Trong tháng 11 tới đây, tỉnh Vĩnh Long sẽ tổ chức Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh lần I năm 2024. Sự kiện này được chờ đón và kỳ vọng tạo nên cú hích lớn cho làng nghề gạch gốm trăm năm của tỉnh, cũng như cơ hội quảng bá, giới thiệu và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đến với “vùng đất mở”- tăng trưởng xanh mà tỉnh Vĩnh Long đã và đang hướng tới.
Được mệnh danh là “vương quốc gạch, gốm”, khu vực sản xuất gạch, gốm của tỉnh Vĩnh Long chạy dọc tuyến sông Cổ Chiên từ huyện Long Hồ tới Mang Thít. Trong đó, khu vực tập trung sản xuất gạch, gốm thuộc huyện Mang Thít- được xem là lớn nhất vùng ĐBSCL. Hệ thống lò gạch, gốm có tuổi đời hàng trăm năm, với sản phẩm gạch, gốm đỏ nổi tiếng cung ứng khắp cả nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Để gìn giữ và phát triển nghề gạch gốm, Đề án “Di sản đương đại Mang Thít” được hình thành dựa trên ý tưởng về việc khai thác các lò gạch truyền thống hiện có làm nền tảng, điểm nhấn để phát triển du lịch, cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương thực hiện lập Quy hoạch phân khu vùng lõi “Di sản đương đại Mang Thít”, bao gồm toàn bộ vùng di sản (khoảng 3.060ha) thuộc 4 xã: Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh, phạm vi lập quy hoạch phân khu vùng lõi khoảng 333ha. Với đề án này, “vương quốc gạch, gốm đỏ” Mang Thít kỳ vọng trở thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm quốc tế, là một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực.
Theo Kế hoạch tổ chức Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I của UBND tỉnh đặt mục tiêu: Xúc tiến, quảng bá những tiềm năng, lợi thế khai thác du lịch của làng nghề sản xuất gạch, gốm Mang Thít- một làng nghề nổi tiếng, độc đáo trong khu vực. Xúc tiến phát triển du lịch, mang tính liên kết vùng, tìm kiếm cơ hội lan tỏa đến các thị trường trong và ngoài nước. Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cụ thể là mục tiêu “Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”.
LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin