Đỏ ơi!

HUỲNH NHỊ
22:54, 18/08/2024
 

Anh bạn ở xa đến chơi. Tôi dẫn anh về Vương quốc đỏ- nơi mà lò gạch gốm đã trở thành di sản. Hừng sáng, tôi và anh xuất phát. Gần bến phà Đình Khao sẽ có đường rẽ về Mỹ An. Thường là tôi đi Vương quốc đỏ bằng đường tàu. Đây là lần đầu tôi di chuyển bằng xe máy. Dọc triền sông Cổ Chiên là một bức tranh cuộc sống đậm đà chất quê. Thuyền bè ngược xuôi con nước. Cầu lớn cầu nhỏ cứ nối tiếp nhau. Thỉnh thoảng lại thấy rau và trái cây đặt trong rổ trước cửa nhà dân. Họ bán. Nhà trồng gì mà ăn không hết, người dân sẽ đem bán. Khi gặp người dễ mến là vừa bán vừa cho. Khi gặp người quen là cho luôn không bán.

Đến Mỹ An, chạy thêm khoảng 5km là gặp cầu kênh Thầy Cai. Khi lò gạch đầu tiên hiện ra, anh bạn tôi bắt đầu hỏi:

- Làng nghề có từ khi nào?

- Nguyên liệu ở đâu?

- Có bao nhiêu lò?

- Hiện tại các lò hoạt động thế nào?

Có câu hỏi làm tôi lúng túng. Sinh ra và lớn lên ở xứ này, vậy mà có những điều thuộc về quê hương bản xứ mình không rõ. Xấu hổ!

Tôi nói anh dừng xe ở một lò gạch đang hoạt động. Phía trên khói đen phả vào trời xanh. Tôi xin phép được tham quan lò gạch và chụp ảnh. Chị chủ đồng ý bằng nụ cười hiền rồi hướng dẫn chúng tôi tham quan.

Thật may, tôi đến đúng lúc lò đang hoạt động. Lửa đỏ rực phía cửa lò chị công nhân bịt kín mặt chở xe trấu vào canh lửa. Nhiệm vụ của chị là cho trấu vào, dùng cây gạt tro ra bên ngoài rồi đẩy trấu sống vào nuôi lửa. Một mẻ gạch đỏ cần thời gian dài: 15 ngày nung, 10 ngày xây cửa lò chờ gạch nguội và 5 ngày để tải và dỡ gạch.

Chị công nhân dỡ nón quạt cho bớt mồ hôi. Mặt chị cũng đỏ. Tôi đứng xa mà còn thấy nóng hực huống hồ chị trực chỗ gần lửa. Chị nhìn quanh rồi gọi:

- Chi ơi! Lấy bình nước cho mẹ!

Một cô bé từ xa đi lại gần. Tóc dài. Tôi hỏi thì bé nói năm nay lên lớp 2. Bé theo mẹ vào lò vì ở nhà không có ai. Bé chạy quanh khu vực mẹ làm.

Chị chia sẻ công việc khá vất vả. Nhưng phụ nữ ở quê có việc làm đã là quý. Tôi ngó lên cột khói. Những làn khói đen phả ra rồi tan trong gió. Màu khói đậm đà. Chị giải thích khói càng đen là gạch đã chín. Cuộc sống mà. Càng chín càng đậm đó thôi.

Tôi quay sang định gọi anh bạn chào tạm biệt ra về. Và tôi dừng vì được phát tín hiệu giữ im lặng. Anh đang quay cảnh bé Chi lấy gạch viết chữ trên nền tro bám trắng ở một góc lò. Tiếng trẻ đọc chữ ê a làm không gian dịu nóng vì lửa đỏ.

- Con chơi ở lò gạch có vui không?

- Dạ vui!

Niềm vui trẻ thơ trong sáng như thế. Chỉ cần quanh quẩn gần mẹ, chỉ cần vài miếng gạch vỡ, vài cục đất sét, vài sợi dây thun trọn vẹn tuổi thơ!

Tôi và anh bạn lên xe tạm biệt Vương quốc trăm lò. Dọc đường, có chỗ lò gạch bị bỏ không, cỏ vắt vẻo vài cụm trên cột khói hoặc ở những khe nứt. Có chỗ khói trắng vờn mây. Khói trắng là dấu hiệu lò mới bắt đầu nung. Anh bạn khoe những tấm ảnh anh chụp được ở phía trong lò. Anh bảo vào bên trong rất đẹp. Cách xây lò rất ấn tượng. Hàng chục ngàn viên gạch thẻ xếp chồng lên nhau theo hình tháp tròn tạo nên kiến trúc độc đáo.

Ừ thì anh là dân nghệ thuật. Anh nói Vương quốc đỏ thật đẹp!

Ừ thì tôi là một cô giáo trường làng. Tôi nói với anh rằng phải đỏ lò thì con đường đến trường của tụi nhỏ xứ này mới nhộn nhịp xôn xao.

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh