Sầu đầu đen hại dừa gây thiệt hại nặng cho nhà vườn. |
Gần đây, sâu đầu đen (SĐĐ) lại xuất hiện và gây thiệt hại nhiều vườn dừa trong tỉnh. Ngành chuyên môn, địa phương, người dân đã áp dụng quyết liệt các biện pháp quản lý, phòng trị hiệu quả đối với đối tượng gây hại nguy hiểm này.
Thiệt hại nặng cho nhà vườn
Theo ngành nông nghiệp, tại ĐBSCL, SĐĐ được ghi nhận xuất hiện đầu tiên ở xã Phú Long, huyện Bình Đại và xã Hữu Định, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) vào tháng 7/2020. Đến cuối tháng 3/2021, toàn tỉnh Bến Tre đã có hơn 160ha vườn dừa bị SĐĐ tấn công. Trong đó, diện tích dừa bị gây hại nặng khoảng 51ha, phải đốn bỏ. Tại tỉnh Vĩnh Long, hiện nay SĐĐ xuất hiện và gây hại trên 7ha tại xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm (6,5ha) và xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình (0,55 ha) với mức độ nhiễm 70-80%.
SĐĐ là loại gây hại trên dừa, cây dầu cọ, cây chà là, dừa kiểng… Sâu (giai đoạn ấu trùng) cạp phần biểu bì mặt dưới của lá, nhả tơ bao phủ xung quanh cơ thể bằng cách kết dính phân và các mảnh vụn tạo thành nơi cư trú ẩn giống như đường hầm ở mặt dưới của các lá già, sâu ẩn mình trong những đường hầm này để tiếp tục gây hại bề mặt lá dừa. Lá già bị sâu gây hại sẽ bị cháy khô. Khi ăn hết lá già sâu sẽ tấn công dần lên các tàu lá bên trên, thậm chí tấn công lên cả vỏ trái nếu mật số cao.
Có 3 công dừa bị SĐĐ gây hại, chị Phan Thị Thúy (ấp Phú An, xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình) cho hay: “Vài tháng trước, một số cây dừa bỗng nhiên lá bị khô vài ba tàu. Tôi chỉ nghĩ đơn giản do nắng nóng, thêm phần dừa lâu năm nên bị chết dần, nhưng không ngờ chỉ trong khoảng 2-3 tuần sau thì một số cây dừa kế bên đang xanh tốt cũng gặp tình trạng tương tự. Trước đây tôi chưa từng thấy dừa bị dấu hiệu như vậy. Nghĩ dừa bị bệnh nên tôi mua phân, thuốc về phun, nhưng dừa vẫn không phục hồi mà tiếp tục bị khô lá hàng loạt và chỉ trong thời gian ngắn nhiều cây dừa bị khô lá rồi chết. Một số cây cũng bị nặng không hồi phục được”.
Cũng bị SĐĐ gây hại vườn dừa, chú Nguyễn Thanh Lo (ấp Phú An, xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình) cho biết: “Ban đầu, lá dừa bị đốm đốm một vài lỗ. Khi xé lá dừa ra để kiểm tra, tôi thấy con sâu nằm bên trong. Sau đó, tình trạng nhiễm bệnh tiếp tục lan rộng, một số cây dừa đã bị rụng sạch trái, lá cũng khô hết, vườn dừa cũng bị thất thu”.
Theo ngành chức năng, SĐĐ gây hại cây dừa xuất hiện trên các vườn dừa cao nên khó phát hiện, phòng trừ. Một số hộ dân chưa quan tâm đến sự gây hại của SĐĐ, thêm vào đó, có thời điểm, giá dừa rẻ, một số ít nông dân chưa quan tâm phòng, trị hoặc không có tiền để thuê công phun xịt. Một số hộ mua đất trồng dừa, nhưng lại thường trú ở nơi khác, hoặc chủ hộ thường xuyên đi làm xa, vắng nhà, nên địa phương cũng khó liên hệ để phòng trị.
Quyết liệt phòng trị, không để lây lan
Trước tình hình gây hại và sự phát triển của SĐĐ trên cây dừa, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã thường xuyên thực hiện công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh. Hướng dẫn kịp thời cho người dân biện pháp quản lý đối với dịch bệnh trên cây trồng nói chung và SĐĐ trên cây dừa nói riêng. Bên cạnh đó, đơn vị triển khai thực hiện mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) như: sử dụng giống tốt, giảm mật độ gieo trồng, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, bón phân cân đối, sử dụng các chế phẩm sinh học, quản lý dịch hại theo IPM,... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hoá chất, nhất là thuốc BVTV đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, an toàn thực phẩm và góp phần quản lý SĐĐ.
Ngành chuyên môn, địa phương, người dân đã áp dụng quyết liệt các biện pháp phòng trị bệnh SĐĐ. |
Ông Lê Văn Chiến- Phó phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tam Bình cho hay: Hiện toàn huyện có khoảng 2.000ha trồng dừa. Cây dừa thu hoạch quanh năm mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trước đây, trên đây dừa có đối tượng dịch hại là bọ cánh cứng, gần đây xuất hiện thêm SĐĐ hại dừa. Đây là 2 đối tượng gây hại nghiêm trọng. Do dừa không phải là cây trồng chính, diện tích trồng manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu trồng xen nên rất khó quản lý, phát hiện sâu bệnh và phòng trị. Do đó, khi phát hiện sâu hại, ngành nông nghiệp huyện cũng đã nhanh chóng phối hợp cùng địa phương chủ động thực hiện các biện pháp dập dịch, không để dịch hại bùng phát và lây lan. Đồng thời, vận động người dân nâng cao ý thức phòng trị, quản lý dịch hại trên vừa dừa.
Bà Nguyễn Thị Hồng Lĩnh- Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Để quản lý, phòng trị SĐĐ hại dừa, người dân cần trồng dừa với mật độ vừa phải để thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý sâu, bệnh. Bón phân cân đối đầy đủ dinh dưỡng giúp cây khỏe, tăng sức đề kháng. Thường xuyên vệ sinh vườn, loại bỏ cỏ dại trong vườn dừa vì đây là nơi trú ngụ của thành trùng SĐĐ. Đồng thời, cắt bỏ các tàu dừa già khô bên dưới, xác bã ở phần thân cây dừa để thuận tiện xử lý thuốc trừ dịch hại trên dừa. Bảo vệ và nhân nuôi thiên địch của SĐĐ như: kiến vàng, bọ đuôi kìm, ong ký sinh…
Khi phát hiện SĐĐ gây hại cần cắt tỉa tàu lá hoặc lá chét của cây dừa bị SĐĐ gây hại và tiêu hủy bằng cách đốt hoặc ngâm trong nước (ít nhất 10 ngày) nhằm làm giảm mật số sâu hại. Đối với cây dừa già cõi, cây dừa bị sâu gây hại nặng không thể phục hồi nên đốn bỏ và tiêu hủy để tránh sâu lây lan sang cây dừa khỏe lân cận. Phóng thích bọ đuôi kìm trên các vườn dừa bị nhiễm SĐĐ nhẹ, số lượng: 10-20 con/cây. Sử dụng chế phẩm sinh học BT (Bacillus thuringiensis) phun đảm bảo ướt đều lá, định kỳ 7-10 ngày/lần. Chỉ sử dụng biện pháp hóa học khi thật sự cần thiết đối với các vườn dừa bị nhiễm SĐĐ nặng, khi sử dụng cần đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng, tuân thủ thời gian cách ly và nên luân phiên các hoạt chất thuốc (Spinetoram, Flubendiamide, Emamectin benzoate, Lufenuron, Spirotetramat, ...), phun trực tiếp mặt dưới tàu lá. |
Bài, ảnh: THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin