Câu chuyện pháp luật:
“Xù hụi chết”

08:15, 11/09/2024

Thời gian qua, các vụ tranh chấp về hụi xảy ra khá thường xuyên, tùy theo tính chất có thể xử lý dân sự hoặc hình sự. Trong đó, có trường hợp hụi viên hốt hụi nhưng không đóng “hụi chết” gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hụi nên bị kiện ra tòa.

Nghị định số 19 của Chính phủ về hụi quy định rõ: Thỏa thuận về dây hụi được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thỏa thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu. Trường hợp thỏa thuận về dây hụi được sửa đổi, bổ sung thì văn bản sửa đổi, bổ sung phải được thực hiện theo quy định.

Có thể thấy, hụi là hình thức giao dịch về tài sản trong nội bộ Nhân dân với mục đích tương trợ nhau nhưng phải theo khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, việc chơi hụi cũng gặp nhiều rủi ro, bởi tranh chấp, thưa kiện, mất mát tài sản có thể xảy ra nếu một trong các bên “bẻ kèo”. 2 vụ tranh chấp hợp đồng góp hụi vừa được TAND huyện Vũng Liêm đưa ra xét xử sơ thẩm từ cùng nguyên đơn là bà V.T.V. (ngụ xã Hiếu Thành) đối với 2 bị đơn là chị N. và chị T. (ngụ cùng địa phương). 2 bị đơn đều là hụi viên của bà V. nhưng khi hốt hụi không đóng lại “hụi chết” khiến chủ hụi phải đứng ra đóng thay nhằm duy trì hoạt động của dây hụi và quyền lợi của các hụi viên khác. Sự việc kéo dài, bà V. làm đơn khởi kiện ra tòa án nhờ giải quyết.

Cụ thể, chị N. tham gia 1 dây hụi tháng khui vào giữa tháng 6/2020 trị giá 5 triệu đồng. Ngay lần khui hụi đầu tiên, chị N. hốt được 64 triệu đồng sau khi đã trừ hoa hồng cho chủ hụi. Tuy nhiên, từ đó về sau chị N. không lần nào đóng “hụi chết” cho bà V., tổng cộng 95 triệu đồng. Đối với hụi viên T., bà V. trình bày: Chị T. tham gia 4 dây hụi tuần và tháng, trị giá từ 500.000đ đến 5 triệu đồng. Ở những dây hụi này, chị T. đều hốt ở những lần khui hụi đầu tiên nhưng sau đó không đóng “hụi chết”. Như ở dây hụi tuần bắt đầu từ tháng 1/2023, chị T. hốt ở lần khui hụi thứ 5 và đóng hụi chết đến lần thứ 11 thì ngưng. Bà V. phải lấy “tiền túi” đóng thay cho chị T. đến khi mãn hụi với tổng số tiền là 13 triệu đồng.

Tổng cộng 4 dây hụi, bà V. đóng thay cho chị T. 73 triệu đồng. Do vậy, trong đơn khởi kiện, bà V. yêu cầu tòa án giải quyết theo hướng buộc chị T. phải hoàn trả cho bà đầy đủ số tiền này. Đối với chị N., bà V. yêu cầu phải hoàn trả cho bà 95 triệu đồng. 2 bị đơn này, tòa triệu tập 2 lần nhưng vẫn vắng mặt không có lý do nên không có lời trình bày. Căn cứ vào Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự nên tòa án vẫn tiến hành xét xử.

Để chứng minh cho những lời trình bày của mình là sự thật, bà V. có nộp biên nhận nhận tiền hụi và danh sách hụi bản chính cho tòa. Sau khi xem xét toàn bộ sự việc, HĐXX nhận định: Trong hợp đồng góp hụi, bà V. đã thực hiện đúng nghĩa vụ của mình là giao đủ tiền cho 2 hụi viên. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, chị T. và chị N. không thực hiện nghĩa vụ của mình là đóng lại “hụi chết” làm bà V. bị thiệt hại. Trong khi đó, 2 bị đơn được tống đạt thông báo thụ lý vụ án, thông báo phiên họp, hòa giải và quyết định xét xử lần thứ hai nhưng không đến tòa trình bày có hay không việc tham gia hụi. Điều này đồng nghĩa với việc 2 bị đơn đã thừa nhận vì không có ý kiến phản bác. Do đó, yêu cầu khởi kiện của bà V. là có căn cứ, phù hợp theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự.

Từ đó, HĐXX tuyên chấp nhận khởi kiện của bà V., buộc chị T. và chị N. có trách nhiệm hoàn trả cho bà V. lần lượt là 73 triệu đồng và 95 triệu đồng. Ngoài ra, 2 bị đơn còn phải chịu án phí sơ thẩm. Như vậy, xuất phát từ việc không thực hiện đúng cam kết, nghĩa vụ mà 2 hụi viên đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hụi nên bị kiện. Đây cũng là bài học pháp luật đáng giá với những người trong cuộc và những ai đang có nhu cầu chơi hụi để tránh những hệ lụy đáng tiếc về sau.

TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh