Nhớ ngày Sân khấu Việt Nam

22:10, 16/09/2024
Lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long chụp ảnh lưu niệm với Phân hội Sân khấu nhân ngày Sân khấu Việt Nam.
Lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long chụp ảnh lưu niệm với Phân hội Sân khấu nhân ngày Sân khấu Việt Nam.

Nói đến sân khấu là nói đến nhiều loại hình nghệ thuật cùng tồn tại trong quá trình hình thành và phát triển như: tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, múa rối, ca kịch Huế, bài chòi… Nhưng có lẽ ít ai biết sân khấu ra đời từ bao giờ? Tổ nghiệp sân khấu là ai? Nhiều câu hỏi được đặt ra và qua trau đổi, tìm hiểu thì có rất nhiều tài liệu nghiên cứu về sân khấu. Chúng ta cùng trau đổi để tìm hiểu thêm về ngày Sân khấu Việt Nam.

Sân khấu là một loại hình nghệ thuật được ra đời rất sớm. Loại hình nghệ thuật chèo ra đời từ thế kỷ thứ 10 thời nhà Đinh do bà Phạm Thị Trân là một vũ nữ tài ba trong cung đình sáng lập, chỉ để phục vụ các lễ hội trong cung đình và cho giới quan chức triều đình. Đến thế kỷ XV vua Lê Thánh Tông không cho chèo biểu diễn trong cung đình do ảnh hưởng của đạo Khổng. Từ đó, chèo được phát triển ra công chúng rất mạnh mẽ ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Sân khấu múa rối cũng đồng hành ra đời cùng với chèo. Đây là loại hình nghệ thuật đặc sắc của người Việt ở vùng châu thổ sông Hồng, chuyên phục vụ các lễ, hội và công chúng.

Sân khấu tuồng, tức “hát bộ hay hát bội”, được ra đời thời Tiền Lê năm 1005, do một kép hát người Tàu tên Liêu Thủ Tâm khởi xướng sáng lập, được vua Lê Long Đỉnh thu dụng và cho phép hoạt động trên phạm vi cả nước. Càng về sau thì các loại hình nghệ thuật khác như: cải lương, kịch nói, xiếc, ca Huế, bài chòi… cũng hình thành cùng tồn tại và phát triển cho đến ngày hôm nay.

Riêng sân khấu cải lương là một loại hình nghệ thuật được phối kết hợp từ 3 loại hình nghệ thuật: đờn ca tài tử, tuồng và kịch nói phương Tây. Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển thì từ năm 1910, Việt Nam đã cử một đội đờn ca tài tử qua nước Pháp biểu diễn, được người Pháp đưa lên sân khấu ngồi đờn, ca (Lúc bấy giờ đờn ca tài tử ở Nam Bộ chỉ ngồi trên chiếu hoặc đệm). Khi trở về Việt Nam ông Trần Văn Khải là đội trưởng kể lại cho thầy Hộ (chủ rạp Casino ở Mỹ Tho) nghe.

Thầy Hộ thấy hay hay nên liền cho ban nhạc và tài tử lên sân khấu biểu diễn trước giờ chiếu phim, được công chúng hoan nghênh hưởng ứng và nhiệt tình ủng hộ. Đến khoảng năm 1915-1916, ông Phó Mười Hai ở Vĩnh Long đến Mỹ Tho, được xem cô Ba Đắc ca bài Tứ đại oán “Bùi kiệm đi thi”, có lời thoại mà không ra bộ trên sân khấu. Khi về Vĩnh Long ông cho các nghệ nhân tài tử đứng ca ra bộ trên bộ ván ngựa. Lúc đầu, một người ca, sau đó chia lời ca cho hai, ba người ca. Và cũng chính “Ca ra bộ” là tiền đề hình thành sân khấu cải lương và phát triển cho đến ngày nay.

Từ những vấn đề trên, phần nào chúng ta cũng hiểu được nguồn gốc các loại hình nghệ thuật văn hóa phi vật thể của sân khấu. Vấn đề “Ông Tổ” của sân khấu là ai? Ngày giỗ tổ xuất xứ từ đâu? Cho đến ngày nay cũng chẳng ai biết? Chúng ta có thể biết rằng, từ những lớp nghệ sĩ lão thành như: Nghệ sĩ nhân dân Thành Tôn, Năm Châu, Phùng Há…

Các học giả như Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Đinh Bằng Phi… đã có rất nhiều đề tài nghiên cứu về “Ông tổ sân khấu”, những giai thoại, truyền thuyết, yếu tố lịch sử đã đưa ra nhiều câu chuyện nhưng không chuyện nào giống chuyện nào. Song, phổ biến nhất là hai câu chuyện có nội dung truyền thuyết sau: Chuyện thứ nhất cho rằng Tổ của sân khấu gồm 3 người: Ông vua, ăn cướp và ăn mày.

Cho đến nay truyền thuyết này vẫn còn ảnh hưởng trong giới nghệ sĩ. Đặc biệt là nghệ sĩ thì không cho tiền “Kẻ ăn xin”, vì đây là “Tổ nghiệp” của mình. Còn đi hát thì không sợ ăn cướp vì ăn cướp cũng là Tổ. Câu chuyện thứ hai cho rằng: Tổ nghiệp của sân khấu là hai vị hoàng tử, do mê hát bị vua cha truy tìm, chạy trốn trong hậu trường của gánh hát, rồi bị chết cháy mà hiển linh thành ông tổ. Từ đó, trong sân khấu cũng được truyền tụng, nên bàn thờ tổ luôn đặt ở phía sau hậu trường sân khấu để tiện việc cho các nghệ sĩ trước khi biểu diễn thì đến chiêm bái.

Người xưa có câu “Sanh nghề, tử nghiệp” hay nghề nào cũng có tổ nghiệp của nó. Vì vậy, các loại hình nghệ thuật có nguồn gốc, xuất xứ và có tổ nghiệp là lẽ đương nhiên. Dân tộc Việt Nam có nền văn hóa lâu đời và đã trải qua hàng ngàn năm văn hiến. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”; “Tôn sư, trọng đạo”; “ Không thầy đố mày làm nên”… đã hình thành lòng tin từ trong nhân cách mỗi con người và cũng đã trở thành phong tục, tập quán trong đời sống xã hội.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, từ nền sân khấu nước nhà, các nghệ nhân, nghệ sĩ không sợ hy sinh gian khổ, đã trở thành những chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền, hun đúc tinh thần dân tộc, đứng lên giải phóng quê hương đất nước. Ngày hòa bình thống nhất đất nước, sân khấu ba miền Bắc, Trung, Nam “Nối vòng tay lớn”, cùng giao lưu, học hỏi trao đổi nghệ thuật lẫn nhau, công chúng được xem, được thưởng thức các món ăn tinh thần với tất cả các loại hình nghệ thuật sân khấu trên cả nước.

Ngày nay, cùng với sự phát triển khoa học công nghệ như vũ bão của nhân loại, trào lưu hội nhập quốc tế của các nước, sự pha trộn, xâm thực của các luồng văn hóa nghệ thuật của các nước đã làm ảnh hưởng rất lớn đến nền sân khấu nước ta. Song chúng ta, khẳng định rằng: Sân khấu nước nhà là một trong những loại hình nghệ thuật đặc sắc, là nơi truyền tải những giá trị văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục, xây dựng con người có lối sống yêu hòa bình, tự do, bác ái. Là loại hình nghệ thuật mà người nghệ sĩ cùng với công chúng sẽ làm bạn đồng hành cùng xây dựng nhân cách đi đến giá trị đích thực về chân, thiện, mỹ.

Từ những ý nghĩa trên của nghệ thuật sân khấu, được sự đề xuất của Hội Sân khấu Việt Nam, Ban Bí thư đã có kết luận ngày 30/7/2010 và Thông báo số 364, ngày 3/8/2010, lấy ngày giỗ tổ sân khấu làm ngày Sân khấu Việt Nam (ngày 12/8 âl hàng năm). Ngày 4/1/2011, Thủ tướng Chính Phủ đã ra Quyết định số 13, công nhận ngày giỗ tổ sân khấu Việt Nam. Ngày giỗ tổ là ngày thực hiện các nghi thức truyền thống, mang ý nghĩa tinh thần của giới sân khấu. Vì muốn phát triển, hội nhập thì phải tôn trọng các giá trị văn hóa, phải đi từ cái gốc truyền thống, phải giữ được cái bản sắc văn hóa dân tộc.

Giỗ tổ chính là ngày hội, ngày tôn vinh, nhằm động viên, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, các tầng lớp nhân dân sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật, có chất lượng nghệ thuật cao, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, cổ vũ, động viên toàn dân tộc giữ gìn và phát huy nền văn hóa truyền thống tốt đẹp của Sân khấu Việt Nam.

Bài, ảnh: LÊ MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh