![]() |
Đôi “sắt cầm hảo hiệp” Lê Minh Hà- Dương Thanh Thanh. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Không cần danh xưng nhà thơ hay nhà văn, trong người chị, giọng nói của chị, thanh âm của chị tự toát lên hồn thơ của một tiểu thư danh gia vọng tộc của kinh đô Huế; chị như cánh chim thiên di mỏng manh, luôn di cư, bay lượn đến những vùng đất mới và rồi… chị lại “neo đậu” trên đất Vĩnh Long- chị Dương Thanh Thanh.
“…Chuyện nơi đây cánh thiên di mỏng manh
Kìa ai hay nàng thơ ấy lạc giữa đời…”
Xin mượn lời ngắn trong bài hát “Nàng thơ xứ Huế” của nhạc sĩ Thùy Chi để giới thiệu tóm tắt về chị Dương Thanh Thanh.
Chị Dương Thanh Thanh, sinh năm 1958 ở TP Huế, xuất thân trong gia tộc thuộc tầng lớp quan lại triều đình nhà Nguyễn. Vốn là một tiểu thư “chân yếu tay mềm”, nhưng một mình chị khăn gói vào học ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Khoa Ngữ văn (1980-1984).
Vốn dĩ sức khỏe yếu ớt, lại ở nơi xứ lạ, một thân một mình, nhưng may thay, cơ duyên có một chàng trai đất Vĩnh Long mạnh khỏe, học cùng lớp, luôn bảo bọc, giúp đỡ ân cần trong suốt thời gian học ĐH- anh Lê Minh Hà. Và từ đó, anh chị nên duyên cầm sắt sau khi tốt nghiệp ĐH. Rồi cũng từ đó, chị lại về “neo đậu” trên đất Vĩnh Long.
“Một nửa Vĩnh Long
Một nửa Huế
Hai quê neo đậu bến thương yêu”
Đây là lời thơ ngắn gọn để giới thiệu cho tập sách tùy bút và thơ “Neo đậu hai quê”. Sách là công trình tổng hợp của gia đình. Bài viết của đôi “sắt cầm hảo hiệp” Lê Minh Hà- Dương Thanh Thanh; bìa là ảnh chụp tác phẩm mô hình nghệ thuật đoạt Huy chương Vàng quốc tế của con trai- họa sĩ Lê Xuân Giang; trình bày bìa, thiết kế và minh họa do con gái Lê Hương Giang thực hiện.
Chị Dương Thanh Thanh từng công tác trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long như Nhà xuất bản Cửu Long, Trung tâm Phát hành sách, Thư viện Khoa học tổng hợp, Sở Văn hóa-TT-DL, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long. Chị có nhiều tác phẩm đã được in ấn và phát hành, như “Đối thoại với riêng mình” (tập thơ- 1991), “Có một cô bé hay khóc ngày xưa” (tạp bút- 2007) và một số tuyển tập thơ văn in chung nhiều tác giả... Nhưng chị Dương Thanh Thanh thỏa nguyện với “Neo đậu hai quê”, vì đây là tác phẩm tổng hợp của gia đình hạnh phúc.
Tập sách “Neo đậu hai quê” dày 475 trang được chia làm 3 phần. Phần 1 là tạp bút “Vẽ một giấc mơ” với 26 bài; phần 2 thơ “Con gái Huế làm dâu” với 25 bài của Dương Thanh Thanh; phần 3 bút ký “Chuyện kể ở miệt vườn” với 49 bài viết về miền sông nước cù lao An Bình, thắng cảnh Vĩnh Long, hay nhớ về những lần về quê vợ của Lê Minh Hà... Bài viết là những tâm tư, tình cảm, những trải nghiệm trong cuộc sống của hai tác giả “hòa minh”.
Dương Thanh Thanh với những tùy bút, thơ hoài niệm về xứ Huế thân thương, rồi đến những bước chân “thiên di cánh mỏng” về làm dâu vùng đất mới- Vĩnh Long- vùng đất khác xa với quê hương từ phong cảnh, khí hậu, tập quán… Những khó khăn trong ngày đầu về làm dâu “xứ lạ”, những kỷ niệm đong đầy yêu thương bên chồng, sự yêu thương thông cảm của má chồng… đến một gia đình ấm no hạnh phúc.
“Chưa quen cả con nước ròng nước lớn
Chỉ biết cầu tre qua câu hát ví dầu
Vậy mà sao em dám về làm dâu quê anh
“Con gái Huế răng mà gan dữ rứa”
“Em chỉ cười nghe câu ghẹo thương yêu…”
“… Chưa biết nấu nồi canh chua Nam Bộ
đổ bánh xèo ăn giá sống… ra sao?...”
(Con gái Huế làm dâu)
Sự bỡ ngỡ của tiểu thư đất kinh kỳ về làm dâu miệt vườn sông nước, xa lạ nhiều nỗi khó khăn, buộc phải học hỏi, làm quen, hòa nhập… nhưng chị ghi lại một cách quá đỗi thân thương.
“… “O ơi o”- Anh cố gọi thật êm
Em bật cười nói tiếng chi mà lạ
Như lần đầu em bắt chước người Nam gọi “Má”
Ngượng nghịu hoài tập riết cũng quen…”
(Hạnh phúc)
Về phương ngữ cũng khác, phải học, phải tập làm quen, và… chị đã quen. “Ngày xưa tôi là một con bé hay khóc. Bây giờ tóc trên đầu đã bạc, tôi đã làm mẹ 12 năm. Tôi không khóc nữa…” (tạp bút “Có một cô bé ngày xưa…”- tháng 5/1997).
Bằng sự yêu thương và thông cảm của má chồng, chị đã cảm nhận và ghi lại để cảm ơn má. Tạp bút “Má chồng và con trai tôi”, chị kể câu chuyện lần chị bệnh phải nằm viện (1997), má chồng tất tả từ cù lao qua thăm với giỏ trái cây của xứ cù lao miệt vườn nào nhãn, chôm chôm… nhưng con trai chị nói với bà nội “Mẹ con chỉ thích ăn trái vải thôi!”.
Lúc ấy bà chưa biết trái vải là gì, với lại giá bán ở chợ mắc hơn vài lần nhãn, nhưng bà cũng cố tìm mua cho được đem vào bệnh viện cho chị. “… Tôi nhìn má. Gương mặt hồn hậu, không gợn chút gì như là sự tính toán, tiếc rẻ...”. “... Nhiều người bảo tôi hiền, nửa đùa nửa thật tiên đoán tôi sẽ là mẹ chồng rất dễ thương (!). Tôi buồn cười nghĩ chuyện xa vời. Nhưng có lẽ được như thế không? Mong sao, đến lúc ấy tôi có được cái tâm của má chồng tôi”.
Những khó khăn rồi cũng qua đi, những đứa con chào đời, lớn lên trưởng thành, thành đạt trong cuộc sống... Hạnh phúc gia đình viên mãn, hòa quyện... chị gói gọn kỷ niệm trong những vần thơ:
“Có một dòng sông chảy hoài trong lòng mẹ
Khi mẹ theo ba về sống cạnh một dòng sông...”
(Đồng cảm)
“... Em thích Lý Qua cầu
Anh hát Khúc Nam ai
Canh chua Nam... lai
Tô bún Huế ngạt ngào
Hương tình yêu có vị cay nồng đượm...”
(Điệu mái nhì, mái đẩy đã quen nghe...)
Chị Dương Thanh Thanh tâm sự: “Neo đậu hai quê là công trình tổng hợp của gia đình mình. Bìa sách là hai tác phẩm sa bàn nghệ thuật đạt Huy chương Vàng triển lãm quốc tế của con trai, con gái thiết kế, ảnh minh họa do con dâu, con rể cung cấp; về nội dung mình và anh Hà thực hiện. Khi xuất bản tập sách, mình hơn cả hạnh phúc. Với Neo đậu hai quê, mình không chỉ vui mà là một sự thỏa nguyện. Hai người có hai phong cách, nhưng lại hài hòa một cách dễ thương; một hướng nội, một hướng ngoại, như sự khác biệt giữa hai giọng nói Vĩnh Long- Huế, nhưng vẫn hai quê neo đậu bến thương yêu!”.
NGUYÊN HẠNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin