Công ty Sen Đại Việt áp dụng các hệ thống quản lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. |
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và HTX trên địa bàn, Đồng Tháp đã tổ chức các phiên kết nối cung cầu công nghệ để nắm bắt công nghệ, sản phẩm mới, chuyển giao và ứng dụng theo nhu cầu thực tiễn, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học công nghệ.
Để phục vụ cho sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các HTX trên địa bàn, Trung tâm Kiểm định kiểm nghiệm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức các phiên kết nối cung cầu công nghệ đến trực tiếp các đơn vị có nhu cầu. Thông qua đó đã giúp cho các doanh nghiệp, HTX và tổ chức có liên quan được tiếp cận và nắm bắt công nghệ mới, sản phẩm mới để kết nối, chuyển giao và ứng dụng theo nhu cầu thực tiễn, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học công nghệ.
Là một doanh nghiệp khởi nghiệp trên lĩnh vực sản xuất chế biến các sản phẩm từ yến, Công ty TNHH yến sào Thiên Phúc Đồng Tháp cũng nhận được sự hỗ trợ rất thiết thực từ Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm kiểm định kiểm nghiệm. Công ty được tham gia sàn giao dịch công nghệ, được kết nối với Nhà khoa học, được tư vấn về quy trình chưng yến, giới thiệu máy móc. Đến nay, công ty đã hoàn chỉnh quy trình sản xuất các sản phẩm yến chưng, sữa hạt tổ yến,… Thông qua sự kết nối này đã giúp cho công ty tiếp cận một cách nhanh nhất với những công nghệ, các loại máy móc mà doanh nghiệp đang cần.
Chị Lưu Thị Mỹ Duyên, Giám đốc Công ty TNHH yến sào Thiên Phúc Đồng Tháp cho rằng: "Tôi mừng lắm. Trước kia tôi chưng yến thủ công, khó bảo quản lâu, nay được tham gia sàn, được các cô hướng dẫn quy trình, giới thiệu máy móc thay đổi công nghệ sản xuất tạo ra sản phẩm tốt hơn mà ko cần dùng chất bảo quản. Giờ có chuyên gia hỗ trợ thì sản phẩm nâng cao chất lượng lên nhiều, việc bảo quản sau chế biến cũng rất tốt".
Từ nhu cầu thực tế tại cơ sở, doanh nghiệp, Trung tâm kiểm định kiểm nghiệm sẽ kết nối với các nhà khoa học đến từ các viện trường chuyên môn cùng khảo sát và nghiên cứu cho ra quy trình theo mong muốn của doanh nghiệp. Thông qua cách làm sát thực tế này, mà hầu hết các nghiên cứu của các nhà khoa học được Doanh nghiệp ứng dụng một cách triệt để. Qua quá trình kết nối, 2 bên sẽ bổ trợ lẫn nhau, cung cấp thông tin và điều chỉnh cho phù hợp giữa nghiên cứu và thực tiễn.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Nhi, Giám đốc Chương trình đào tạo công nghệ Sinh học, Đại học Thủ Dầu Một cho biết thêm: "Xu hướng tiêu dùng hiện nay hướng đến sức khỏe là chủ yếu, rất hạn chế sử dụng chất bảo quản. Trung tâm rất chủ động kết nối liên tục, để tìm ra quy trình chuẩn hỗ trợ cho doanh nghiệp, như công nghệ thanh trùng nước đóng lon... Chúng tôi mong muốn phối hợp để tạo nên những sản phẩm an toàn".
Còn bà Nguyễn Thị Bảy, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh cho rằng: "Rất nhiều sản phẩm mà tôi cũng có ý tưởng nhưng nguồn vốn mình hạn hẹp cho nên chưa dám mở rộng nhiều. Như bèo lục bình mình cũng nghiên cứu ra món dưa ngó. Thứ 2 nữa là chế biến gạo ra các sản phẩm mà có gốc hữu cơ, không chất bảo quản để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng".
Trong Hội nghị Kết nối cung – cầu công nghệ đợt 2 của tỉnh Đồng Tháp tổ chức mới đây, Trung tâm kiểm định kiểm nghiệm đã Hỗ trợ tìm kiếm, tư vấn, kết nối chuyển giao công nghệ giữa các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp ngoài tỉnh và các chuyên gia, nhà khoa học. Hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp, HTX trong tỉnh đầu tư, đổi mới công nghệ, nhận chuyển giao công nghệ, thiết bị để áp dụng vào sản xuất và đời sống. Qua đó góp phần phát triển hệ sinh thái chuyển giao công nghệ thân thiện và hiệu quả; thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh.
Ông Trần Thanh Sang, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh nêu rõ: "Qua các buổi kết nối tôi thấy rất là hay. Như trên xoài vẫn còn nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì có biện pháp hướng dẫn để kiểm tra nhanh; rồi những giải pháp hướng dẫn như sấy, chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Chúng tôi rất tâm đắc với chương trình chuyển giao khoa học và kết nối cung cầu này".
Việc kết nối cung – cầu công nghệ nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của các đơn vị doanh nghiệp, HTX và các nhà khoa học. Đây là cơ sở để các Viện, trường, doanh nghiệp ngoài tỉnh chuyển giao công nghệ và máy móc thiết bị đến các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên địa bàn tỉnh...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin