Lao động có tay nghề không lo thiếu việc làm

13:03, 17/09/2024

(VLO) Tạo việc làm (VL) đầy đủ, năng suất và VL tốt cho tất cả mọi người; đảm bảo tiếp cận công bằng cho tất cả nam và nữ đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH có chất lượng và trong khả năng chi trả;... tăng đáng kể số lao động (LĐ) có các kỹ năng phù hợp với nhu cầu của thị trường LĐ để có VL tốt và làm chủ doanh nghiệp...

Người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm để học nghề, tìm kiếm công việc phù hợp khả năng và nhu cầu.
Người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm để học nghề, tìm kiếm công việc phù hợp khả năng và nhu cầu.

Đó là một số mục tiêu cụ thể trong các mục tiêu phát triển bền vững, giai đoạn 2021 ước đến 2025 và hướng đến năm 2030.

Trung tâm Dịch vụ VL tỉnh Vĩnh Long vừa phối hợp Công ty CP Cung ứng nhân lực Mekong tổ chức chương trình tư vấn, kết nối tuyển dụng người LĐ có nhu cầu hành nghề tài xế hạng xe tải tại Nhật Bản.

Tại đây, bà Lý Ngọc Điệp- Tổng Giám đốc Công ty CP Cung ứng nhân lực Mekong, tư vấn, trao đổi với người LĐ và thấy rằng: “Có nhiều nhu cầu, nguyện vọng của người LĐ muốn tham gia đi làm nghề tài xế hạng xe tải tại Nhật Bản để có VL, thu nhập cao nhằm ổn định, cải thiện cuộc sống cho bản thân và gia đình họ”.

Điều cản trở lớn nhất đối với người LĐ hành nghề tài xế hạng xe tải tại Nhật Bản là việc học và thi lấy bằng tiếng Nhật N4 vì người LĐ ở độ tuổi tầm 40 tuổi sẽ học tiếng Nhật rất khó khăn.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho người LĐ tham gia chương trình này, trung tâm phối hợp Công ty Mekong mở lớp đào tạo tiếng Nhật miễn phí cho người LĐ có nhu cầu hành nghề tài xế hạng xe tải tại Nhật Bản tại trung tâm vào ngày thứ hai và thứ ba hàng tuần.

Chiều ngày 29/8, trung tâm phối hợp Công ty TNHH Quốc tế BIC Cửu Long tổ chức lễ khai giảng lớp đào tạo tiếng Hàn Quốc khóa 6/2024 cho 20 học viên.

Lớp học là cơ sở tạo nguồn chuẩn bị cho kỳ thi tiếng Hàn Quốc theo chương trình EPS đợt 2 trong năm 2024. Đây cũng là khóa thứ 6 đào tạo tiếng Hàn dành cho học viên được các đơn vị phối hợp mở từ đầu năm đến nay.

Theo ông Huỳnh Tuấn Kiệt- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ VL, trong thời gian tới, trung tâm và BIC Cửu Long tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa, cũng như tăng cường cơ sở vật chất phục vụ quá trình học tập cho các học viên để tạo hiệu quả trong đào tạo tiếng Hàn, tạo điều kiện cho các học viên sớm tham gia thị trường LĐ Hàn Quốc.

Thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các quy định hiện hành khác có liên quan, đến nay tại tỉnh đã có 16 đơn vị, doanh nghiệp khác đăng ký tham gia hoạt động đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng cho LĐ nông thôn.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài ra, có 5 trường trung cấp ở ngoài tỉnh được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp theo hình thức liên kết đào tạo với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên trên địa bàn.

Các điều kiện nguồn lực vật chất này đã và đang góp phần đa dạng vào công tác đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến mục tiêu tăng đáng kể số LĐ có các kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường LĐ để có VL tốt và làm chủ doanh nghiệp.

Theo Sở Lao động-TB-XH, từ 2021 đến nay, toàn tỉnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho 171.906 người, trong đó đào tạo trình độ CĐ 2.330 người, trung cấp 7.784 người, sơ cấp 40.776 người; đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng 121.016 người. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 78,25%; tỷ lệ LĐ qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 28,41%.

Mới nhất, trong 8 tháng của năm 2024, toàn tỉnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho 24.321 người (đạt 68,53% kế hoạch năm). Trong tổng số đó, đào tạo dưới 3 tháng và đào tạo thường xuyên chiếm đa số với 22.221 người (bao gồm đã mở 112 lớp đào tạo nghề cho người LĐ theo chính sách hỗ trợ đào tạo sơ cấp, dưới 3 tháng cho 2.528 học viên, đạt 50,56% kế hoạch năm).

Các kết quả này góp phần nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 70,16%, tỷ lệ LĐ qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 23,41%. Trong cùng thời gian, tỉnh giải quyết VL mới cho 20.704 LĐ (đạt 103,52% kế hoạch năm); đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 1.159 người (đạt 68,18% kế hoạch năm).

Đầu tháng 7/2024, chị Lê Thị Bé Tám (ngụ huyện Long Hồ) đến Trung tâm Dịch vụ VL tỉnh làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc.

Trung tâm đã tư vấn, hướng dẫn làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời tư vấn cho chị Bé Tám tham gia khóa học nghề may công nghiệp để có tay nghề, tìm VL mới.

Sau đó, nhờ giới thiệu của văn phòng, chị Bé Tám đã được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH May mặc Leader Việt Nam trong KCN Hòa Phú. Chị Bé Tám nói: “Tôi biết ơn sự hỗ trợ tư vấn nhiệt tình của trung tâm, nhờ đó, tôi có thể tìm được công việc trở lại”.

Trước đó, vào tháng 5, anh Nguyễn Văn Toàn (ngụ huyện Tam Bình) dự sự kiện VL, chia sẻ đã được tư vấn tận tình về các cơ hội VL và các khóa học nghề phù hợp với mình.

“Tôi đã đăng ký học nghề sửa chữa máy may công nghiệp, vì thấy đây là một nghề phù hợp với nhu cầu. Tôi mong khi hoàn thành khóa học sẽ tìm VL và có thu nhập ổn định”- anh Toàn kỳ vọng.

Các trường hợp người LĐ trên đã phản ánh những kết quả tích cực của công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, công tác LĐ, VL đến thời điểm này năm nay.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh