Phát huy nguồn lực cho không gian phát triển mới

07:11, 30/08/2024
Vĩnh Long coi trọng văn hóa cũng là một nguồn lực trong phát triển. Trong ảnh: Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản đương đại Mang Thít.Ảnh: NGÔ ANH KHOA
Vĩnh Long coi trọng văn hóa cũng là một nguồn lực trong phát triển. Trong ảnh: Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản đương đại Mang Thít.Ảnh: NGÔ ANH KHOA

Cùng với Quy hoạch địa phương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch- QH) đã được phê duyệt, Vĩnh Long sẽ tận dụng, phát huy tối đa nguồn lực để phát triển nhanh, hướng đến bền vững.

Phát triển trong bối cảnh khó khăn, thách thức

Theo báo cáo kết quả nổi bậc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2021-2030, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 trên địa bàn tỉnh, quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã được sự lãnh đạo thống nhất, kịp thời của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực của các ban, bộ, ngành trung ương. Tỉnh ủy, UBND tỉnh có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành năng động, sáng tạo, quyết liệt trên các lĩnh vực. Một số công trình, dự án lớn đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo động lực phát triển mới cho tỉnh.

Theo UBND tỉnh, chương trình hành động đã thể hiện cụ thể những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu theo mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của Trung ương và bảo đảm phù hợp với tình hình địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, kinh tế- xã hội trong tỉnh đối mặt với tác động không nhỏ bởi tình hình trong nước, quốc tế và những yếu tố nội tại của tỉnh.

Trong khi đó, quy mô nền kinh tế tỉnh còn nhỏ, phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp; hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp, ngành nghề chưa đa dạng; thiếu nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật; tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp,… ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội và đời sống Nhân dân.

Theo UBND tỉnh, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và cơ hội nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân đã giúp cho tỉnh vượt qua được khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả quan trọng. Theo báo cáo, hiện tỉnh đã thực hiện ước đạt và vượt 16/20 chỉ tiêu kinh tế- xã hội chủ yếu.

Cũng theo đánh giá của UBND tỉnh, kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã có sự phục hồi khá, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng. Các khâu đột phá và chương trình hành động được triển khai thực hiện đã mang lại những kết quả tích cực và toàn diện; trọng tâm là kết cấu hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được hoàn thiện, hiện đại, kết nối đồng bộ trong địa bàn tỉnh và các tỉnh trong vùng. Trong khi đó, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động,… để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh được kịp thời; môi trường đầu tư được cải thiện, năng lực cạnh tranh của tỉnh ngày càng được nâng cao. Các hoạt động xúc tiến đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp được đổi mới, chủ động hơn góp phần thu hút và phát triển được nhiều dự án, doanh nghiệp có quy mô ngày càng lớn và chất lượng hơn.

Mở ra không gian phát triển mới và bền vững

Những năm qua, Vĩnh Long đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù tỉnh không thuộc nhóm top 30 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, nhưng Vĩnh Long đã có những cải thiện tốt ở các chỉ số thành phần so với năm 2022. Đặc biệt là Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, tỉnh Vĩnh Long xếp hạng 10/63 tỉnh, thành phố cả nước; và hạng 1/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Vĩnh Long cùng với Đà Nẵng, Hưng Yên là những tỉnh có đến 2 chỉ số thành phần dẫn đầu top 5 cả nước.

Để đạt được kết quả đó, theo ông Lương Trọng Nghĩa- Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, thì tỉnh đã nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải thiện hoạt động quản lý môi trường và thúc đẩy tăng trưởng xanh. QH tỉnh Vĩnh Long sẽ là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của ĐBSCL. Vĩnh Long đã và đang hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững, cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh tiếp tục khuyến khích sản xuất kinh doanh thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn, hạn chế phát thải…

Chương trình số 11-CTr/TU về thu hút vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 được các cấp và tổ chức thực hiện hiệu quả, góp phần tích cực cho đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, tổng nguồn vốn huy động năm sau cao hơn năm trước. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 ước đạt 86.370 tỷ đồng, tăng bình quân 5,6 %/năm, đạt 104,1% kế hoạch.

Khẳng định có nhiều lợi thế cạnh tranh cùng với QH tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, Vĩnh Long sẽ mở ra nhiều không gian phát triển mới, nhanh và bền vững. Tỉnh xây dựng QH trên cơ sở tích hợp các ngành, lĩnh vực; với quan điểm, định hướng kiến tạo không gian phát triển hợp lý, hài hòa giữ các vùng, tiểu vùng gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, tạo ra các động lực phát triển mới. Phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. QH cũng đã xác định và tập trung vào 1 trục động lực, 2 hành lang kinh tế, 3 đột phá phát triển, 4 trụ cột tăng trưởng và 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Tại lễ công bố QH, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhận định, QH là cơ sở để tỉnh thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, hướng đến mục tiêu đưa Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, là một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Đồng thời phát triển kinh tế nông nghiệp làm nền tảng phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị và công nghiệp; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng, hình thành được 1 trục động lực, 2 hành lang kinh tế, vùng không gian phát triển, các trung tâm đô thị động lực hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng- an ninh được đảm bảo, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy, người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc…

Môi trường đầu tư được cải thiện, năng lực cạnh tranh của tỉnh ngày càng được nâng cao.Ảnh minh họa
Môi trường đầu tư được cải thiện, năng lực cạnh tranh của tỉnh ngày càng được nâng cao.Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nêu rõ, Vĩnh Long hội tụ các yếu tố của vùng như có truyền thống yêu nước hào hùng; con người hài hòa, thân thiện; văn hóa đặc sắc miền Tây... Vĩnh Long có vị trí địa lý kinh tế hết sức thuận lợi, nằm ở trung tâm châu thổ ĐBSCL, tiếp giáp 7 tỉnh, thành phố trong vùng. “Trong quá trình phát triển, Vĩnh Long cần coi trọng yếu tố con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không để môi trường xuống cấp. Do đó, QH của tỉnh phải toát lên được những vấn đề này; không dàn trải trong đầu tư; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thật tốt để thu hút các nhà đầu tư, đó là thể chế, hạ tầng, cải cách hành chính”- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

10 chỉ tiêu kinh tế- xã hội ước thực hiện vượt gồm: GRDP bình quân đầu người đạt 91,5 triệu đồng/người/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 965 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 86.370 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 28,53%; tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông, lâm, thủy sản còn 41,8%; tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân là 11 bác sĩ và tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân là 32 giường; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,2% dân số; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78,25%; số xã đạt chuẩn NTM đến năm 2025 là 87 xã (100%), số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là 4 đơn vị; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung khu vực đô thị đạt 99,4%, khu vực nông thôn đạt 96,5%.

6 chỉ tiêu kinh tế- xã hội ước thực hiện đạt gồm: tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị đạt 3,75%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 40%; tỷ lệ xã, phường có trung tâm văn hóa- thể thao cấp xã, có tổ chức hoạt động văn hóa cộng đồng là 85%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị đạt 98,5%, khu vực nông thôn đạt 88%; tỷ lệ chất thải, nước thải y tế được thu gom xử lý đạt 100%; tỷ lệ các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn đạt 100%.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh