Già hóa dân số (DS) đang là một trong những vấn đề trọng tâm của các quốc gia trên thế giới. Cụ thể, việc gia tăng tuổi thọ trong bối cảnh mức sinh thay thế không được duy trì bền vững đã đẩy nhanh tốc độ già hóa DS.
Theo Quỹ DS Liên hiệp quốc (UNFPA), từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu quá trình già hóa DS. Theo thống kê, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng DS vào năm 2019. Dự kiến, vào năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn DS già với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20%; đến năm 2049, Việt Nam trở thành xã hội siêu già với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 25%.
Theo UNFPA, một nước sẽ bước vào giai đoạn “bắt đầu già” khi DS cao tuổi chiếm 10% tổng số dân và giai đoạn “già” khi người cao tuổi chiếm 20% tổng số dân.
Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa DS nhanh nhất thế giới. Điểm cơ bản tạo ra các thách thức đối với Việt Nam là nước ta chỉ có khoảng 20 năm để chuyển từ xã hội già hóa DS sang xã hội DS già, trong khi Pháp là 115 năm, Thụy Điển 89 năm, Mỹ 69 năm... Như vậy, trong khi các nước có hàng trăm năm để từng bước thay đổi chính sách, ứng phó với sự già hóa dần, thì Việt Nam chỉ có khoảng 1/4 thế kỷ.
Sự thay đổi nhân khẩu học này xảy ra ở Việt Nam không chỉ do giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ, mà phần lớn là do giảm mạnh tỷ lệ sinh. Tỷ lệ sinh giảm trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu DS của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa DS.
Trong báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật DS đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Theo Bộ Y tế, trao quyền quyết định số lượng con cái cho các ông bố bà mẹ sẽ tránh được tình trạng mức sinh xuống quá thấp gây già hóa DS, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Già hóa DS nhanh tạo ra những thách thức đối với Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn; tạo ra các tác động đa chiều, đến nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến an sinh, xã hội và văn hóa; ảnh hưởng đến cơ cấu xã hội, cơ cấu kinh tế, trong đó trước mắt là cơ cấu lao động và tăng trưởng kinh tế.
Do đó, để vượt qua thách thức này, rất cần những chính sách thích ứng tầm quốc gia. Yêu cầu đặt ra là phải có các chính sách thích ứng tức thời, vừa trực diện vào ngay những tác động của già hóa DS, vừa mang tính dài hơi.
- AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin