Dám nghĩ, dám làm, chú Nguyễn Văn Nghé đã gặt hái thành công từ việc nuôi chim yến ở tuổi ngoài 60. |
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi kinh tế từ sản xuất gạch sang nuôi chim yến, mô hình khởi nghiệp của chú Nguyễn Văn Nghé (SN 1960, xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với sản phẩm sạch, chất lượng, sản phẩm yến chưng chai Út Nghé đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Nằm bên cạnh kênh Thầy Cai, nhà nuôi chim yến của chú Nguyễn Văn Nghé hiện tại là “tổ ấm” của hơn 2.000 chim yến. Nhìn đàn chim yến chao lượn trước khi bay vào căn nhà cao tầng, chú Nghé mỉm cười chia sẻ về cơ duyên đến với nghề nuôi chim yến: “Trước khi đến với nghề nuôi chim yến, tôi đã gắn bó với nghề làm gạch hơn 20 năm, nhưng mấy năm nay nghề làm gạch gặp khó, tôi đóng cửa cả 3 miệng lò và quyết định chuyển sang mô hình nuôi chim yến, dù khởi nghiệp hơi muộn nhưng có quyết tâm thì ắt sẽ thành công”.
Chú Nghé kể: Trong một chuyến tham quan tại Cà Mau cách đây hơn 4 năm, nhận thấy nghề nuôi chim yến có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chú Nghé đã dành nhiều công sức, thời gian học hỏi kinh nghiệm và công nghệ nuôi chim yến trong nhà ở các vùng nuôi chim yến nổi tiếng từ Cà Mau đến Kiên Giang. Đến năm 2020, chú Nghé mạnh dạn xây dựng nhà nuôi chim yến đầu tiên.
Nhà yến xây xong, lắp đặt trang thiết bị, bật loa “dụ” chim về, hai vợ chồng chú Nghé thấp thỏm từng ngày, buổi chiều nào cũng ngồi trông ngóng yến bay về tổ. Khi những cặp yến đầu tiên lượn vòng trên nóc rồi “chui” vào lầu cao đã đánh dấu bước đầu thành công trong nghề nuôi “chim nhả vàng”. “Sau đó, mỗi năm có 3 vụ thu hoạch tổ yến, cứ mỗi 4 tháng là thời gian cần để chim yến làm tổ, sinh sản, bỏ tổ và việc thu hái khi chim bỏ tổ sẽ kéo dài trong 20 ngày. Trung bình gia đình tôi thu hoạch khoảng 7kg yến thô/tháng”- chú Nghé thông tin thêm.
Thành công với nhà nuôi chim yến đầu tiên, chú Nghé tiếp tục đầu tư mở thêm 2 nhà yến tại địa phương. Thời gian qua, cả 3 nhà yến đều thu hút rất nhiều đàn chim. Chia sẻ về bí quyết nuôi chim yến hiệu quả, chú Nghé cho hay: “Người ta hay ví nghề nuôi chim yến phải dựa vào ý trời và cái duyên của người làm nghề. Sản lượng yến phụ thuộc vào thời tiết, địa hình khu vực xây nhà nuôi chim yến, hơn nữa chim yến ưa sống sạch sẽ, rất khó tính, nếu nhà yến không đẹp, có mùi lạ hoặc người lạ ra vào thường xuyên là chúng không ở, bỏ đi ngay, mà đầu tư xây dựng mỗi căn nhà nuôi chim yến mất khoảng vài tỷ đồng chứ không ít, nên thực tế việc nuôi chim yến không hề dễ dàng, không phải ai nuôi cũng thành công vì gặp rất nhiều rủi ro”.
Theo chú Nghé, cái khó nhất của nghề nuôi chim yến là phải dụ được loài chim “khó tính” này về nhà làm tổ và sinh sản. Vì thế, khi xây nhà nuôi chim yến, trước hết, phải tìm được người có chuyên môn tư vấn, khảo sát lựa chọn địa điểm xây nhà phù hợp với tập tính của chim yến. Trong quá trình nuôi, người nuôi phải tìm cách diệt các loài sinh vật gây hại để bảo vệ chim yến, chăm sóc kỹ để tránh thiệt hại về số lượng, chất lượng. Bên cạnh đó, một số nguyên tắc quan trọng khác trong nghề nuôi yến trong nhà là phải tuyệt đối ít đánh động đến chim yến; thường xuyên kiểm tra khói, bụi và các sinh vật như chuột, mèo có thể gây hại và làm ảnh hưởng đến năng suất của tổ yến.
Sản phẩm từ tổ yến của gia đình chú Nguyễn Văn Nghé được đầu tư mẫu mã, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Nhận thấy sản lượng yến thu hoạch khá tốt và có thị trường, chú Nghé không chỉ cung cấp các loại tổ yến thô, mà còn nghiên cứu sản xuất các sản phẩm sơ chế, tinh chế từ yến. Đến nay, hộ kinh doanh Út Nghé đã có 4 sản phẩm từ yến sào thô, yến tinh chế và yến chưng chai, riêng sản phẩm yến chưng chai vừa đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Phụ trách việc kinh doanh, anh Nguyễn Văn Nghĩa- con trai của chú Nghé, cho hay: “Việc tham gia chương trình OCOP chính là nền tảng để chúng tôi đầu tư sâu vào chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Cạnh đó, chúng tôi có cơ hội được hỗ trợ trong việc đổi mới mẫu mã, thực hiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua truyền thông, các hội chợ, triển lãm…”.
Đang ấp ủ dự định mở rộng kinh doanh, đa dạng sản phẩm hơn trong thời gian tới, anh Nghĩa chia sẻ: “Sắp tới gia đình tôi muốn mở rộng diện tích nhà nuôi chim yến, đầu tư thêm công nghệ chế tạo sản phẩm yến từ sơ chế đến tinh chế, tận dụng nguồn lao động tại địa phương để tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”.
Ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Mang Thít, cho biết: Nuôi chim yến của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Nghé là mô hình mới có xu hướng phát triển nhanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Phòng Nông nghiệp-PTNT đã có những hướng dẫn cho hộ nuôi về các thủ tục pháp lý, quy định về vùng nuôi chim yến để đảm bảo vệ sinh môi trường, tiếng ồn và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời gian tới, huyện cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ hộ kinh doanh quảng bá sản phẩm, khuyến khích hộ kinh doanh nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. |
Bài, ảnh: SONG THẢO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin