Tam Bình phát triển kinh tế gắn với chăm lo đời sống Nhân dân

12:27, 03/01/2025

Phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua khó khăn, thách thức; tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân; chung tay thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Đó là quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tam Bình trong thời gian tới.

Huyện Tam Bình có 38 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3-4 sao. Trong ảnh: Sản xuất nem nướng tại hộ kinh doanh Truyện Oanh (xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình).
Huyện Tam Bình có 38 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3-4 sao. Trong ảnh: Sản xuất nem nướng tại hộ kinh doanh Truyện Oanh (xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình).


Phát huy thế mạnh nông nghiệp


Với đặc trưng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, huyện Tam Bình có điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã thành công với mô hình cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Nổi bật, phát triển mô hình trồng mít ruột đỏ theo chuỗi giá trị đạt chứng nhận VietGAP; tổng diện tích trồng mít ruột đỏ của xã Hậu Lộc là 84ha, trong đó có 31ha được chứng nhận VietGAP và 30ha cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Theo đó, sản phẩm mít ruột đỏ Hậu Lộc được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Song song đó, xã Ngãi Tứ hiện có 10,2ha trồng chanh không hạt. Sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP và được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu thị trường EU (cấp lại) và nước Anh. Hiện tại toàn bộ sản phẩm của nông dân trong mô hình được công ty bao tiêu.


Toàn huyện Tam Bình có 4.047ha trồng cam sành, 2.993ha cho sản phẩm, sản lượng hơn 195.790 tấn/năm. Trong đó, 111,3ha đạt chứng nhận VietGAP, trồng tập trung ở các xã Mỹ Thạnh Trung, Loan Mỹ, Tường Lộc, Bình Ninh. Về xã Mỹ Thạnh Trung, những khu vườn rộng chuyên trồng cam sành đang vào mùa cho trái. Theo UBND xã, toàn xã có khoảng 580ha trồng cam sành, chiếm 43,5%.

Tuy nhiên, giá cả cam sành thời gian qua đang ở mức thấp; việc liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm của nông dân còn hạn chế, chủ yếu qua thương lái. Có 6 công cam đang cho trái, sản lượng đạt 4-6 tấn cam/lần thu hoạch, ông Nguyễn Ngọc Dũng mong: “Giá cam ổn định hơn. Địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân tìm đầu ra cho trái cam sành”.


Song song đó, huyện tập trung thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ cho các sản phẩm chủ lực và sản phẩm có tiềm năng, có thị trường tiêu thụ. Các xã, thị trấn đã đăng ký xây dựng 29 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ứng dụng công nghệ cao. Đến cuối năm, toàn huyện có 38 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3-4 sao, trong đó 17 sản phẩm đạt 4 sao và 21 sản phẩm đạt 3 sao.


Có 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao là nem nướng, lạp xưởng, pa tê và chả lụa, ông Nguyễn Văn Truyện- đại diện hộ kinh doanh Truyện Oanh (xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình), chia sẻ: “Đây đều là những món ăn truyền thống, đáp ứng nhu cầu thị trường. Sản phẩm có nguyên liệu chính từ thịt heo được tuyển chọn kỹ, phối trộn với các gia vị đặc trưng tạo nên hương vị thơm ngon. Sau khi đạt chứng nhận OCOP, uy tín và chất lượng sản phẩm được khẳng định giúp cơ sở tăng mức tiêu thụ và mở rộng thị trường”. 


Hiện nay, hộ kinh doanh Truyện Oanh sản xuất và cung ứng ra thị trường từ 100kg sản phẩm/ngày, đạt doanh thu khoảng 400 triệu đồng/tháng; tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng. Đang tất bật sơ chế nguyên liệu nem nướng, cô Huỳnh Thị Tiến (xã Phú Thịnh) vui vẻ nói: “Công việc này thao tác đơn giản, dễ làm, quan trọng là phải đảm bảo vệ sinh. Mỗi tháng tiền lương được 5,5 triệu đồng lại còn ở gần nhà nên giúp tôi trang trải cuộc sống gia đình”.


Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu


Theo Huyện ủy Tam Bình, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị của huyện trong năm đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng thuận, chung tay đưa các chỉ tiêu phát triển kinh tế tiếp tục phát triển đúng hướng. Văn hóa- xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; các phong trào thể dục, thể thao tiếp tục được quan tâm; thực hiện tốt các chế độ chính sách người có công, an sinh xã hội… Từ đó, tiếp tục củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò điều hành của chính quyền các cấp.


Năm 2024, huyện thực hiện đạt và vượt 18/18 chỉ tiêu chủ yếu. Nổi bật, giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp đạt trên 804 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt hơn 5.950 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 116 tỷ đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 82,1%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân đạt 144,26%.


Để tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Tam Bình- Trần Xuân Thiện cho biết, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả ứng dụng công nghệ cao làm giảm giá thành- tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn…


Giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2024 của Tỉnh ủy tại Huyện ủy Tam Bình, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh- Nguyễn Minh Dũng lưu ý huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hướng đến sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn an toàn, quan tâm xây dựng mã số vùng trồng.

Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, HTX trên địa bàn; góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; quan tâm công tác thu ngân sách nhà nước; tiếp tục rà soát thực hiện tốt công tác giảm nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết...

Bài, ảnh: DIỆP AN
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh