Trợ lực doanh nghiệp nhỏ và vừa

16:28, 29/08/2024

 



Cộng đồng doanh nghiệp trao đổi nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh. Ảnh TL
Cộng đồng doanh nghiệp trao đổi nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh. Ảnh TL

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với nhiều hoạt động thiết thực và đạt kết quả cao, góp phần phát triển ổn định và hướng đến mục tiêu bền vững.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Theo báo cáo, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 991 DNNVV hiện đang hoạt động. Trong đó, có 316 DNNVV do phụ nữ làm chủ (chiếm 32%); 90 DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh (chiếm 9%). Những DN này đã và đang góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Với đặc thù hạn chế về nguồn vốn, trình độ công nghệ, mặt bằng sản xuất… nên các DN này gặp nhiều thách thức trong việc mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh; dễ bị tổn thương do tác động của các yếu tố ngoại cảnh bất lợi. Chính vì vậy, việc nâng cao sức đề kháng cho DNNVV trước những rủi ro thương mại, sức ép của thị trường là đặc biệt quan trọng. Do đó, tỉnh đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển DN, đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ chuyển đổi số, khuyến khích thành lập các DN, ngành nghề kinh doanh mới…

Thời gian qua, tỉnh đã thành lập các tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các DN, HTX, hộ kinh doanh, nhà đầu tư, dự án đầu tư. Giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Hỗ trợ DNNVV, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách để kịp thời định hướng phát triển và hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các DNNVV trên địa bàn. Các chính sách hỗ trợ tập trung vào lĩnh vực tín dụng, chuyển giao công nghệ, mặt bằng sản xuất, đào tạo nhân lực, khởi nghiệp, pháp lý, phát triển thị trường, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa,... 

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương của tỉnh cũng thường xuyên cung cấp thông tin cần thiết cho hoạt động của cộng đồng DN thông qua các website, fanpage của tỉnh, địa phương, sở, ngành; qua nhóm Zalo, email, phát hành văn bản. Nội dung thông tin tập trung vào các chủ trương, chính sách mới ban hành của Trung ương, tỉnh; văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, những thông tin về thị trường, xu hướng công nghệ, môi trường, chính sách và những tác động của chính sách mới...

Ngoài ra, một số sở, ngành đã chủ động tuyên truyền, phổ biến những quy định mới của các nước trong khối EU, Đông Bắc Á, Nam Á về nhập khẩu lương thực, thực phẩm; các quy định, quy tắc về hợp tác quốc tế. Những quy định về các cam kết trong Hiệp định ASEAN, ASEAN+ và RCEP, Hiệp định EVFTA, thông tin về chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất trên quy mô toàn cầu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số... cũng đã được cập nhật thường xuyên đến cộng đồng DN.

Theo Sở Công Thương, đơn vị triển khai thực hiện công tác hỗ trợ DNNVV của tỉnh qua 2 chính sách là khuyến công và xúc tiến thương mại. Theo ông Lê Hùng An- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), thời gian qua, hoạt động khuyến công đã được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, hướng đến các sản phẩm chủ lực, tiềm năng và mang lại nhiều sản phẩm mới, có chất lượng cho công tác phát triển công nghiệp nông thôn. Mức doanh thu sau khi được kinh phí khuyến công hỗ trợ tăng trung bình khoảng 30% so với doanh thu trước khi được hỗ trợ.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động phát triển

Hiện nay, tỉnh cũng đã ban hành chương trình hỗ trợ và phát triển DNNVV giai đoạn 2021-2025 nhằm tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, các nghị định của Chính phủ, Chương trình hành động số 16-CTr/TU, Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để các DNNVV phát triển.

Chương trình với các mục tiêu cụ thể như: tốc độ phát triển DNNVV mới tăng bình quân 8-10 %/năm; tỷ trọng đóng góp của DNNVV trên tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đến năm 2025 đạt 10%; tỷ lệ DNNVV có quan hệ tín dụng ngân hàng đến năm 2025 đạt 40%; hàng năm tạo thêm việc làm mới cho khoảng 20.000 người lao động; hỗ trợ 5 dự án/DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thành lập mới 3 vườn ươm; hỗ trợ 100 hộ kinh doanh chuyển sang loại hình DN; phấn đấu đến năm 2025, mỗi ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn tỉnh có từ 10-20 DN công nghệ số…

Theo ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, trong xu thế cạnh tranh cao như hiện nay, DNNVV cần chủ động nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững. “Để nâng cao năng lực cạnh tranh, DN cần quan tâm đầu tư vào nâng cao năng suất lao động, phát triển nguồn nhân lực và tìm hiểu thị trường để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó nên tận dụng các chính sách hỗ trợ như: tín dụng, thuế, công nghệ, đào tạo, tư vấn pháp lý… Đồng thời tìm kiếm cơ hội xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này giúp tăng tốc độ tăng trưởng cho DN”- ông Nam cho biết.

Ngoài ra, cũng theo ông Nguyễn Tường Nam, thời gian tới, DNNVV cần đầu tư vào công nghệ, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; kết nối với các đối tác trong cùng ngành hoặc chuỗi giá trị để tận dụng lợi thế chung và tạo ra giá trị gia tăng... Đặc biệt là cần nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN nhằm mở rộng thị trường, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hợp tác cụm liên kết chuỗi giá trị...

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh