Biến chứng nguy hiểm do “vi khuẩn ăn thịt người”

14:22, 24/09/2024

Theo các bác sĩ, số lượng ca nhiễm do “vi khuẩn ăn thịt người” (Whitmore) nhập viện tăng cao đột ngột trong thời gian gần đây, chưa rõ nguyên nhân. Hàng chục năm qua, bệnh Whitmore gần như biến mất, và xuất hiện lại trong vài năm gần đây. Bệnh Whitmore khó chẩn đoán và nhiều người còn chưa biết đến căn bệnh chết người này để phòng tránh.

Thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân (BN) nhiễm vi khuẩn Whitmore, trong đó có BN phát hiện ổ áp xe trong não, mủ có chứa vi khuẩn Whitmore. Nhiều BN Whitmore đã xâm nhập vào tận xương, gây viêm.

Theo các bác sĩ, các ca bệnh với triệu chứng sốt, kém ăn, sụt cân, sưng và áp xe một số vị trí trên cơ thể. Các dấu hiệu, triệu chứng của BN rất giống và thường nhầm lẫn với bệnh lao, nhiễm khuẩn tụ cầu.

Do đó, người bệnh có các hiện tượng sốt cao, khó thở, áp xe nhiều cơ quan (phổi, gan, cơ xương khớp…). Đặc biệt, trên người bệnh có nhiều bệnh lý nền như đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, dùng thuốc corticoid kéo dài… cần nghĩ đến khả năng mắc bệnh Whitmore.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường- Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, Whitmore do vi khuẩn tồn tại trong môi trường, xảy ra ở những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường bùn, đất, nước như: Nông dân, công nhân xây dựng, người làm vườn, người nạo vét cống rãnh…

Bệnh có diễn biến và triệu chứng lâm sàng đa dạng, cần chẩn đoán phân biệt với nhiều bệnh. Khi được chẩn đoán và điều trị không đúng, bệnh có tỷ lệ tử vong cao, có thể lên tới 40%. Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với môi trường có chứa vi khuẩn. Đặc biệt là khi có vết trầy xước trên da, nguy cơ lây nhiễm càng cao và bệnh nhanh tiến triển hơn.

Để giảm thiểu nguy cơ mắc Whitmore, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo người dân không nên tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, ứ đọng lâu ngày. Đặc biệt là khi có vết thương ngoài da, vết trầy xước, chảy máu; hoặc người có nhiều bệnh lý nền. Nên mang dụng cụ bảo hộ lao động khi làm nông nghiệp, để ngăn ngừa nhiễm trùng qua chân tay. Các nhân viên y tế, bác sĩ cần đảm bảo bảo hộ khi tiếp xúc với người bệnh, để ngăn chặn tối đa sự nhiễm trùng.

“Việt Nam là vùng dịch tễ lưu hành Whitmore. Khi người bệnh bị sốt, có các ổ viêm, áp xe nhiều nơi cần nghĩ ngay đến nguy cơ mắc Whitmore, đặc biệt người có bệnh nền đái tháo đường. Việc phát hiện Whitmore sớm rất quan trọng trong lộ trình, phác độ điều trị, giảm thiểu nguy cơ tử vong”, PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.

MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh