Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh- công trình thiêng liêng, sâu nặng nghĩa tình

06:04, 10/09/2024
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Sau khi Bác Hồ qua đời (9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969), Trung ương Đảng và Chính phủ ta đã đề nghị Trung ương Đảng và Chính phủ Liên Xô cử chuyên gia sang Việt Nam giúp đỡ giữ gìn lâu dài thi hài của Bác và thiết kế, xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 


Lăng Bác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, khoa học kỹ thuật và nghệ thuật kiến trúc. Thiết kế phải thể hiện được 4 phương châm mà Bộ Chính trị đã xác định là: hiện đại, dân tộc, trang nghiêm, giản dị.

Về chức năng phải bảo đảm là nơi giữ gìn nguyên vẹn và lâu dài thi hài Bác; thể hiện được tính hiện đại mà vẫn giữ được màu sắc dân tộc, trang nghiêm nhưng giản dị; thuận tiện cho số lượng lớn Nhân dân và khách nước ngoài đến viếng Bác liên tục; đồng thời lăng cần phải bảo đảm yếu tố kiên cố, an toàn phòng chống bom đạn, động đất, phá hoại.


Tháng 5/1970, phía Liên Xô đã làm xong thiết kế sơ bộ và gửi sang Hà Nội để phê duyệt. Thiết kế sơ bộ này có một số điểm chưa đạt yêu cầu.

Vì vậy, Bộ Chính trị giao cho Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng), Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật và các ngành làm công tác thiết kế, phát động cuộc thi thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tập hợp được nhiều tinh hoa và trí tuệ của các kiến trúc sư, kỹ sư, họa sĩ, nhà điêu khắc, các nhà lão thành cách mạng và các tầng lớp nhân dân trong nước và ngoài nước tham gia.


Trong thời gian ngắn nhưng đã có hơn 200 phương án tham gia, trong đó có cả phương án của Việt kiều ở Pháp gửi về. Ban Tổ chức đã chọn ra 24 phương án có nhiều ưu điểm nhất để trưng bày lấy ý kiến của Nhân dân. Có 745.487 lượt người đến xem trưng bày, trong đó có 34.022 lượt người ghi ý kiến đóng góp. Cuộc triển lãm đã thành công tốt đẹp, tập hợp được trí tuệ của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.


Cuối cùng phương án thiết kế lăng được chọn có sự kết hợp nhiều phương án tổng hợp lại: Khối chính của lăng đặt trên bệ tam cấp gần gũi thân thuộc với phong cách kiến trúc người Việt Nam, thân lăng gợi hình dáng ngôi nhà giản dị năm gian như bao ngôi nhà của người dân Việt Nam. Bậc tam cấp được làm ở mái lăng có hình vát, gợi lên đường nét kiến trúc cổ kính đình làng nơi hội tụ các giá trị truyền thống của quê hương.


Về địa điểm Bộ Chính trị và Chính phủ quyết định xây dựng Lăng Bác ở quảng trường Ba Đình lịch sử. Nơi đây vào ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quảng trường là trung tâm của thủ đô, nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Ngày 3/11/1971, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định thành lập Ban Phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Đỗ Mười, Phó Thủ tướng, làm Trưởng ban. Là một công trình mang ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc, nên những người tham gia lao động xây dựng lăng được tuyển chọn rất kỹ lưỡng, có đạo đức tốt và tay nghề cao và họ rất vinh dự, tự hào được đóng góp công sức vào công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và thiêng liêng này.

Về vật tư ngoài các loại hàng đặc chủng do phía Liên Xô mang sang, còn lại các địa phương trên mọi miền Tổ quốc đều chọn gửi đến công trình những vật tư, nguyên vật liệu tốt nhất, như cát xây dựng được chọn ở vùng sông Bôi, tỉnh Hòa Bình; xi măng mác cao do nhà máy xi măng Hải Phòng sản xuất; đá dăm xây dựng được lấy ở khu vực Thác Bà và một số địa phương khác, bên cạnh 2 vạn miếng đá hoa cương và cẩm thạch do Liên Xô cung cấp, ta còn chủ động tìm nguồn đá quý trong nước như đá ngọc Cao Bằng, đá cẩm thạch Hà Tây, đá hồng ngọc Thanh Hóa; bộ đội miền Đông gửi ra gỗ nu, gỗ sao hàng trăm năm tuổi lấy ở rừng Lộc Ninh; bộ đội Trường Sơn gửi cây gỗ trắc đại thọ, đường vận chuyển từ miền Nam ra đến công trường gần cả tháng trời, vượt qua núi rừng, sông suối, đạn bom, thậm chí có trường hợp hy sinh…

Ngoài ra, hàng chục nghệ nhân nổi tiếng, “những đôi tay vàng” nghề mộc của các tỉnh được hội tụ về công trình để thi thố tài năng với chất lượng và trình độ thẩm mỹ cao nhất.


Quá trình thi công lăng cũng là thời điểm không quân Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, trong những đợt đánh phá vào Hà Nội, có một quả tên lửa đã đánh trúng vào khu vực Phủ Chủ tịch gây một số thiệt hại, vì thế công trình xây dựng lăng phải tạm dừng thi công một thời gian, các kỹ sư, chuyên gia và công nhân được lệnh sơ tán. Riêng thi hài Bác để đảm bảo tuyệt đối an toàn Trung ương đã quyết định đưa thi hài Bác về gìn giữ ở nơi lúc sinh thời Bác Hồ đã từng ghé qua- Đó là vùng núi Đá Chông Ba Vì (còn gọi là K9) thuộc tỉnh Hà Tây, nay thuộc Thủ đô Hà Nội nằm cách thủ đô khoảng 70 cây số về hướng Tây.


Sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta vào tháng 12/1972, đế quốc Mỹ chấp nhận ký kết Hiệp định Paris ngừng ném bom miền Bắc và rút quân về nước. Ngày 2/9/1973, công trình xây dựng Lăng Bác được chính thức khởi công, tiếp tục hoàn thiện những phần việc dở dang trước đó. 


Cùng với việc xây dựng Lăng Bác, quảng trường Ba Đình cũng được tôn tạo lại, tổng diện tích xây dựng là 14ha, riêng phần quảng trường trước lăng có diện tích 2,8ha, sức chứa trên 10 vạn người dự mít tinh, phần trồng cỏ được chia thành 168 ô vuông, kích thước 10x10m (hiện nay sau nhiều lần cải tạo nâng lên 210 ô cỏ), giữa có lối đi rộng 1,4m.


Đường từ cửa chính lăng đến phòng thi hài Bác được tính toán kỹ, bảo đảm cho người vào viếng quen dần với độ sáng, độ ẩm, độ mát cần thiết. Bước vào lăng, trên bức tường đá hoa cương màu đỏ sẫm gắn dòng chữ mạ vàng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và chữ ký của Bác. Được biết vào năm 1974, Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã chỉ đạo Phòng Tinh luyện vàng bạc của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện mạ vàng lên dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và chữ ký Hồ Chí Minh. Bộ chữ này được phía Liên Xô đúc bằng đồng và gửi sang Việt Nam. Vàng dùng để mạ chữ do đoàn đại biểu Đảng bộ và Nhân dân Khu V cung cấp từ mỏ vàng Bồng Miêu, tỉnh Quảng Nam. Sau khi hoàn thành mạ vàng đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, thẩm mỹ, dòng chữ có thể đạt độ bền nhiều trăm năm. 


Lúc 20 giờ ngày 18/7/1975, tức là chỉ hơn 2 tháng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh được di chuyển từ nơi bảo quản bí mật ở vùng núi Ba Vì (K9) về quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, để từ đây Bác được vĩnh viễn yên giấc cho con cháu muôn đời sau được kính cẩn nghiêng mình trước một con Người vĩ đại của quê hương, dân tộc.


Là một người sinh ra lớn lên ở miền Nam, nơi Bác Hồ đã dành nhiều tình cảm sâu nặng, Người đã từng nói: “Miền Nam yêu quý luôn trong trái tim tôi”. Bản thân ít có dịp đến miền Bắc, nhưng nếu đã đặt chân đến thủ đô thì địa điểm nhất quyết phải đến đó là vào lăng viếng Bác. 
 


 
Trên công trường xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.Ảnh: TL
  Trên công trường xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.Ảnh: TL

Được đứng trong dòng người vô tận, chờ đợi giây phút tận mắt nhìn thấy vị cha già dân tộc đang yên nghỉ, đã để lại trong tôi một niềm xúc động, tiếc thương, nhưng rất đỗi tự hào vì đã được Bác Hồ để lại một di sản vô cùng quý báu. Đó là thời đại Hồ Chí Minh, một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc; đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để cháu con học tập; đó là bản Di chúc thiêng liêng, là tình cảm, niềm tin của Bác, là những lời căn dặn cuối cùng của Người gửi gắm đến chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau. 


… Người nằm đó giữa tình sâu nghĩa nặng
Thanh thản, ung dung giấc ngủ vĩnh hằng
Nhớ Di chúc từng lời Người căn dặn
Càng ấm lòng giây phút bước vào Lăng...

,,,,,,,,,,,,,,
(Bài viết có sử dụng số liệu của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Bài, ảnh: TRẦN THẮNG 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh