Vĩnh Long xây dựng văn hóa từ trong Đảng

21:41, 30/08/2024
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long luôn khắc ghi truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long luôn khắc ghi truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ.

Việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước luôn được Vĩnh Long quan tâm đẩy mạnh thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Vĩnh Long coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước và trong tổ chức chính trị- xã hội, coi đây là nhân tố, là tiền đề quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, là nội hàm để phát triển toàn diện trên các lĩnh vực.

Văn hóa là tiền đề quan trọng để phát triển

Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, cũng chính là xây dựng văn hóa từ trong Đảng. Những năm qua, Tỉnh ủy đã lãnh đạo tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong Đảng, trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, làm cho toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển văn hóa.

Tỉnh ủy Vĩnh Long khen thưởng các gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tỉnh ủy Vĩnh Long khen thưởng các gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tỉnh ủy đã triển khai và chỉ đạo trong toàn Đảng bộ tỉnh xây dựng kế hoạch nghiên cứu học tập Nghị quyết số 33-NQ/TW BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 33 được tiến hành thường xuyên, phù hợp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua học tập, nghiên cứu, quán triệt, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được nâng lên.

Đến nay, xây dựng hộ gia đình văn hóa của tỉnh đạt 98,82%; 100% ấp, khóm, khu đạt chuẩn văn hóa; toàn tỉnh có 85% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; trên 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Hàng năm, có từ 96% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; trên 96,2% tổ chức MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội đạt vững mạnh, xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tính trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã phát hiện 12.630 tấm gương (1.819 tập thể và 10.811 cá nhân, trong đó có 1.571 là tôn giáo, dân tộc, hộ dân và quần chúng) tiêu biểu, xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được biểu dương, khen thưởng. Qua đó, đã cổ vũ, động viên, phát huy những kết quả đạt được trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Nhiều chương trình, phong trào, mô hình, điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được xây dựng, nhân rộng và thực hiện có hiệu quả, lan tỏa rộng rãi trong Nhân dân. Tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị được thể hiện rõ nét, tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi tập thể, cá nhân.

Theo ông Cao Văn Bé Tư- Phó Bí thư lãnh đạo, điều hành Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, cấp ủy chi bộ, đảng bộ phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chỉ đạo rà soát, bổ sung chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, xây dựng văn hóa ứng xử, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và gắn quy định về những điều đảng viên không được làm. Đồng thời, lấy kết quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm cơ sở để đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh.

Xây dựng văn hóa từ trong hệ thống chính trị

Để xây dựng và phát triển văn hóa trong xã hội, trước hết cần xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong các tổ chức nhà nước. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nêu quan điểm cũng như nhiệm vụ “Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước về văn hóa”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cũng như Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên, nhất là việc nêu cao gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Đó cũng chính là xây dựng Đảng về văn hóa.

Cán bộ nữ tỉnh Vĩnh Long về nguồn ôn lại truyền thống lịch sử, ghi nhớ công ơn những nhà lãnh đạo xuất sắc của dân tộc.
Cán bộ nữ tỉnh Vĩnh Long về nguồn ôn lại truyền thống lịch sử, ghi nhớ công ơn những nhà lãnh đạo xuất sắc của dân tộc.

Tỉnh ta chú trọng việc tăng cường thực hiện Chỉ thị số 05 về học tập và làm theo Bác gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về công tác xây dựng Đảng và Kết luận số 21-KL/TW của BCH Trung ương (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; qua đó đã tác động tích cực đến sự rèn luyện, gìn giữ phong cách, đạo đức, tư cách của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đã phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phong cách làm việc gần dân, trọng dân, vì dân. Tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên được thể hiện rõ nét, tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi tập thể, cá nhân.

Bà Nguyễn Thị Minh Trang- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết, việc xây dựng, thực hiện các giá trị văn hóa, con người Vĩnh Long phát triển toàn diện gắn chặt chẽ với học tập và làm theo Bác được các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo, triển khai thực hiện gắn với các nhiệm vụ chính trị cụ thể của từng đơn vị, địa phương. Qua đó, góp phần xây dựng con người Vĩnh Long có nhân cách, đạo đức, tri thức, lối sống tốt đẹp, có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đã phát hiện, biểu dương, nhân rộng các gương sáng đạo đức, tạo sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội.

Bên cạnh, tỉnh cũng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cơ sở lý luận về văn hóa cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, phối hợp các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong tổ chức hoạt động văn hóa. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử Đảng bộ tỉnh cho thế hệ trẻ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và nguồn nhân lực làm công tác văn hóa, văn nghệ luôn được Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức
thực hiện.

Theo ông Nguyễn Thành Thế- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, tỉnh ta khẳng định coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước và trong tổ chức chính trị- xã hội, coi đây là nhân tố, là tiền đề quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Theo đó, đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác gắn với việc triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bên cạnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long phát triển toàn diện, thực sự trở thành nguồn lực quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững theo hướng giàu đẹp, hiện đại, văn minh.

Bài, ảnh: HẢI YẾN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh