Thủy lợi từng bước chuyển đổi phục vụ đa mục tiêu

07:31, 29/08/2024
Công trình thủy lợi được đầu tư phát triển mạnh mẽ, góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội. Trong ảnh: Cống Cầu Kho, xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ.
Công trình thủy lợi được đầu tư phát triển mạnh mẽ, góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội. Trong ảnh: Cống Cầu Kho, xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ.

Qua 49 năm (từ 1975-2024), được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, công trình thủy lợi (TL) ở Vĩnh Long phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng, góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Nhưng trong từng giai đoạn, công tác TL luôn có sự chuyển đổi để phù hợp với xu thế phát triển và phục vụ tốt hơn.

Góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội

Để đáp ứng với nhu cầu phát triển của tỉnh cũng như vùng ĐBSCL, trong 49 năm qua, trên cơ sở khai thác, sử dụng những công trình đã có từ thời kỳ trước, các quy hoạch TL và phòng chống thiên tai của vùng ĐBSCL, của tỉnh Vĩnh Long, từ đó, việc đầu tư xây dựng công trình TL được triển khai rất mạnh mẽ. Hàng loạt công trình được xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa hình thành phân bố khắp các địa phương trong tỉnh.

Thành quả lớn nhất của đầu tư cho TL là cải tạo, thu hẹp diện tích đất chua phèn, mở rộng diện tích canh tác, tưới tiêu phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp; giúp chủ động hơn trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) bảo vệ sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng và đời sống Nhân dân. Qua đó, góp phần đưa tỉnh ta trở thành địa phương đóng góp an ninh lương thực quan trọng của cả nước và là tỉnh xuất khẩu lúa, gạo và nhiều loại nông sản có vị thế cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư, quản lý, khai thác và vận hành công trình, hệ thống TL ở tỉnh Vĩnh Long trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế chính cần khắc phục. Đó là, mức đầu tư còn thấp, chỉ đáp ứng khoảng 30% tổng mức đầu tư trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch được duyệt; nguồn lực đầu tư phần lớn từ ngân sách, đầu tư từ xã hội hóa còn ở mức rất thấp.

Đầu tư cho TL nhỏ, TL nội đồng còn hạn chế, chưa đồng bộ với đầu tư các công trình TL lớn. Việc thay đổi về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đầu tư, nhất là chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng, làm cho nhiều dự án trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, làm chậm tiến độ thực hiện.

Mặt khác, hệ thống TL hiện có chủ yếu bằng đất, nên có độ ổn định, tuổi thọ thấp, mau xuống cấp. Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới trong xây dựng, quản lý vận hành khai thác công trình TL còn chậm, chưa nhiều. Hệ thống TL chưa thật sự linh hoạt đáp ứng nhu cầu phục vụ cho đầy đủ các đối tượng khai thác, sử dụng, nhất là khi điều kiện khí tượng thủy văn, thiên tai thay đổi bất thường.

Điều này có thể thấy, do hệ thống TL trước năm 2010 chủ yếu được xây dựng phục vụ canh tác lúa; sau đó, do cơ cấu sản xuất nông nghiệp được chuyển đổi mạnh mẽ, trong đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi đan xen, manh mún theo dạng “da beo”, cùng với nhiều đối tượng, nhiều hoạt động kinh tế-xã hội tham gia khai thác, sử dụng nước từ công trình TL, nên hệ thống TL chưa đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật về quản lý nước, cấp, thoát nước.

Bên cạnh, công tác quản lý còn chồng chéo, trùng lắp giữa quản lý nhà nước và quản lý khai thác công trình TL. Bộ máy quản lý khai thác công trình chưa kịp thời được kiện toàn theo quy định, nguồn nhân lực tham gia quản lý khai thác còn thiếu...

Từng bước chuyển đổi phục vụ đa mục tiêu

Tuy nhiên, ngành TL của tỉnh đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là tác động của BĐKH, của xu thế thiên tai càng phức tạp, nguồn nước còn chịu ảnh hưởng sâu sắc, khó lường bởi hoạt động ở thượng lưu,… đã đặt ra những vấn đề mà công tác TL ở Vĩnh Long phải giải quyết, trong khi yêu cầu của phát triển kinh tế- xã hội, của nông nghiệp, nông thôn ngày càng cao.

Mặt khác, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Theo đó, xác định 3 yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông dân thông minh và nông thôn hiện đại. Đây là định hướng quan trọng, một quỹ đạo chung để nền sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng có bước phát triển mới, vừa tăng cả về lượng và chất, đặc biệt là hiệu quả kinh tế trong sản xuất.

Trong tình hình như vậy, TL cần được định hướng phục vụ linh hoạt các mô hình sản xuất nông nghiệp luôn thay đổi để bắt kịp theo yêu cầu thị trường; TL phải tham gia và hỗ trợ từng giai đoạn trong cả quy trình phát triển của nông nghiệp, nông thôn và phải chuyển đổi từ ngành phục vụ chuyển sang cung cấp dịch vụ đa mục tiêu.

Chủ trương của Chính phủ trong nhiều năm nay là chuyển TL từ ngành “phục vụ” sang cung cấp “dịch vụ” đa mục tiêu, từ cơ chế “TL phí” sang cơ chế “giá dịch vụ TL” cho các hoạt động cung cấp sản phẩm ngành nước cho tất cả các ngành kinh tế và nhu cầu xã hội.

Để thực hiện cơ chế này, “dịch vụ TL” có thể xem là bước đột phá, khi coi các sản phẩm từ dịch vụ TL là hàng hóa kinh tế và phải quản lý theo cơ chế giá trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chuyển từ cơ chế TL phí, sang cơ chế giá sản phẩm, dịch vụ TL, TL nên thay đổi cách tiếp cận trong hoạt động cung cấp dịch vụ TL từ “phục vụ” sang “dịch vụ” nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ TL, đáp ứng nhu cầu đa dạng của tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp. Quan trọng hơn nữa là thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích tư nhân, cộng đồng tham gia xây dựng, quản lý, khai thác các công trình TL ở quy mô hợp lý; khuyến khích người dân và doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất và quản lý, nhằm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nước.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, của các hoạt động kinh tế- xã hội ngày càng gia tăng,… ngành thủy lợi từng bước chuyển đổi phục vụ đa mục tiêu.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, của các hoạt động kinh tế- xã hội ngày càng gia tăng,… ngành thủy lợi từng bước chuyển đổi phục vụ đa mục tiêu.

Để việc quản lý theo cơ chế giá, dịch vụ, yêu cầu hệ thống TL nên từng bước được đầu tư hoàn chỉnh, có khả năng chủ động điều tiết, đáp ứng được các yêu cầu của người sử dụng. Lúc đó những cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ TL là người “bán hàng”, người sử dụng nước là những người “mua hàng”, sẽ hoạt động theo cơ chế giá thị trường. Vì vậy đòi hỏi công tác TL càng phải đáp ứng sát hơn các yêu cầu về thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH; cần thực hiện các giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách, xây dựng nguồn nhân lực và đẩy mạnh xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến trong công tác dự báo, quy hoạch, xây dựng và quản lý…

Cuối cùng, phát triển TL cần điều chỉnh theo hướng “thuận thiên” theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; cần gắn với việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tích cực của địa phương. Trong đó, cần tập trung cải tạo, nâng cấp các công trình kinh, rạch, cống, đập… tạo thuận lợi cho cấp, thoát nước, giao thông thủy bộ, cho hệ sinh thái thủy sinh trong công trình TL phát triển, từ đó có thể khai thác hệ thống TL phục vụ cho ngành du lịch sông nước trong tỉnh phát triển trong tương lai.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, đến nay, toàn tỉnh đã hình thành hệ thống TL có số lượng rất lớn: 405 tuyến đê bao (dài 3.642km), trên 6.000 cống, đập, 17 trạm bơm điện, 46 tuyến kè bảo vệ bờ các sông, kinh, rạch lớn (dài 15,33km) và gần 4.400 tuyến kinh, rạch (dài trên 5.300km)... Hệ thống TL đã khép kín chủ động tưới, tiêu trên 94,24% diện tích canh tác (tương đương 112.855ha), đồng thời vừa tạo nền cho hệ thống giao thông bộ (nhất là giao thông nông thôn) phát triển.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh