Sức sống mới trên vùng đất an toàn khu:
Kỳ 2: Dựng xây những miền quê trù phú

06:10, 31/08/2024
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận 6 xã an toàn khu của huyện Vũng Liêm.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận 6 xã an toàn khu của huyện Vũng Liêm.

Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, các xã an toàn khu (ATK)- vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đã ghi dấu nhiều chiến công, sự kiện lịch sử quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Thời bình, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh nói chung và các xã ATK nói riêng đã chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng NTM.

Trong số 17 xã ATK, có 15 xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao với diện mạo không ngừng đổi mới, đời sống người dân ngày càng nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Các địa phương còn lại cũng đang nỗ lực về đích NTM giai đoạn 2024-2025, đưa những vùng đất đầy gian khó ngày nào trở thành những miền quê trù phú và đáng sống.

Nhớ lời chú Chín Hòa xây quê hương đổi mới

Là người con của quê hương Trung Hiệp, ông Trần Văn Phần (Sáu Phần)- nguyên Thường vụ Huyện ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trung Hiệp, nhớ lại: Nơi đây là vùng căn cứ cách mạng, chiến tranh rất ác liệt. Mỗi nhà đều đào hầm, đắp trảng xê tránh bom đạn, pháo bắn.

“Kết thúc chiến tranh, xã Trung Hiệp trống trơn và hoang tàn. Đời sống người dân vô cùng khó khăn, đường đi không có, điện đài cũng không... Mỗi hộ chỉ được mua dầu lửa vài lít/tháng, phải đập mù u cho ra nước rồi quấn bông gòn làm cây rọi đốt”- ông Sáu Phần kể.

Ông Đặng Hoàng Du (Mười Du)- Phó Ban Quản lý Di tích đình Bình Phụng, kể: Khi chú Chín Hòa (Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt) về thăm Trung Hiệp đã giúp người dân kéo điện về xài. Thời đó, đường lộ đất đi lại khó khăn, nên kéo cột điện cũng... trần thân. Người dân đã chung tay kéo phụ và cho mượn đèn măng sông để làm luôn ban đêm. Nhờ vậy, trong vòng 20 ngày là có điện, bà con mừng quá trời.

Chỉ vào con lộ trước đình, ông Mười Du cho hay: Con lộ này trước đây lầy lút chân. Điện sáng bữa 24 tháng Chạp thì ra Giêng làm lộ. Con đường này được đầu tư và nâng cấp được 4 lần. Đến nay, mặt nhựa được mở rộng ra 5m, giúp việc đi lại thuận tiện hơn.

Ông Sáu Phần nhắc nhớ: Kết thúc chiến tranh việc đi lại, học hành vô cùng khó khăn. Hồi tiểu học, tụi nhỏ tự bơi chiếc xuồng bể ra Cầu Đá để đến lớp. Lên học cấp hai thì 3, 4 giờ khuya thức dậy ăn cơm, được mẹ bó cho cây đuốc đi tắt qua đường đồng, bờ ranh, lội bộ 3-4km để đến trường. Thời điểm lúa mùa trổ cao, sương phủ xuống ướt cả áo, chủ yếu là mặc quần ngắn cho cơ động, còn quần dài thì quấn cổ.

Ông Dương Thanh Tuấn- Bí thư Đảng ủy xã Trung Hiệp, cho biết: Trước đây, chỉ có con đường từ UBND xã tới Cầu Đá là đường đá, còn lại là đường đất. Dần dần, Nhà nước đầu tư nền móng. Năm 1994, khi chia tách xã Trung Hiệp và Trung Chánh, thì Trung Hiệp được đầu tư đường đá từ trung tâm xã ra TT Vũng Liêm. Những năm 2000, xã vận động người dân đóng góp đầu công xây dựng giao thông nông thôn, chủ yếu là rải đá cấp phối, rồi xây đường nhựa 2m.

Trong xây dựng NTM, xã Trung Hiệp được đầu tư 5 tuyến đường giao thông với mặt nhựa rộng 3m. Thời điểm xây NTM nâng cao, xã được đầu tư thêm 1 đoạn đường ở ấp Trung Hưng dài 2km. Hiện, giao thông cơ bản đảm bảo cho người dân đi lại hai mùa mưa nắng. Song, để nâng cấp các tuyến đường đạt theo chuẩn mới thì cần nguồn vốn đầu tư vốn lớn.

Với 11 năm làm Bí thư Đảng ủy xã Trung Hiệp và có thời gian công tác ở Huyện ủy Vũng Liêm, ông Sáu Phần cho biết: Trước đây, ông được gặp chú Chín Hòa nhiều lần và có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Sau khi chia tách xã, chú về thăm xã Trung Hiệp và ra chợ xem người dân buôn bán thế nào, chú đã gợi ý quan tâm đầu tư cho chợ.

“Lúc đó, chợ xã còn nghèo lắm, nhà lồng làm bằng cây lợp lá, nhưng sút sổ, đổ tháo hết trơn và chưa có dãy phố chợ, nhìn thấy rầu lắm”- ông Sáu Phần nhớ lại và cho hay: Trung Hiệp là một trong những xã đầu tiên của huyện thực hiện “lấy đất đổi công trình” hay “lấy chợ nuôi chợ”. Theo đó, xã nhờ huyện vẽ thiết kế. Về phía xã thì kêu gọi đầu tư, đấu thầu... Xã quy hoạch dãy phố 2 bên, giao đất cho dân để lấy tiền xây nhà lồng chợ. Còn dãy phố thì dân bỏ tiền ra xây theo quy hoạch của xã. Nhờ vậy mà bộ mặt chợ đã được đầu tư khang trang hơn, tạo thuận lợi mua bán.

Trong những lần về thăm quê nhà, chú Chín Hòa thường xuyên vận động người dân: Giờ độc lập, đất nước thống nhất rồi, bà con ráng mần ăn. Có lần, chú về ngay mùa lúa, thấy dọc hai bên lộ người dân đốt rơm ngoài đồng. Chú dặn dò: Cần phải khai thác hết tiềm năng đất đai, tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm nấm rơm, chăn nuôi bò. “Huyện ủy Vũng Liêm đã chỉ đạo tập trung sản xuất nấm rơm, nuôi bò. Trong đó, Trung Hiệp là xã làm đầu tiên phát triển 2 mô hình này. Có thời điểm đàn bò toàn huyện lên hơn 30.000 con”- ông Sáu Phần cho biết.

“Những năm đó, ở xã thành lập nhiều tổ trồng nấm rơm (7-8 người/tổ). Mỗi tổ đều được hỗ trợ máy tưới rơm và tiền meo. Nhờ vậy mà phong trào trồng nấm rơm rất phát triển và duy trì tới hôm nay”- ông Mười Du kể và cho biết: Rơm được người dân tận dụng làm nấm, trồng cây cối, nuôi bò chứ không bỏ.

Đổi thay trên quê hương Bưng Sẩm

Vùng Bưng Sẩm thuộc xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn) từng được biết đến là vùng đất trũng, sình lầy, hoang hóa một thời “tối màu mây” giờ đây chỉ còn trong ký ức xa xưa. Đường về Bưng Sẩm hôm nay khang trang, rộng rãi, xe bon bon chạy thẳng về làng khóm. Ông Phạm Văn Hy- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Hiệp Lợi, nhớ lại: “Vùng đất bưng này xưa sình lầy dữ lắm, hỏng ai vô đây mần được hết. Sau khi giải phóng, Nhà nước cải tạo làm đê bao khép kín vòng Bưng Sẩm. Từ đó mình mới làm nông nghiệp hiệu quả. Vùng đất nghèo khó chuyển mình, từ trồng lúa, giờ thì đa số người dân đều vô HTX trồng khóm”.

Diện mạo các xã an toàn khu ngày càng đổi mới.
Diện mạo các xã an toàn khu ngày càng đổi mới.

Tuyến đường vào làng khóm Bưng Sẩm (ấp Hiệp Lợi) được xây dựng rộng thoáng, 2 bên đường là những hàng dừa xanh. Lối vào HTX được điểm tô thêm những hàng khóm tạo nên khung cảnh thật đẹp. Ông Phạm Văn Hy cho biết, tuyến đường này được đầu tư vào năm 2022, dài 840m. Đây là công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Hầu hết các hộ có phần đất đi qua đều hiến 8m bề ngang, đốn tổng cộng 107
cây dừa...

“Gia đình tôi hiến gần 500m², dỡ bỏ nhà dưới, di dời hàng rào và đốn khoảng 7 cây dừa đang cho trái”- ông Phạm Văn Hy kể và cho rằng: Sống ở vùng Bưng Sẩm, tôi cứ nghĩ sống hết đời chưa chắc có điện nước, chưa chắc có lộ nhựa... Không ngờ, được Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo Huyện ủy chỉ đạo chỉ trong vòng 4 tháng đã thi công xong tuyến đường này. Chứ hồi trước tuyến đường này rất mỏng, tay lái yếu là té suốt. Khi địa phương tổ chức họp dân tính chuyện làm đường là mọi người ký tên hiến đất ầm ầm. Có được con đường nhựa rộng như vầy bà con
mừng lắm!

Cây khóm sinh trưởng tốt trên vùng đất trũng phèn, chất lượng trái ngọt ngon, ăn không rát lưỡi và đặc biệt cho năng suất cao. Thời gian qua, HTX Nông sản Bưng Sẩm luôn đồng hành, hỗ trợ thành viên áp dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để phát triển sản phẩm “khóm sạch”. Đây là hướng đi mới giúp người dân có đầu ra ổn định và yên tâm sản xuất hàng chất lượng.

Mỗi năm, người dân thu hoạch 3 vụ khóm. Đầu vụ chỉ cần rải phân, ốp gốc đầy đủ là có thể thu hoạch 4-6 năm. Chính nhờ cho thu nhập bền và đều, ít tốn công chăm sóc, trái khóm được bao tiêu từ khi mới trồng tới lúc bán, đã góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên và tạo việc làm cho lao động địa phương. Hiện, người dân trồng xen canh thêm cây ăn trái như xoài, cóc, ổi, dừa để “lấy ngắn nuôi dài”, nâng thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Trồng khóm được 2 năm, chị Nguyễn Thị Loan (ấp Hiệp Lợi) trồng xen canh thêm cây dừa. Sau 5 năm thu hoạch khóm thì cây dừa có lưỡi mèo, cho trái. Hiện, mỗi công khóm cho lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/năm nên người dân rất mừng.

Trái khóm Bưng Sẩm đang mang lại cuộc sống mới cho người dân xã Hòa Bình.
Trái khóm Bưng Sẩm đang mang lại cuộc sống mới cho người dân xã Hòa Bình.

Ông Lý Bá Thúc- Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, cho biết: Người dân địa phương chủ yếu trồng khóm và phát triển vườn cây ăn trái (chủ yếu là cam, sầu riêng, bưởi, dừa...). Đến nay, toàn xã chỉ còn 151ha đất trồng lúa. Thu nhập bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/năm. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân đã giúp xã Hòa Bình giữ vững 19/19 tiêu chí xã NTM nói chung và tiêu chí thu nhập nói riêng. Đây là nền tảng để xã xây dựng NTM nâng cao trong giai đoạn
tiếp theo.

>> Kỳ cuối: Tạc dạ tri ân

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh