Không chỉ là cây trồng quen thuộc, dừa đang khẳng định vai trò là cây chủ lực tại xã Tân An Luông (huyện Vũng Liêm) nhờ hướng đi bền vững và hiệu quả kinh tế rõ nét. Việc phát triển mô hình dừa hữu cơ, gắn với tiêu chuẩn xuất khẩu, đang mở ra triển vọng mới cho nhà vườn.
![]() |
Trồng dừa theo hướng hữu cơ giúp cây sai trái hơn và được thương lái ưa chuộng nhờ chất lượng vượt trội. |
Theo UBND xã Tân An Luông, trong 6 tháng đầu năm, diện tích dừa khoảng 350ha, chiếm hơn 60% diện tích vườn toàn xã (gần 550ha). Trong đó, nhiều hộ đã chuyển đổi sang hướng trồng dừa hữu cơ, tận dụng lợi thế tự nhiên và tập quán canh tác truyền thống để nâng cao giá trị nông sản.
Theo nhiều nông dân, trồng dừa nhẹ công chăm sóc, phù hợp với điều kiện cũng như sức khỏe hiện nay. Chi phí trồng dừa chủ yếu phân bón và công lao động vệ sinh vườn dừa thông thoáng nhưng không nhiều, bình quân bón phân 2 lần/năm.
Đặc biệt, từ khi áp dụng phân bón hữu cơ, dừa cho năng suất cao, nhờ trái ổn định hơn, đồng thời còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Từ đầu năm 2025 đến nay, giá dừa tăng gấp 3 lần so với năm trước, dừa tươi từ 80.000- 100.000 đ/chục 12 trái, dừa khô 200.000- 210.000 đ/ chục 12 trái. Cứ trung bình 1 công dừa nông dân có thể thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng.
Có kinh nghiệm trồng dừa hơn 7 năm, chú Trần Trung Hiệp (ấp Nước Xoáy, xã Tân An Luông) hiện canh tác 9 công dừa, mỗi đợt hái khoảng 3.900 trái dừa tươi, với mức giá 100.000 đ/chục 12 trái, mỗi đợt hái chú Hiệp có thu nhập hàng chục triệu đồng. “Cây dừa nhẹ công chăm sóc, ít tốn chi phí. Từ khi chuyển sang chăm sóc dừa theo hướng hữu cơ, tưới nước đều đặn tuổi thọ cây dừa tăng hơn, trái sai hơn. Tôi cũng thường xuyên làm cỏ, dọn tàu lá khô, tạo sự thông thoáng cho cây, mỹ quan cho vườn”.
Để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, từng bước nâng cao giá trị nông sản, HTX Dừa hữu cơ Tân An Luông đã được thành lập cuối năm 2024. Hiện HTX có 27 thành viên chính thức và 247 thành viên liên kết đến từ các xã Trung Thành Tây, Trung Thành Đông, Hiếu Nhơn, với tổng diện tích hơn 549ha (trong đó xã Tân An Luông có hơn 132ha). Với mật độ 20-25 cây/công, trung bình mỗi công thu được 200-300 trái/đợt, sản lượng toàn HTX mỗi đợt có thể ước tính khoảng 220.000-330.000 trái dừa.
Ông Trần Vĩnh Phú- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cho biết: Không chỉ dừng lại ở hoạt động liên kết với các thành viên, HTX còn thực hiện việc bao tiêu, tiêu thụ nông sản cho nông dân; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân với HTX và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra và giá cả cho sản phẩm của nông dân. Bên cạnh đó, HTX cũng hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện HTX đã liên kết với doanh nghiệp ở Bến Tre để kiểm định và chứng nhận diện tích đạt chuẩn hữu cơ, mở đường cho dừa tươi được thu mua với giá cao hơn 5% so với thị trường và được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, HTX còn ký hợp đồng tiêu thụ dừa khô, tạo đầu ra ổn định cho thành viên.
“Thời gian qua có nhiều doanh nghiệp đến làm việc để ký kết hợp tác sản xuất- tiêu thụ với HTX. Với mức giá cao, đầu ra ổn định, cây dừa đã trở thành cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập khá cao cho người dân. Dừa tốn rất ít chi phí, nhất là khi sản xuất theo hướng hữu cơ. Chúng tôi không sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học. Bà con tận dụng phân chuồng, bùn, tàu lá dừa để bón cho cây, vừa tiết kiệm chi phí vừa nhẹ công chăm sóc. Thời gian tới, khi đạt chứng nhận vùng sản xuất hữu cơ, HTX sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm nhiều đối tác uy tín với mức giá tốt để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân”- ông Phú cho biết thêm.
Theo UBND xã Tân An Luông, toàn xã có khoảng 300ha dừa đang cho trái, trong đó có 6 mã số vùng trồng với hơn 100 hộ tham gia, diện tích 150ha đã được cấp để xuất sang thị trường Trung Quốc. Ông Âu Trọng Hữu- Công chức địa chính- nông nghiệp- xây dựng- môi trường xã Tân An Luông, cho hay: Cây dừa mang lại thu nhập ổn định, là 1 trong 3 cây trồng chủ lực bên cạnh lúa và cây có múi.
Theo đó, xã cũng đã phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng dừa theo hướng hữu cơ, cách phòng trị các loại sâu, bệnh gây hại trên dừa, nhân nuôi bọ đuôi kìm, cách ghi chép nhật ký sản xuất…, từ đó, người dân nâng cao ý thức, tăng hiệu quả sản xuất.
![]() |
Cây dừa là một trong những cây trồng chủ lực ở xã Tân An Luông. |
Ông Âu Trọng Hữu: Cây dừa gần như tạo ra một vòng tuần hoàn nông nghiệp. Bên cạnh bán dừa tươi, dừa khô thì gáo dừa, sơ dừa- những phụ phẩm tưởng chừng bỏ đi, cũng được tận dụng để làm vật dụng, tăng thêm nguồn thu cho nông hộ.
Xã tiếp tục tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả, vườn tạp chuyển sang trồng dừa theo hướng hữu cơ, nhằm tạo sản phẩm sạch, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, hướng tới liên kết tiêu thụ ổn định với các doanh nghiệp giúp nông dân an tâm sản xuất, ổn định đầu ra.
Bài, ảnh: SONG THẢO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin