Sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản là hành vi vi phạm pháp luật. |
Đánh cá bằng điện là đánh cá bằng chích điện hay cào có gắn xung điện, là hoạt động đánh cá thông qua việc sử dụng xung điện gây giật và sốc hàng loạt ở cá dẫn đến cá tê liệt hay cá chết để có thể dễ dàng bắt lấy chúng.
Thủy sản là nguồn thực phẩm vô cùng quý giá đối với con người. Nhiều người coi nghề khai thác thủy sản như nghề chính mưu sinh, với các hình thức đánh bắt phổ biến như: giăng câu, thả lưới, đặt lọp, cào, đặt dớn, đặt đáy... Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản ngày một mất dần về số lượng và thành phần loài.
Nguyên nhân là do ô nhiễm môi trường nước; người dân khai thác quá mức, chưa đi đôi với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đặc biệt là tình trạng người dân sử dụng xung điện để khai thác thủy sản tại các sông, hồ, kênh, rạch, đồng ruộng… ngày càng phổ biến.
Việc sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản gây ra nhiều hậu quả, tác hại như: làm chết hàng loạt các loài thủy sản, thủy sinh trong vùng nước; những thủy sản bị nhiễm điện còn sống sót sẽ không phát triển được và mất luôn khả năng sinh sản, trứng và ấu trùng cũng bị hủy diệt hoàn toàn.
Đánh bắt thủy sản bằng xung điện là một cách khai thác theo kiểu “tận diệt” các nguồn lợi thủy sản, để lại nhiều hậu quả. Phải mất nhiều năm mới phục hồi môi trường thủy sinh. Ngoài ra, việc sử dụng xung điện khai thác thủy sản còn trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng, thậm chí dẫn đến chết người bởi chỉ cần một chút bất cẩn là xảy ra hậu quả khôn lường.
Hành vi vi phạm phổ biến nhất hiện nay là sử dụng xiệt điện và cào điện. Thực tế việc sử dụng xung điện để bắt cá diễn ra rất phổ biến. Đa số là nông dân tận dụng thời gian nhàn rỗi, hay lúc không có việc làm để kiếm thêm thu nhập, hoặc thực phẩm bữa ăn gia đình. Bên cạnh một số đối tượng sử dụng ghe cào, gắn dinamo phát điện vào động cơ để khai thác dưới hình thức tận diệt để khai thác thủy sản nhằm mục đích kinh doanh.
Đặc biệt có những đối tượng sử dụng xuồng máy trang bị công suất lớn để dễ dàng tẩu thoát khi bị phát hiện, thậm chí có những hành vi chống trả lại cơ quan chức năng. Đa số những người sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản đều biết được đó là hành vi vi phạm pháp luật, là nguy hiểm đến tính mạng nhưng vì những nhu cầu mưu sinh nên họ bất chấp vi phạm.
Theo Điều 28, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thì hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản bị xử phạt từ 3-50 triệu đồng và bị tịch thu công cụ kích điện.
Mặt khác, nếu người có hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100 triệu đồng trở lên, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, làm chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm, tùy tính chất, mức độ vi phạm.
Bài, ảnh: HẠNH UYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin