Phát triển cánh đồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải

14:08, 30/08/2024
Đến năm 2025 tỉnh Vĩnh Long thực hiện 3.200ha và đến năm 2030 thực hiện đạt 20.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Đến năm 2025 tỉnh Vĩnh Long thực hiện 3.200ha và đến năm 2030 thực hiện đạt 20.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Những năm qua, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đã từng bước thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng lúa, đặc biệt là lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Dựa trên nền tảng những cánh đồng lúa sản xuất theo phương pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), là cơ sở quan trọng để thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, đồng thời, hướng đến sản xuất nông nghiệp sinh thái, bền vững, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Hiệu quả vượt trội từ mô hình IPHM

Tại các tỉnh, thành khác, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL được thực hiện có nhiều kế thừa từ Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” gọi tắt là VnSAT. Riêng tại Vĩnh Long, trước đây không tham gia Dự án VnSAT. Song, để thực hiện đề án này, ngành nông nghiệp đang dựa trên nền tảng những cánh đồng lúa sản xuất theo IPHM.

Vụ Hè Thu năm 2024, Chi cục Trồng trọt-BVTV tỉnh đã trình diễn nhiều mô hình sản xuất lúa theo IPHM tại các huyện Tam Bình, Mang Thít, Long Hồ và Vũng Liêm. Thống kê cho thấy, năng suất lúa trung bình ở các ruộng trình diễn đạt khoảng 6,4 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 0,4 tấn/ha. Cùng với giảm chi phí đầu vào, việc giảm khoảng 20% phân bón và từ 15-30% số lần phun thuốc BVTV đã giúp nông dân đạt lợi nhuận khoảng 26,6 triệu đồng/ha.

Theo đó, mô hình áp dụng IPHM còn giúp người nông dân mạnh dạn thay đổi tư duy, tập quán sản xuất lúa từ sản xuất truyền thống sang sản xuất kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, bền vững, nhất là phải sử dụng giống tốt (giống xác nhận, chất lượng cao), giảm mật độ khi gieo sạ, áp dụng các biện pháp canh tác tốt, bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp theo IPM,… Nhiều nông dân cho hay, mô hình IPHM đã chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng những biện pháp thâm canh mang tính hữu cơ, bền vững, ít mang lại yếu tố độc hại cho sức khỏe của nông dân và ít ảnh hưởng đến môi trường.

Tham gia mô hình sản xuất lúa IPHM, chú Nguyễn Văn Hiểu (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) cho hay: “Tôi sạ thưa, kéo hàng, 10 kg/công. Giảm chi phí giống, phân bón, thuốc BVTV. Lúc trước tôi sạ 15kg, bây giờ chỉ 10kg thì giảm được 100.000 đ/công, giảm thêm được 3 lần phun thuốc được 300.000đ. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy được lợi ích của việc sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, thời gian cách ly thuốc BVTV, nâng cao ý thức trong việc thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV để đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải và quan trọng hơn hết là bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng”.

Qua theo dõi và thực hiện, mô hình này không chỉ giảm chi phí, tăng lợi nhuận, mà còn giảm được phát thải trong sản xuất, bảo vệ môi trường. Đây là yếu tố quan trọng trong sản xuất lúa hiện nay. Mô hình này có thể áp dụng để nhân rộng sản xuất, hướng đến thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp mà nông dân đang tham gia.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh, Vĩnh Long không tham gia Dự án VnSAT nên giai đoạn 2024-2025 chỉ đăng ký tham gia 3.200ha và đến 2030 sẽ mở rộng thêm 16.800ha để đạt 20.000ha. Cụ thể, giai đoạn 1 (2024-2025) triển khai tại 4 huyện Vũng Liêm, Long Hồ, Bình Tân, Tam Bình với diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp là 3.200 ha/năm; giai đoạn 2 (2026-2030) thực hiện tại các huyện Vũng Liêm, Long Hồ, Bình Tân, Tam Bình, Trà Ôn, Mang Thít và TX Bình Minh, sẽ phát triển diện tích canh tác 16.800ha. Riêng trong vụ lúa Hè Thu 2024, tỉnh thực hiện đề án lồng ghép trong các mô hình canh tác IPHM trên lúa, mô hình sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao và sản xuất lúa theo hướng hữu cơ… đã triển khai các năm trước ở các huyện, thị xã.

Hướng đến phát triển cánh đồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải

Theo Chi cục Trồng trọt-BVTV, thực hiện mô hình IPHM, bên cạnh giảm giống, phân bón, đặc biệt là hàm lượng phân đạm, nông dân còn quản lý dịch hại tổng hợp theo IPM, tưới nước ngập khô xen kẽ. Nhiều ruộng nông dân cũng đã thực hiện thu gom tất cả rơm ra khỏi đồng ruộng để tái sử dụng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Các giải pháp kỹ thuật này đáp ứng nhiều tiêu chí của Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao của Bộ Nông nghiệp-PTNT. Vụ Hè Thu năm 2024, ngành nông nghiệp đã giúp nông dân xây dựng khoảng 220ha lúa sản xuất theo IPHM. Trong vụ Thu Đông, xây dựng thêm mô hình tại huyện Bình Tân.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-BVTV, cho biết: “Trong mô hình này, nông dân được hướng dẫn thực hành quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trên nền tảng là chủ yếu thực hành “1 phải, 5 giảm”. Khuyến cáo bà con trước tiên là phải giảm giống, sử dụng phân công nghệ mới, tăng hiệu quả sử dụng phân bón trên đơn vị diện tích. Giảm hàm lượng đạm trong tổng lượng phân bón để giảm phát thải khí nhà kính. Trong vụ Thu Đông năm nay, chi cục sẽ hướng dẫn nông dân nhân rộng các mô hình ở những địa phương trên và xây dựng thêm mô hình tại huyện Bình Tân. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ nông dân đã sản xuất lúa theo IPHM hướng đến sản xuất đáp ứng các tiêu chí của Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL tại Vĩnh Long”.

Ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ nông dân đã sản xuất lúa theo IPHM hướng đến sản xuất đáp ứng các tiêu chí của đề án 1 triệu hecta.
Ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ nông dân đã sản xuất lúa theo IPHM hướng đến sản xuất đáp ứng các tiêu chí của đề án 1 triệu hecta.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh, cho hay: “Ngành nông nghiệp xem mô hình canh tác IPHM trên lúa là những mô hình điểm để từ đó nhân rộng ở những năm tiếp theo. Thời gian qua Sở Nông nghiệp-PTNT đã tham quan những mô hình để học hỏi các địa phương để có những chế độ chính sách đặc biệt là thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng, sau đó, có chính sách hỗ trợ các tổ khuyến nông này hoạt động cũng như chính sách hỗ trợ cho cán bộ làm khuyến nông ở cơ sở, từ đó, thực hiện khâu tuyên truyền, vận động, phát động người dân tích cực tham gia hưởng ứng đề án 1 triệu hecta này”.

Với những giải pháp đã đề ra, ngành nông nghiệp cùng người trồng lúa tỉnh Vĩnh Long quyết tâm thực hiện thành công đề án. Qua đó góp phần nâng cao giá trị gia tăng lúa gạo, trực tiếp tăng thêm lợi nhuận cho người nông dân.

Theo kế hoạch, đến năm 2025 tỉnh Vĩnh Long thực hiện 3.200ha và đến năm 2030 thực hiện đạt 20.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp trong tổng số 1 triệu hecta tại ĐBSCL. Mục tiêu của đề án là hình thành 1 triệu hecta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải nhằm đảm bảo cho việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngoài ra, việc thực hiện đề án còn giúp nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo, tăng cường thu hút đầu tư, tạo ra giá trị gia tăng cao cho nông dân và cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh