Kết nối phố:
Giảm ngập đô thị từ quản lý cao độ nền

SÔNG HẬU
06:15, 28/08/2024

Thời gian qua, hệ thống đô thị (ĐT) được quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực chống ngập. Nhờ vậy, nhiều khu vực ĐT đã thoát khỏi tình trạng ngập úng. Tuy nhiên, ở số nơi vẫn còn xảy ra ngập cục bộ khi mưa lớn, triều cường. Tuy chỉ ngập trong một vài giờ nhưng cũng gây bất tiện cho việc đi lại, ảnh hưởng mua bán, sinh hoạt của người dân; thậm chí gây hư hỏng công trình kiến trúc, thiệt hại tài sản…

Tại các ĐT ĐBSCL, theo TS Chu Văn Hoàng (Bộ môn Kỹ thuật hạ tầng, Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường ĐT, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội), TP Vĩnh Long có địa hình tự nhiên trung bình từ 0,8-1,2m thường bị ngập khi mưa lũ và triều cường. Khu vực đã phát triển chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm thành phố và ven sông được tôn nền từ 1,8-2,5m. Trong khi đó, địa hình tự nhiên của TP Cần Thơ tương đối thấp. Tại các khu vực trung tâm đã được tôn nền với cao độ trung bình từ 1,8-3m. Tuy nhiên, trong những năm gần đây khi gặp triều cường hoặc mưa lớn vẫn xảy ra tình trạng ngập với chiều sâu trung bình khoảng 30-40cm, thời gian ngập trung bình từ 2-3 giờ.

Theo TS Chu Văn Hoàng, hiện cốt nền của các ĐT khá thấp, còn chịu ảnh hưởng của triều cường nên công tác tổ chức thoát nước mặt gặp khó. Bên cạnh, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến lượng mưa (lượng mưa ngày càng tăng, kéo dài), chế độ thủy văn... Mặt khác, diện tích đất xây dựng ĐT và các khu chức năng ngày càng tăng, ảnh hưởng đến quá trình thoát nước; các dự án triển khai không đồng nhất về cốt nền xảy ra khá phổ biến tại các ĐT…

Theo đó, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật nói chung và quy hoạch cốt nền và thoát nước mặt ĐT nói riêng cần được chú trọng từ giai đoạn lập quy hoạch đến triển khai xây dựng, khai thác, duy tu bảo dưỡng. Bên cạnh, cần tính toán diện tích san nền phù hợp nhằm giảm tối đa diện tích ĐT bị bê tông hóa, tăng hệ số thấm của mặt phủ, giảm lưu lượng dòng chảy. Mặt khác, công tác quản lý cốt nền cần có công cụ trực quan, cung cấp đầy đủ thông tin để cơ quan chức năng và người dân có thể kiểm tra, giám sát, tránh chênh lệch cốt nền giữa các khu vực trong ĐT. Cùng với đó, hệ thống thoát nước mưa cần được thiết kế, xây dựng đảm bảo giảm lưu lượng dòng chảy bề mặt, góp phần giảm úng ngập, xử lý ô nhiễm, bổ cập cho nước ngầm.

Các giải pháp này phải tiến hành đồng bộ, kết hợp với các giải pháp không gian kiến trúc cảnh quan và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác nhằm hướng tới xây dựng và phát triển các ĐT bền vững.

SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh