Phát triển hệ thống đô thị theo mô hình mạng lưới

17:20, 12/09/2024
Đến năm 2030, cả nước có khoảng 1.000-1.200 đô thị.
Đến năm 2030, cả nước có khoảng 1.000-1.200 đô thị.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 891 ngày 22/8/2024 phê duyệt quy hoạch (QH) hệ thống đô thị (ĐT) và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. QH định hướng phát triển hệ thống ĐT Việt Nam theo mô hình mạng lưới, phân bố hợp lý tại các vùng kinh tế- xã hội, vùng ĐT lớn gắn với các cực tăng trưởng của đất nước trong mối liên kết tầng bậc, cấp, loại ĐT; tạo thành hình thái không gian kết nối chuỗi, dải và chùm ĐT, được phân bố hợp lý theo các vùng miền.

Theo QH, định hướng phát triển 4 vùng ĐT: vùng ĐT Hà Nội, vùng ĐT TP Hồ Chí Minh, vùng ĐT Đà Nẵng, vùng ĐT Cần Thơ. Cụ thể, vùng ĐT Hà Nội là vùng ĐT lớn gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình và Phú Thọ. Vùng ĐT TP Hồ Chí Minh là vùng ĐT lớn gồm các tỉnh/thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang. Vùng ĐT Đà Nẵng gồm các thành phố: Đà Nẵng, Huế và các ĐT lân cận thuộc tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Theo Quyết định số 1759/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt QH tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đến năm 2030, Vĩnh Long có 11 ĐT, gồm: 1 ĐT loại II, 1 ĐT loại III, 2 ĐT loại IV và 7 ĐT loại V.

Theo đó, định hướng phát triển một số ĐT trọng tâm. Trong đó, TP Vĩnh Long là ĐT loại II trực thuộc tỉnh; là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục- đào tạo, khoa học- công nghệ của tỉnh; tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; là đầu mối kết nối giao thông quan trọng của tỉnh và vùng ĐBSCL. TX Bình Minh là trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và kho vận, văn hóa, du lịch phía Nam của tỉnh.

Vĩnh Long thuộc vùng ĐT Cần Thơ gồm TP Cần Thơ và các ĐT lân cận thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp. Theo đó, xây dựng TP Cần Thơ là cực tăng trưởng động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL; cùng với các ĐT Long Xuyên, Rạch Giá, Cao Lãnh, Vĩnh Long trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao của cả vùng gắn với hệ sinh thái vùng ĐBSCL.

Khai thác trục giao thông kết nối Cần Thơ- Mỹ Thuận- Trung Lương- TP Hồ Chí Minh và Châu Đốc- Cần Thơ- Hậu Giang- Sóc Trăng để tập trung phát triển ĐT, tạo sự lan tỏa tới các khu vực khác trong vùng. Khai thác trục cao tốc Lộ Tẻ- Rạch Sỏi qua Cao Lãnh, Mỹ An (Đồng Tháp)- Đức Hòa (Long An) song song với tuyến Cần Giờ- Mỹ Thuận- Trung Lương- TP Hồ Chí Minh để tập trung phát triển ĐT, tăng cường liên kết phát triển kinh tế- xã hội trong vùng ĐT Cần Thơ với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; đảm bảo việc phát triển các ĐT Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long (khu vực phát triển động lực trung tâm vùng ĐBSCL) thành điểm hội tụ của các hành lang phát triển trên hành lang vận tải quan trọng của vùng.

Bên cạnh, các chuỗi và chùm ĐT được bố trí hợp lý tại các vùng kinh tế- xã hội, vùng ĐT lớn; dọc hành lang biên giới, ven biển, hải đảo và trên các tuyến hành lang kinh tế Bắc- Nam, Đông- Tây, tạo mối liên kết hợp lý trong mỗi vùng và trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia, gắn phát triển kinh tế- xã hội với bảo đảm quốc phòng- an ninh.

Đối với vùng ĐBSCL: chuỗi ĐT từ Cần Thơ đến Long An, định hướng đẩy mạnh ĐT hóa, công nghiệp hóa dọc các tuyến đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Tây đoạn Mỹ An (Đồng Tháp)- Đức Hòa (Long An), tuyến cao tốc Bắc- Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ- Bến Lức (Long An) và khu vực dọc hành lang vận tải thủy nội địa TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ; chuỗi ĐT dọc sông Tiền- sông Hậu thành vùng ĐT đối trọng với vùng TP Hồ Chí Minh; phát triển các ĐT: Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long thành điểm hội tụ của các hành lang phát triển trên hành lang vận tải quan trọng của vùng.

Theo QH, có 5 ĐT trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (dự kiến đến năm 2030 là ĐT loại đặc biệt), Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng (dự kiến đến năm 2030 là ĐT loại I). 8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương (dự kiến đến năm 2030 là ĐT loại I). QH ban hành danh mục 42 ĐT loại I, 50 ĐT loại II… Theo đó, Vĩnh Long có TP Vĩnh Long nằm trong danh mục ĐT loại II, Bình Minh là ĐT loại III.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, ĐT và nông thôn là các không gian lãnh thổ không thể tách rời, được tổ chức xen kẽ, được quản lý theo các cấp chính quyền. Trong đơn vị hành chính ĐT có một phần nông thôn và trong đơn vị hành chính nông thôn có một phần ĐT. Do đó, QH ĐT và QH nông thôn được nghiên cứu đồng bộ để đảm bảo đáp ứng yêu cầu về sự chuyển hóa giữa ĐT và nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững.

Theo QH, tỷ lệ ĐT hóa năm 2030 đạt trên 50%; năm 2050 đạt 70%; toàn quốc có 1.000-1.200 ĐT; hình thành một số trung tâm ĐT cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp ĐT tương đương mức bình quân của các ĐT thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; kinh tế khu vực ĐT đóng góp khoảng 85%GDP cả nước; xây dựng được mạng lưới ĐT thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế; 3-5 ĐT có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.

Diện tích cây xanh đạt khoảng 8-10 m2/người; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực ĐT đạt tối thiểu 32m2; 100% dân cư ĐT được cấp nước sạch đảm bảo chất lượng; nước thải sinh hoạt được xử lý tại các ĐT loại II trở lên đạt 40-45%. Cả nước có ít nhất 90% xã đạt chuẩn NTM, trong đó 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao...

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh