơn trong tổ chức thi.
Học sinh lớp 12, năm học 2024-2025 sẽ thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. |
Giảm áp lực hơn
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm khác biệt so với chương trình giáo dục phổ thông trước đó. Phương án thi tốt nghiệp THPT cũng khác với nhiều điểm mới, thuận lợi, nhẹ nhàng hơn cho thí sinh.
Năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trường THPT Vĩnh Long (TP Vĩnh Long) chuẩn bị lực lượng giáo viên chủ nhiệm lớp 12, giáo viên bộ môn lớp 12 là những thầy cô đạt chuẩn có nhiều kinh nghiệm và dạy ôn thi tốt nghiệp hàng năm ổn định cao.
Cô Đỗ Thị Kim Loan- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long, cho rằng: “Trang thiết bị của trường cũng được sự quan tâm, đầu tư cơ bản đầy đủ, đồng bộ đáp ứng được việc giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018”.
Cụ thể, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 kết thúc ở bậc THCS và bậc THPT là giai đoạn giáo dục hướng nghiệp. Chính vì vậy, học sinh bậc THPT không bắt buộc phải học tất cả các môn học chương trình cũ mà chỉ học 8 môn bắt buộc và 4 môn trong các môn học còn lại.
Thi tốt nghiệp THPT từ năm học này có 4 môn. Theo đó, thí sinh sẽ bắt buộc thi 2 môn: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận các môn thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm.
Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi cùng thời gian theo quy định của Bộ GD-ĐT. Về phương thức xét công nhận tốt nghiệp, theo quy định sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo chung, ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn, kế hoạch tổ chức kỳ thi, hướng dẫn tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra giám sát kỳ thi; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương, phương án này được thực hiện từ năm 2025 và trong giai đoạn 2025-2030 sẽ giữ ổn định phương thức thi trên giấy.
Với việc giảm số môn thi cùng với chương trình mới học sinh học ít môn hơn; được tự chọn môn học, môn thi đây là thuận lợi lớn cho học sinh, giúp các em giảm áp lực hơn trong học thi. Cùng với đó, khâu tổ chức thi, gác thi cũng tiết kiệm được thời gian, công sức, kinh phí hơn.
Cần tư vấn, chuẩn bị sẵn sàng
Sau năm 2030, Bộ GD-ĐT sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện. Khi tất cả địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm. |
Hiện nay, các trường phổ thông trong tỉnh không chủ quan, lơ là mà sẵn sàng trang thiết bị, giáo viên để thực hiện chương trình lớp 12; song song đó là tư vấn cho phụ huynh và học sinh hiểu để chọn lựa đúng môn thi phù hợp năng lực, ngành nghề muốn học nếu xét tuyển vào ĐH.
Cô Phan Hoàng Tú Nga- Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long), cho biết: “Ngay từ đầu tháng 8, chúng tôi đã phân công giáo viên chủ nhiệm, đặc biệt quan tâm khối 12 lần đầu tiên thực hiện thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
“Khi Bộ GD-ĐT ban hành phương án thi, Trường THPT Lưu Văn Liệt cho các em tiến hành chọn môn thi tốt nghiệp và sắp xếp lớp phù hợp để thầy cô dễ quan tâm, quan tâm ngay từ đầu, có sự chuẩn bị tâm thế ngay từ đầu về phần kiến thức để cho các em thi tốt nghiệp đạt kết quả tốt nhất”- cô Nga nói thêm.
Trong khi đó, Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn) cũng tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt đối với lớp 12 bảo đảm hoàn thành chương trình năm học và nâng cao chất lượng giáo dục trung học.
Thầy Trần Quang Huy- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân, cho biết trong năm học này, nhà trường sẽ “thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đa dạng hóa hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục tích hợp phát triển các kỹ năng cho học sinh, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THPT”.
Được thầy cô thông tin, tư vấn về phương án thi mới, em Trần Phước Minh- học sinh lớp 12A2, Trường THPT Vĩnh Xuân, cho hay: “Qua thầy cô hướng dẫn và tự tìm hiểu thông tin trên báo, em đã hiểu về phương án thi tốt nghiệp năm nay. Em dự kiến xét tuyển vào ngành Sư phạm Vật lý, do đó, em định tự chọn 2 môn Vật lý và Hóa học trong các môn học tự chọn đang học để thi tốt
nghiệp THPT”.
Từ khi có dự thảo phương án, các trường phổ thông đã quan tâm đóng góp; hiện tại đã và đang truyền thông đến phụ huynh, học sinh. Đặc biệt, quan tâm đến học sinh lớp 12 năm đầu tiên thi tốt nghiệp theo chương trình mới. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư mới về quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh từ lớp 10 sẽ phải học 8 môn bắt buộc bao gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục địa phương và Lịch sử. Ngoài các môn bắt buộc, học sinh Vĩnh Long sẽ được lựa chọn 4 môn trong các môn học còn lại: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin