Ngành y tế tỉnh Vĩnh Long nỗ lực tiêm bù, tiêm vét vaccine cho trẻ bị thiếu trong chương trình tiêm chủng mở rộng. |
Tiêm chủng (TC) là biện pháp an toàn để bảo vệ sức khỏe của trẻ. Cùng với các địa phương trên cả nước, ngành y tế Vĩnh Long đang nỗ lực đảm bảo tỷ lệ bao phủ vaccine trong chương trình TC mở rộng, duy trì thành quả bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà chương trình đã mang lại.
Thành quả của tiêm chủng mở rộng
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, chương trình TC mở rộng được đánh giá là một trong những chương trình về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng thành công nhất hiện nay ở Việt Nam, hơn 40 năm qua, hàng trăm triệu liều vaccine đã được TC miễn phí cho trẻ em và phụ nữ Việt Nam, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ mắc và tử vong.
Tại Việt Nam, hiện nay có 11 bệnh truyền nhiễm gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, rubella, rota được triển khai trong TC mở rộng. Kết quả của TC mở rộng góp phần quan trọng trong đạt thành quả thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000; loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005; giảm rõ rệt tỷ lệ các bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Song, từ năm 2020-2023, tỷ lệ TC vaccine trong chương trình TC mở rộng chưa đạt theo kế hoạch do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và khó khăn trong cung ứng vaccine, làm gia tăng nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm trên diện rộng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nhiều bệnh truyền nhiễm như ho gà, bạch hầu, uốn ván được ngăn chặn, thậm chí các bác sĩ trẻ cũng chưa từng gặp, nhưng nay lại nổi lên và nguy cơ cao bùng phát thành dịch.
Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều địa phương ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần. Hiện nay, cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là với một số bệnh sởi, ho gà, tay chân miệng và bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Nỗ lực bao phủ vaccine
Dù có những lúc khó khăn do thiếu vaccine, nhưng sau khi được cung cấp, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã tăng cường rà soát trẻ trong độ tuổi TC, đảm bảo thực hiện các mũi tiêm theo quy định. Đồng thời, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trẻ tiêm chưa đủ liều trong thời gian gián đoạn.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Hồ Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết: “Khi được cấp đầy đủ các loại vaccine, trung tâm cũng chỉ đạo cho cán bộ chuyên trách của huyện, chỉ đạo xuống xã tăng cường rà soát đưa vô quản lý những trẻ đã tiêm dịch vụ. Còn những trẻ chưa tiêm dịch vụ thì rà soát lập danh sách để tiêm bù, tiêm vét tất cả mũi chưa được tiêm. Đến tháng 7/2024, trẻ em ở Long Hồ hầu như tiêm bù, tiêm vét đầy đủ vaccine trong chương trình TC mở rộng”.
Để nâng cao miễn dịch cộng đồng cho trẻ em, chủ động phòng chống bệnh truyền nhiễm, nhất là trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, các trạm y tế trên địa bàn tỉnh thông báo cho các bậc cha mẹ đưa con đi TC đủ mũi vaccine trong chương trình TC mở rộng theo đúng lịch để phòng bệnh. Qua đó, tiến hành tiêm bù cho trẻ dưới 1 tuổi của năm 2023.
Đồng thời rà soát trẻ chưa được TC hoặc chưa TC đầy đủ các vaccine trong chương trình TC mở rộng theo lịch TC bao gồm cả trẻ trên 1 tuổi, tổ chức tiêm bù đủ mũi cho trẻ sớm đạt độ bao phủ TC trên 90%. BS Trương Thị Xuân Thảo- Trưởng Trạm Y tế xã Thanh Đức (huyện Long Hồ) cho biết: “Khi phụ huynh đưa trẻ đến TC, nhân viên y tế đã tuân thủ thực hiện việc khám sàng lọc trước tiêm và tư vấn, hướng dẫn cho cha mẹ cách chăm sóc, theo dõi trẻ sau khi TC để đảm bảo TC cho trẻ được an toàn”.
Để nâng cao miễn dịch cộng đồng, chủ động phòng chống bệnh truyền nhiễm, ngành y tế cũng tập trung tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vaccine đủ liều, đúng lịch. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe bằng vaccine, đặc biệt là đối với trẻ em.
TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế , cho biết: “Đối với chương trình TC mở rộng thời gian gần đây vaccine cũng được cung cấp đầy đủ. Để duy trì thành quả trong chương trình TC mở rộng của tỉnh, ngành y tế cũng tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền cho người dân hiểu về tầm quan trọng của tiêm vaccine và hưởng ứng tiêm vaccine cho trẻ đủ điều kiện, tạo điều kiện để việc tiêm vaccine thực hiện dễ dàng tại cơ sở y tế. Đồng thời, việc tiêm vaccine được tổ chức an toàn hiệu quả và rà soát các trường hợp chưa được TC đầy đủ”.
Chương trình TC mở rộng đã và đang chứng minh vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Để duy trì, phát huy những kết quả đó, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác TC của ngành y tế, các bậc phụ huynh cần theo dõi lịch TC của trẻ để tiêm đúng, đủ mũi, giúp trẻ phòng ngừa một số dịch bệnh nguy hiểm và tạo miễn dịch cộng đồng.
Giám đốc Sở Y tế- Hồ Thị Thu Hằng khuyến cáo, bệnh được dự phòng bằng vaccine (sởi, ho gà, bạch hầu...): ngành y tế thực hiện tốt TC thường xuyên cho các đối tượng thuộc chương trình TC mở rộng; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được TC đầy đủ. Tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh. Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng bệnh và vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch, đủ mũi tiêm. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin