GIÁO SƯ, VIỆN SĨ, THIẾU TƯỚNG, ANH HÙNG LAO ĐỘNG TRẦN ĐẠI NGHĨA:
Nhẹ gánh tình nhà, nặng nợ nước non

07:30, 13/09/2024

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa- Cục trưởng Cục Quân giới xem triển lãm vũ khí do ngành quân giới Việt Nam sản xuất năm 1950.Ảnh: TL
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa- Cục trưởng Cục Quân giới xem triển lãm vũ khí do ngành quân giới Việt Nam sản xuất năm 1950.Ảnh: TL

Người dân Vĩnh Long, thế hệ trẻ Vĩnh Long có được điều kiện thường xuyên, dễ dàng để tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Giáo sư, Viện sĩ (GS.VS), Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa trở thành nơi các bạn trẻ thường xuyên tìm về học tập, rèn luyện phấn đấu hoàn thiện bản thân.

Đặc biệt, vào năm 2013 và năm 2023, các cơ quan Trung ương đã phối hợp với Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức 2 cuộc hội thảo quan trọng về cuộc đời, sự nghiệp của GS.VS Trần Đại Nghĩa. Hàng trăm bài tham luận đã làm sáng tỏ thêm những đóng góp to lớn của GS.VS Trần Đại Nghĩa qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, tấm gương một chiến sĩ cộng sản trọn đời vì nước, vì dân.

Cùng với đó, có những câu chuyện nhỏ, nhưng đã làm sáng ngời lên một nhân cách lớn của một bậc đại trí thức biết gác lại tình riêng mà lo tròn việc nước.

Tại cuộc hội thảo năm 2013, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh GS.VS Trần Đại Nghĩa, chúng tôi may mắn được nghe kể nhiều câu chuyện riêng tư xúc động về gia đình của chàng thanh niên Phạm Quang Lễ ngày xưa. Những mẫu chuyện cần thường xuyên nhắc lại và lan tỏa rộng rãi trong thế hệ trẻ hôm nay cùng nhau tự hào và học tập.

Kể lại những câu chuyện bằng tình cảm chân thành, với sự thấu hiểu sâu sắc về cuộc đời GS.VS Trần Đại Nghĩa, ông Trần Văn Đức- thư ký riêng của giáo sư đã giúp cho chúng ta hình dung được ý chí của một chàng trai yêu nước Phạm Quang Lễ, mới 17 tuổi đã mang những hoài bão, ước mơ to lớn: “Giúp dân mình thoát khỏi cảnh lầm than”. Rồi những ngày đầu sang Pháp học tập, những biến cố gia đình… đã thật sự làm xúc động lòng người.

Ông Trần Văn Đức kể lại: Người mẹ ngạc nhiên, khi thi đậu 2 bằng tú tài, tại sao Phạm Quang Lễ không ra Hà Nội học tiếp, mà lại xin đi làm? Ông mới trình bày: “Muốn chờ thời cơ ra nước ngoài để có điều kiện học chuyên sâu về vũ khí. Có thể giúp dân, giúp nước nhiều hơn. Ý đồ của con là như vậy”. Ý chí đó đã được Phạm Quang lễ âm thầm thực hiện trong suốt quá trình học tập và làm việc ở nước ngoài mà không hề hé lộ với bất kỳ ai kể cả những người bạn thân thiết nhất.

Khi có được học bổng sang Pháp, ông đã học về ngành cầu đường. Bởi người dân nước thuộc địa làm sao có thể học về vũ khí được. Nhưng ngành cầu đường thì có thể học được về mìn, chất nổ, để xuyên phá núi. Trong khi học được lãnh mỗi tháng 800 franc, thì ông gửi về cho mẹ 300 franc.

Bỗng nhiên, mấy tháng trời Phạm Quang Lễ không nhận được thư chị, sau đó người cậu viết thư sang thì mới biết, người chị gái đã bị nước cuốn trôi trên dòng sông Măng, trong khi bơi xuồng đi mua thức ăn cho heo. Vội vã quay về nước, đến trước nấm mồ chị, Phạm Quang Lễ khóc mà nói rằng: “Chị ơi, em thương chị lắm chị ơi! Gần 30 tuổi đầu, chị chưa có gì riêng tư, chưa có được hạnh phúc gia đình”. Phạm Quang Lễ muốn tạm dừng việc học, để ở bên cạnh lo cho mẹ già, nhưng nghe lời mẹ, Lễ đành bấm bụng ra đi”.

Và quay sang Paris lần này, chàng sinh viên Phạm Quang Lễ đã học bằng một ý chí ghê gớm, cùng một lúc đăng ký vào nhiều trường đại học. Cho đến ngày được gặp Bác Hồ, đó là bước ngoặt lớn, đã làm thay đổi hoàn toàn, từ thanh niên Phạm Quang Lễ, để trở thành nhà khoa học lớn Trần Đại Nghĩa. Người đặt nền móng cho khoa học Việt Nam.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), không giấu được cảm xúc, ngưỡng vọng và sự hào hứng khi nhắc về người thầy của mình: Tôi được biết về bác Nghĩa lúc còn học cấp 2 (năm 1952), trong kháng chiến chống Pháp.

Lúc đó, bác Nghĩa là nhân vật huyền thoại mà tôi không nghĩ là mình có cơ hội được gặp. Số phận tôi có may mắn là được bác gọi đến và giao việc năm 1967. Và từ đó suốt 20 năm- cho đến năm 1987, tôi làm việc và được sự chỉ bảo tận tình của bác Nghĩa- người thầy vĩ đại của tôi. Ngay giữa lúc Mỹ ném bom miền Bắc dữ dội, trong suốt 8 năm trời, bác Trần Đại Nghĩa đã lập ra quy hoạch, tập hợp lực lượng khoa học để chuẩn bị phục vụ cho một đất nước thống nhất, nhằm phát triển đất nước nhanh chóng ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Và hồi đó đã hình thành rất nhiều nhóm khoa học nghiên cứu: toán học, sinh học, cơ học, vật lý, hóa học…

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của “vị tổng chỉ huy” Trần Đại Nghĩa, các nhóm nghiên cứu đã phủ kín tất cả các ngành khoa học ở Việt Nam. Có thể nói công lao của bác Nghĩa trong 8 năm trời ấy là hết sức to lớn và quan trọng. Mà tôi hết sức sung sướng đã được làm việc cùng với bác trong những tháng năm đầu tiên đó và cho đến tận mãi sau này.

Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa trở thành nơi để tuổi trẻ Vĩnh Long về nguồn học tập, nỗ lực phấn đấu rèn luyện bản thân.
Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa trở thành nơi để tuổi trẻ Vĩnh Long về nguồn học tập, nỗ lực phấn đấu rèn luyện bản thân.

Bên cạnh nhân cách, tư chất bẩm sinh, được thừa hưởng từ gia đình, dòng họ, quê hương; bên cạnh ý chí quyết tâm, sự khổ luyện, nỗ lực vươn lên của bản thân, GS.VS Trần Đại Nghĩa có cơ may lớn là gặp được Chủ tịch Hồ Chí Minh- một hiện thân của tinh hoa dân tộc, được Người trực tiếp giác ngộ và hướng tài năng lớn vào con đường cách mạng, cống hiến, phục vụ Tổ quốc.

Chàng thanh niên Phạm Quang Lễ năm xưa và GS.VS Trần Đại Nghĩa sau này đã phấn đấu vượt khó vươn lên bằng ý chí, nghị lực phi thường, trở thành một vị tướng, một nhà khoa học lớn, làm vinh danh rạng rỡ cho khoa học Việt Nam.

  • Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh