Chớp thời cơ, giành chính quyền về tay Nhân dân

21:43, 30/08/2024

 

Nhà việc Long Châu (sau 1975 là trụ sở UBND TX Vĩnh Long).Ảnh tư liệu
Nhà việc Long Châu (sau 1975 là trụ sở UBND TX Vĩnh Long).Ảnh tư liệu

Sáng ngày 23/8/1945, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An) khởi nghĩa thắng lợi. “Hội nghị Chợ Đệm” lần thứ 3 của Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức rất ngắn vì không còn có ý kiến khác nhau về thời điểm khởi nghĩa ở Nam Bộ: dự kiến sáng ngày 24/8 phát lệnh, 0 giờ sáng ngày 25/8 sẽ xong, sáng ngày 25/8 tổ chức xuống đường biểu tình.

Tại tỉnh Vĩnh Long, tháng 4/1945, một số đảng viên bị Pháp giam giữ ở nhà tù Bà Rá được thả về, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Thiệt. Về tới Vĩnh Long, đồng chí Nguyễn Văn Thiệt bắt liên lạc cùng các đảng viên tại chỗ tích cực hoạt động xúc tiến xây dựng lại cơ sở Đảng. Tỉnh ủy thành lập một chi bộ đặc biệt ở tỉnh lỵ Vĩnh Long do đồng chí Nguyễn Văn Thiệt làm Bí thư.

Chi bộ tập trung các cán bộ trung kiên gồm: Nguyễn Văn Thiệt, Phan Văn Sử, Diệp Ngọc Côn, Khuất Duy Trì và Nguyễn Hữu Thế, để chuẩn bị khẩn cấp lãnh đạo phong trào chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh lỵ.

Lúc đó, ở tỉnh Vĩnh Long có hai đoàn thể quần chúng chí cốt với cách mạng: tổ chức Nông dân cứu quốc phát triển mạnh ở Phước Hậu, Ngã tư Long Hồ, Cái Ngang, Ba Càng, Tam Bình, Vũng Liêm,… và tổ chức Thanh niên Tiền phong do Đảng gián tiếp lãnh đạo quy tụ hầu hết thanh niên ở tỉnh lỵ Vĩnh Long và hai huyện Châu Thành, Vũng Liêm...

Tháng 5/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong do bác sĩ Trương Ngọc Quế đứng đầu, người đại diện của Tỉnh ủy là Lê Minh Hữu, Tỉnh ủy viên, lấy danh nghĩa của tổ chức Thanh niên Tiền phong để làm bình phong phát triển phong trào. Ban đầu, tổ chức này thành lập tại làng Long Châu, tập hợp hàng ngàn thanh niên yêu nước để sẵn sàng tham gia khởi nghĩa.

Đúng 7 giờ ngày 25/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã nổ ra tại tỉnh lỵ Vĩnh Long.  Một cuộc biểu tình rầm rộ với hàng ngàn quần chúng xuống đường, có lực lượng Thanh niên Tiền phong đi đầu, trang bị vũ khí thô sơ (gươm, đao, giáo, mác, gậy gộc và vài khẩu súng...), mang theo cờ đỏ sao vàng, cờ vàng sao đỏ, cờ đỏ búa liềm, giương cao biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm”... Đoàn biểu tỉnh diễu hành qua các đường phố chính, rồi kéo vào Nhà việc Long Châu- nơi đóng trụ sở chính quyền quận Châu Thành (là trụ sở cũ UBND TP Vĩnh Long) để nghe lời hiệu triệu của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Vĩnh Long, công bố các chính sách lớn của Việt Minh.

Chính quyền Pháp bị tê liệt trước khí thế của quần chúng. Tỉnh trưởng Vĩnh Long là Lương Khắc Nhạc buộc phải chấp nhận đầu hàng và giao chính quyền lại cho Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Vĩnh Long vào lúc 10 giờ ngày 25/8/1945. Cùng ngày, Quận ủy Tam Bình đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa thắng lợi. Tiếp theo, các quận Vũng Liêm, Chợ Lách và Trà Ôn, lần lượt khởi nghĩa giành chính quyền giành thắng lợi vào ngày 26 và 27/8/1945. Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Vĩnh Long đến Nhà dây thép (sau này là Bưu điện trung tâm tỉnh Vĩnh Long )- nơi đặt trụ sở quân Nhật để thương thuyết, buộc tên quan tư Nhật ở Vĩnh Long hạ vũ khí giao nộp cho quân cách mạng. Như vậy, trong ngày 27/8/1945, chính quyền Nhật ở Vĩnh Long đã sụp đổ hoàn toàn từ tỉnh đến quận và hầu hết các làng xã.

Ngày 28/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức cuộc mít tinh lớn gồm hàng chục ngàn người tập trung ở sân bóng đá Vĩnh Long (nay là Trung tâm Hành chính TP Vĩnh Long). Tại cuộc mít tinh này, Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền mới, chính quyền cách mạng của Nhân dân gồm các ông Nguyễn Văn Phát làm Chủ tịch, bác sĩ Trương Ngọc Quế làm Phó Chủ tịch, ông Phan Văn Sử làm Tổng Thư ký.

Lần đầu tiên kể từ khi Pháp chiếm Vĩnh Long (năm 1867) đến 1945, sau gần 78 năm sống trong nô lệ, lầm than, trải qua đấu tranh kiên cường, bền bỉ, Nhân dân tỉnh Vĩnh Long khi có sự lãnh đạo của Đảng đã giành chính quyền về tay mình và cũng là lần đầu tiên sống trong tự do, độc lập.

Tóm lại, đi từ không đến có, đúc kết kinh nghiệm cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940; từ lực lượng, tổ chức còn thô sơ đi đến tổ chức thật chặt chẽ, và điều mà đến nay còn vang vọng mãi đó là từ ý chí độc lập, tự do, không chấp nhận làm nô lệ ngoại bang và sức mạnh đoàn kết của toàn dân kết hợp sức mạnh của thời đại, Nhân dân Vĩnh Long đã làm nên lịch sử. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ, kể từ khi nhận được chỉ thị của Xứ ủy Nam Kỳ, Nhân dân Vĩnh Long đã nhất tề đứng dậy giành toàn thắng, góp phần vào thắng lợi chung cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám vẻ vang. Hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân trong toàn tỉnh được thành lập.

Với thắng lợi này, tỉnh Vĩnh Long góp phần cùng với cả nước làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, tiền đề cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- nhà nước công nông đầu tiên tại châu Á ra đời.

HOÀNG KHẢI

(TP Vĩnh Long, theo Lịch sử Nam Bộ kháng chiến và Lịch sử tỉnh Vĩnh Long)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh