Tài năng và nhân cách của Đốc học Nguyễn Thông là tấm gương sáng về một trí thức chân chính, luôn giữ trọn lòng trung hiếu, hướng về đất nước và Nhân dân. |
Đốc học Nguyễn Thông được biết đến là nhà hoạt động chính trị- xã hội, nhà giáo dục, nhà sử học có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chung của đất nước giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, trong đó có tỉnh Vĩnh Long.
Nguyễn Thông tên khai sinh là Nguyễn Thới Thông, sinh vào tháng 7/1827, tại thôn Bình Thanh, tổng Kiến Thạnh, huyện Kiến Hòa, phủ Tân An, tỉnh Gia Định, nay là ấp Bình Trị 2, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Cha Nguyễn Thông là nhà nho nghèo, làm nghề dạy học. Nguyễn Thông có 2 anh em, năm Nguyễn Thông lên 10 tuổi, mẹ ông mất, lên 17 tuổi thì người cha dạy chữ cho ông cũng qua đời.
Hoàn cảnh khó khăn không ngăn được ước mơ của chàng nho sinh Nguyễn Thông ngày ấy. Năm 1844, Nguyễn Thông khăn gói ra Kinh đô Huế, xin theo học với quan đại thần Phan Thanh Giản. Năm 1849, Nguyễn Thông tham dự kỳ thi Hương tại Gia Định. Khoa thi này có 17 người đỗ cử nhân, Nguyễn Thông đỗ Á nguyên (thứ 2) trong số hàng ngàn thí sinh dự thi.
2 năm sau, Nguyễn Thông ra Kinh đô Huế dự thi Hội, nhưng không đậu. Nguyên nhân do bài bị lấm mực. Tuy nhiên, chủ khảo nhìn ra đây là người có học lực tốt, khuyên ông ở lại kinh đô ôn luyện cho kỳ thi năm sau. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn, nên ông về lại miền Nam, và được bổ nhiệm chức Huấn đạo, phụ trách giáo dục của một huyện ở tỉnh An Giang.
Năm 1862, thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh Đông Nam Kỳ, nghĩa quân tị địa về Tây Nam Kỳ. Cũng năm này, Nguyễn Thông được quan đại thần Phan Thanh Giản đề cử làm Đốc học tỉnh Vĩnh Long. Nguyễn Thông thấy rằng cần phải có thiết chế để níu giữ tinh thần của nhân sĩ, ông đề đạt ý kiến xây dựng Văn Thánh miếu, và cùng Phan Thanh Giản vận động xây dựng công trình văn hóa quan trọng này.
Theo TS Nguyễn Bách Khoa (nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long): “Việc xây dựng Văn Thánh miếu không chỉ để cho việc học vấn mà còn để những hào kiệt, những người yêu nước có nơi hội họp ở đây. Điều này nói lên việc học theo tư tưởng của cụ Nguyễn Thông là gắn với tinh thần yêu nước”.
Năm 1867, thực dân Pháp chiếm luôn 3 tỉnh Tây Nam Kỳ, Nguyễn Thông cùng một số sĩ phu yêu nước quyết không sống trên đất mà giặc đã chiếm giữ nên “tị địa” ra Bình Thuận. 1 năm sau đó, vua Tự Đức cho triệu Nguyễn Thông về kinh. Làm việc tại kinh thành, Nguyễn Thông thể hiện rõ vai trò của một chí sĩ luôn đau đáu nỗi lo nước mất nhà tan.
Ông Nguyễn Tấn Quốc- Phó Giám đốc Sở Văn hóa- TT-DL tỉnh Long An, nhận định: “Trong nhiệm vụ của Nguyễn Thông được Triều đình Huế giao thì ngoài việc làm Bố chánh, quản lý tỉnh lớn như Quảng Ngãi thì ông làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Nguyễn Thông cùng với các quan trong triều như Bùi Ước, Hoàng Duy Tân khảo duyệt bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, nhân đó ông soạn bộ Việt sử thông giám cương mục khảo lược. Trong đó ông khẳng định những quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là chủ quyền của Việt Nam chúng ta, đây là kết quả tiến bộ của Nguyễn Thông lúc bấy giờ”.
Thời gian làm việc ở Kinh thành Huế, ông dâng sớ về việc khai thác vùng đất Tây Nguyên làm hậu phương cho công cuộc kháng chiến chống Pháp, được triều đình vua Tự Đức thông qua. Ông được điều về làm Doanh điền sứ tỉnh Bình Thuận, phụ trách việc chiêu mộ dân Nam Kỳ ra khai khẩn vùng đất rừng núi từ Biên Hòa ra Bình Thuận, Khánh Hòa, vừa phát triển kinh tế, vừa làm cơ sở phòng thủ trước mưu đồ của thực dân Pháp.
Năm 1862, Nguyễn Thông được quan đại thần Phan Thanh Giản đề cử làm Đốc học tỉnh Vĩnh Long và ông đã đề đạt ý kiến xây dựng Văn Thánh miếu. |
Cũng thời gian này, theo một số nhà nghiên cứu, chính Nguyễn Thông là người Việt Nam đầu tiên đã phát hiện ra cao nguyên Lâm Viên mà sau này Yersin trên cơ sở kết quả khảo sát của Nguyễn Thông đã tìm ra Đà Lạt.
Thời gian làm Doanh điền sứ Bình Thuận, Nguyễn Thông đã lập nên Ngọa Du Sào, tức là nơi để nghỉ ngơi, đàm đạo văn thơ. Sau này, Ngọa Du Sào được hai người con của Nguyễn Thông phát triển lên thành Trường Dục Thanh nổi tiếng.
Trường Dục Thanh tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, sau là Chủ tịch Hồ Chí Minh có thời gian dạy học ở đây. Bên trong Trường Dục Thanh vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn không gian Ngọa Du Sào. Rất có thể, trong quá trình dạy học ở Trường Dục Thanh, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã tiếp xúc và được truyền cảm hứng từ những áng thơ văn yêu nước của Đốc học Nguyễn Thông được lưu giữ tại đây.
Trong không gian Trường Dục Thanh (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn không gian Ngọa Du Sào- nơi để nghỉ ngơi, đàm đạo văn thơ. |
Để ghi ơn người xưa và cũng là giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay, tỉnh Long An xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Thông tại nơi mà ông được sinh ra. Không gian trưng bày thể hiện đầy đủ những giai đoạn sự nghiệp mà ông đã đảm trách.
Ông Nguyễn Tấn Quốc- Phó Giám đốc Sở Văn hóa- TT-DL tỉnh Long An, nhận định: “Khu lưu niệm Nguyễn Thông là di tích trọng điểm của tỉnh, bước đầu giới thiệu đến khách tham quan, cộng đồng với tư cách đây là nơi sinh ra người con là trí thức yêu nước cuối thế kỷ XIX của đất Nam Kỳ. Đây là địa chỉ đỏ hết sức quan trọng, gắn với giáo dục truyền thống và phát triển du lịch”.
Ông Nguyễn Dụng Sang là cháu đời thứ 5 của Đốc học Nguyễn Thông, hiện đang sinh sống tại ấp Bình Trị 2, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ông cho biết mình rất tự hào vì là cháu nhiều đời của vị quan triều Nguyễn, người có nhiều đóng góp cho đất nước, đặc biệt là ở Nam Kỳ.
Nguyễn Thông mất năm 1884. Đã tròn 140 năm kể từ ngày Nguyễn Thông tạ thế, thời gian làm thay đổi nhiều thứ, nhưng những dấu ấn về một người con của vùng đất Nam Kỳ, sau bao nỗ lực tự học để giúp dân giúp nước là điều mà người hôm nay luôn cảm thấy tự hào.
Khu lưu niệm Nguyễn Thông (tọa lạc tại ấp Bình Trị 2, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) được xây dựng dựa trên tấm lòng biết ơn của người dân địa phương. |
Tài năng và nhân cách của ông là tấm gương sáng về một trí thức chân chính, luôn giữ trọn lòng trung hiếu, hướng về đất nước và Nhân dân. Đó sẽ là vẻ đẹp lưu dấu đối với mọi thế hệ người Việt Nam yêu nước hôm qua, hôm nay và mai sau.
Bài, ảnh: TRẦN NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin