Sức sống mới trên vùng đất an toàn khu

09:57, 30/08/2024

Trong thời kỳ kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các xã an toàn khu (ATK) là điểm tựa vững chắc cho hoạt động cách mạng (CM). Đây là những địa phương có vai trò, vị trí chiến lược quan trọng, có cơ sở và phong trào CM vững mạnh... đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng mọi kẻ thù xâm lượt.

Khi đất nước bước sang trang sử mới- nhất là trong công cuộc xây dựng NTM, các xã ATK tiếp tục khơi dậy hào khí của vùng đất anh hùng, vùng đất an toàn trong lòng dân. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân, những vùng đất đầy gian khó ngày nào đã vươn mình đổi mới, tạo nên diện mạo mới, sức sống mới trên vùng đất ATK.

Kỳ 1: Tự hào “thế trận lòng dân”

Bia tưởng niệm Nam Kỳ khởi nghĩa được đặt trong khuôn viên đình Bình Phụng. Nơi đây là địa chỉ đỏ của quê hương Vũng Liêm anh hùng.
Bia tưởng niệm Nam Kỳ khởi nghĩa được đặt trong khuôn viên đình Bình Phụng. Nơi đây là địa chỉ đỏ của quê hương Vũng Liêm anh hùng.

Chúng tôi về thăm các xã ATK, được tìm hiểu về những vùng căn cứ địa CM, nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của quân dân Vĩnh Long. Từ đó, thêm tự hào về “thế trận lòng dân”, căn cứ của lòng dân, hậu phương tại chỗ của CM...

Những căn cứ địa cách mạng

ATK là những khu vực tương đối an toàn so với các nơi khác trong thời kỳ kháng chiến, gồm: xã ATK và vùng ATK. Ngày 15/6/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 520/QĐ-TTg về việc công nhận 17 xã ATK tại tỉnh Vĩnh Long. Đó là: Nhơn Bình, Hòa Bình, Hựu Thành, Trà Côn, Vĩnh Xuân, Thuận Thới (huyện Trà Ôn); Bình Ninh, Ngãi Tứ, Tường Lộc, Hậu Lộc, Song Phú (huyện Tam Bình); Hiếu Thành, Thanh Bình, Trung Thành, Trung Hiệp, Trung Ngãi, Trung Nghĩa (huyện Vũng Liêm).

Các xã ATK vừa có vị trí chiến lược quan trọng, vừa đóng vai trò vững chắc trong việc bảo vệ, hỗ trợ các hoạt động CM… cũng là nơi phát triển lực lượng, giữ vững tinh thần đoàn kết đấu tranh trong Nhân dân, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến đấu và chiến thắng.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, ấp Mỹ Phú 1 (xã Tường Lộc) được xem là trung tâm của huyện lỵ Tam Bình. Do đó, giặc đã xây dựng nơi này thành ấp chiến lược, đồng thời đặt nhiều đồn bốt, cơ quan quan trọng. Khi đó, căn cứ an toàn nhất chính là căn cứ lòng dân. Nhiều gia đình dù nằm ngay trong lòng địch vẫn đào hầm che giấu, bảo vệ trong, ngoài. Đó là nơi để cán bộ an ninh hòa vào trong Nhân dân, từ đóng vai rồi thật sự trở thành những người con của các ba, các má, trở thành người anh, người chị của các thành viên trong nhà.

Căn nhà của thương binh 1/4 Huỳnh Văn Thái- con trai ông Huỳnh Văn Nhân (Tám Hơn) ở ấp Mỹ Phú 1 nằm bên lộ nhựa khang trang, cặp bên con rạch mát mẻ. Ông đón tiếp chúng tôi với bước chân khập khiễng, do bị trúng đạn, chấn thương cột sống nặng trong một trận chiến chống Mỹ.

“Nhà tôi là ở ấp chiến lược. Lính tráng đi ngang qua suốt. Phía sau nhà có hầm bí mật, nên nuôi chứa được nhiều cán bộ CM. Ở xóm, ai cũng tốt với CM”- ông Thái kể và cho biết. Năm 1972-1973, cô Nguyễn Thụy Nga (Bảy Vân- vợ Tổng Bí thư Lê Duẩn)- Khu ủy viên Khu Tây Nam Bộ, Phó Ban Phụ vận Khu về đây hoạt động. Cô đã được gia đình cha tôi và gia đình bà Dương Thị Hơn hết lòng nuôi giấu và đảm bảo giữ an toàn cho đồng chí.

Xã Hòa Bình từng là miệt bưng biền đầm lầy. Địa danh Bưng Sẩm (thuộc ấp Hiệp Hòa, Hiệp Lợi ngày nay) được chọn làm khu căn cứ CM bởi địa thế hiểm trở, đất trũng sình lầy, cỏ dại mọc um tùm. Liên Tỉnh ủy Vĩnh Long- Trà Vinh từng chọn khu vực này làm căn cứ địa CM qua 2 cuộc kháng chiến. Nơi đây được ví như “Đồng Tháp Mười thứ hai”, là nơi nuôi chứa, bảo vệ CM rất an toàn.

Vùng đất Bưng Sẩm một thời từng là nơi nuôi chứa, bảo vệ cách mạng rất an toàn.
Vùng đất Bưng Sẩm một thời từng là nơi nuôi chứa, bảo vệ cách mạng rất an toàn.

Ông Nguyễn Văn Mười Hai Cao- nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình, kể: “Đụng tới bưng là lính không vô được, nên cán bộ từ Trung ương, tỉnh, chiến sĩ mình cứ về đây. Có bà con nuôi chứa là yên tâm. Dân rất tốt, bảo vệ CM từ kháng chiến đến khi độc lập, địch không phát hiện được. Hồi đó, giặc càng quét lắm, cỡ năm 1963 dân tản cư đi hết, nhưng vẫn tới lui nuôi chứa cán bộ cho đến ngày độc lập”.

Nhờ có địa thế hiểm trở, sự tồn tại của vùng căn cứ Bưng Sẩm phần lớn là nhờ sự chở che đùm bọc của Nhân dân nên không bị địch phát hiện, lập nhiều cuộc chiến công oanh liệt. Bia chiến thắng Mương Khai- Hiệp Hòa được xây từ năm 2003 là nơi ghi dấu chiến công hiển hách của quân dân Vĩnh Long. Tiểu đoàn 306 đã cùng với quân và dân Trà Ôn lập nên chiến công vang dội, trở thành bài học giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào lịch sử cho thế hệ mai sau. Trận đánh vang dội của Tiểu đoàn 306 phối hợp địa phương quân và dân quân, du kích 2 xã Xuân Hiệp và Hòa Bình đã đánh bại 6 đợt đổ quân và đẩy lùi 8 đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa, bắn rơi 9 máy bay trực thăng, bắn bị thương 3 chiếc khác và diệt trên 600 tên địch. Đây là trận đánh tiêu biểu, đánh dấu sự thất bại nặng nề của Sư đoàn 9 chính quyền Sài Gòn ở ĐBSCL.

Dựa vào dân để khởi nghĩa

Các xã ATK Vĩnh Long không chỉ là chỗ nuôi chứa, chở che cho bộ đội, mà còn là trụ sở của các xưởng quân trang, kho lương thực, trạm quân y. Người dân luôn sẵn sàng hỗ trợ CM khi cần. Tháng 3/1974, Trung đoàn 3, Quân khu 9 tăng cường lực lượng cho tỉnh Vĩnh Long. Đồng chí Trịnh Phi Hùng, quê ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa- bấy giờ đang là Đại đội trưởng Đại đội Đặc công thủy C115 đã trực tiếp đi khảo sát và dựng căn cứ tại khu vực đất thuộc gia đình ông Ba Quỡn- ấp Bang Chang (xã Trà Côn). Chiến đấu xa quê, nhưng tình cảm, sự che chở, đùm bọc của bà con nơi đây đã giúp ông vững tâm công tác và chiến đấu. Vô cùng trân trọng và biết ơn người dân Trà Côn, sau khi đất nước thống nhất, ông Trịnh Phi Hùng không trở về quê nhà, mà sinh sống trên chính mảnh đất đã từng cưu mang mình. Sau đó, ông lấy vợ- bà Phan Thị Dung, cũng là gia đình nuôi chứa và hoạt động CM. Nơi đây trở thành quê hương thứ hai, gắn bó với ông một đời như máu thịt.

Chúng tôi đến thăm đình Bình Phụng (ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp)- một trong những di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nơi đây gắn liền với phong trào CM của huyện Vũng Liêm, gắn liền với thời niên thiếu của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (tên thường gọi là Chín Hòa) từ việc vui chơi, học lớp vỡ lòng, đến khi giác ngộ và tham gia CM ở địa phương. Năm 1940, đình là một trong những nơi lực lượng nghĩa quân tập hợp đứng lên khởi nghĩa, tiến đánh những nơi xung yếu do địch chiếm đóng. Trong cuộc khởi nghĩa này, có sự tham gia lãnh đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt- Bí thư Chi bộ xã Trung Hiệp.

Đêm 22 rạng sáng 23/11/1940, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Thị Hồng- Bí thư Huyện ủy và đồng chí Phan Văn Hòa (tên gọi khác của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt) cùng nhiều đồng chí khác đã lãnh đạo Nhân dân các xã đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay thực dân, phong kiến, làm tan rã bộ máy thống trị, giải tán bọn tề xã ở địa phương, phá rã toàn bộ hệ thống kìm kẹp của địch ở các xã, đốt dinh quận và làm chủ huyện lỵ trong 8 giờ.

Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ có ý nghĩa to lớn, là một trong “những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc”. Đảng vì dân, dân tin Đảng, theo Đảng đoàn kết thành một khối thống nhất là một trong những yếu tố quyết định biểu lộ tinh thần của Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, là nguồn gốc thành công của CM Tháng Tám năm 1945; thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và mọi thành tựu của công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước ta hiện nay.

Sau CM Tháng Tám năm 1945, chính quyền CM sử dụng đình Bình Phụng làm trụ sở Ủy ban Hành chính xã Trung Hiệp, là nơi hội họp các tổ chức đoàn thể của xã như thanh niên, phụ nữ…

Năm 1946, thực dân Pháp phá hủy toàn bộ ngôi đình. Qua nhiều lần tái dựng, dời đổi vị trí, đến năm 2003, đình được trùng kiến khang trang với diện tích được mở rộng hơn 3.000m². Theo đó, cùng với phần đất cũ của đình là 800m², ông Đặng Hoàng Du, tên thường gọi là Mười Du- Phó Ban Quản lý Di tích đình Bình Phụng đã hiến 1.800m² đất, phần còn lại là các hộ lân cận cùng hiến.

“Thời chiến, cha tôi đi bộ đội dạy võ cho nghĩa quân, đến thời tôi và anh em tôi cũng đi bộ đội. Đi CM là tôi sẵn sàng hy sinh, không tiếc thân mình. Thời bình, vận động tôi hiến đất, tôi đã không ngần ngại mà gật đầu đồng ý”- ông Mười Du khẳng khái nói.

Ông Mười Du kể: “Dân ở đây tình làng nghĩa xóm khắng khít lắm. Hồi xưa chú Chín hoạt động CM, chú đã dựa vào dân, dựa vào ngôi đình này để khởi nghĩa. Nhờ có những người ưu tú như chú Chín Hòa mà nước nhà được độc lập, người dân có được cuộc sống tốt đẹp như hôm nay”.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THÚY QUYÊN

>> K 2: Dựng xây những miền quê trù phú

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh