(VLO) Theo Sở Lao động-TB-XH, 5 năm qua, toàn tỉnh thực hiện tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) 167.050 người; trong đó cùng với đào tạo (ĐT) các trình độ CĐ, trung cấp, sơ cấp, thì ĐT dưới 3 tháng và ĐT thường xuyên chiếm đa số với trên 136.000 người (bao gồm theo đề án hỗ trợ ĐT sơ cấp, dưới 3 tháng cho trên 21.700 lao động (LĐ) nông thôn).
Giai đoạn 2020-2024, tỉnh đã huy động xấp xỉ 162 tỷ đồng đầu tư cho phát triển công tác GDNN (ngân sách trung ương hơn 43 tỷ đồng, địa phương gần 119 tỷ đồng).
Học sinh, sinh viên Trường CĐ Nghề Vĩnh Long trong lễ nhận bằng tốt nghiệp. |
Sở vừa báo cáo số liệu này tại hội nghị tổng kết công tác GDNN giai đoạn 2020-2024, đồng thời đề xuất phương hướng, giải pháp phát triển GDNN giai đoạn 2025-2030. 5 năm qua, công tác GDNN trên địa bàn tỉnh tiếp tục được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, nguồn lực kinh phí và các nguồn lực liên quan để đẩy mạnh thực hiện.
Kết quả, công tác ĐT nghề nghiệp đã đóng góp tích cực cho việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển lực lượng LĐ có kỹ năng nghề, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cơ cấu LĐ, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu tuyển dụng LĐ có kỹ năng nghề của khu vực doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, gia tăng năng suất LĐ,...
Tuy vậy, trong công tác này vẫn còn một số hạn chế khó khăn: quy mô, số lượng LĐ của tỉnh được ĐT nghề ở các bậc trình độ cao hàng năm còn thấp; các trường CĐ có cơ sở vật chất, trang thiết bị phần lớn đã lạc hậu; sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ sở hoạt động GDNN với doanh nghiệp còn chưa đi vào chiều sâu, nhiều cơ sở hoạt động GDNN vẫn còn thiếu chủ động trong tiếp cận nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp về ĐT và sử dụng LĐ;...
Cô Nguyễn Thị Mỹ Linh- Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Vĩnh Long, cho biết, 5 năm qua, trường có 1.831 học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, CĐ.
Hàng năm, trường phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng tổ chức các cuộc tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho lực lượng này.
2 năm gần đây, trường khảo sát tình hình việc làm sau khi tốt nghiệp, kết quả trên 90% các em có việc làm, số còn lại tiếp tục học lên các trình độ cao hơn.
Nêu nhiệm vụ, phương hướng tới, cô Mỹ Linh cho rằng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các trường THCS để thực hiện công tác phân luồng tập trung hơn, phân loại đối tượng người học để có hướng tư vấn, hướng nghiệp phù hợp.
Tăng cường phối hợp các trường THPT, trung tâm GDNN- giáo dục thường xuyên trong tuyển sinh; định hướng người học trong ĐT nghề gắn với việc làm trong nước và tham gia làm việc ở nước ngoài; tiếp tục rà soát, đề xuất mở rộng ngành nghề theo nhu cầu xã hội...
Ở góc độ phối hợp các cơ sở GDNN tỉnh, Trường Trung cấp Tổng hợp Sài Gòn đề xuất các ngành chức năng quan tâm hơn nữa trong công tác phân luồng học sinh sau THCS, lấy đó làm cơ sở, để một bộ phận nguồn lực này vào học nghề, tham gia hiệu quả vào công tác GDNN.
Sinh viên, học sinh với mô hình sản phẩm thực hành nghề nghiệp của trường nghề. |
Tương tự, Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt đặt yêu cầu việc phối hợp trong ĐT nghề nghiệp với cơ sở GDNN, trung tâm GDNN- giáo dục thường xuyên của tỉnh phải làm sao đi vào sâu, rộng, tăng chất lượng hơn.
Ông Lê Hoàng An- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình, cho biết huyện rất quan tâm việc lãnh đạo, điều hành trong công tác triển khai tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề, mở lớp ĐT nghề và giải quyết việc làm trong những năm qua.
Đến nay, kết quả đã tổ chức mở gần 200 lớp nghề cho hơn 4.000 LĐ nông thôn (bình quân mỗi năm dạy nghề trên 800 người học); với nhiều ngành nghề, và đa dạng người theo học thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc Khmer.
Đề xuất trong giai đoạn tới, ông Hoàng An cho rằng cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác ĐT nghề cho LĐ nông thôn.
Các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát mở lớp ĐT nghề; cơ sở ĐT nghề nghiệp tổ chức ĐT nghề gắn với các mô hình thực tế, điển hình trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm đảm bảo sau ĐT sẽ giải quyết việc làm đạt 85%;...
Nhìn từ cơ sở trong ĐT nghề cho LĐ nông thôn, ông Lương Hoàng Văn- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lược (huyện Bình Tân) cho biết, 5 năm qua, xã phối hợp ĐT nghề được 200 LĐ.
Để đáp ứng cho đối tượng thụ hưởng chính sách này, ông Văn đề nghị cấp trên mở rộng liên kết với các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng tạo việc làm cho người LĐ sau khi học nghề.
Phương hướng tới, Sở Lao động-TB-XH đề xuất 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp phát triển GDNN để các cấp, các ngành, địa phương quan tâm tập trung thực hiện: thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về GDNN; chú trọng dự báo, nắm bắt nhu cầu, xu hướng phát triển ngành nghề, thị trường LĐ; sắp xếp, củng cố, đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị ĐT, nâng cao năng lực đội ngũ; thu hút, khuyến khích xã hội hóa phát triển GDNN; huy động, bố trí nguồn lực kinh phí đảm bảo hỗ trợ ĐT nghề gắn với giải quyết việc làm; hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở GDNN tự đánh giá chất lượng ĐT nghề nghiệp và thực hiện kiểm định theo hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDNN...
Doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng lao động tại lễ tốt nghiệp trường nghề Vừa qua, tại buổi lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho 174 học sinh trung cấp nghề và sinh viên Trường CĐ Nghề Vĩnh Long, Ban Giám hiệu trường đã mời 7 công ty, doanh nghiệp đến trực tiếp để phỏng vấn nguồn lực vừa ĐT này. Hiệu trưởng Trần Anh Tuấn chia sẻ, nhà trường đang ký kết hợp tác, kết nối với hơn 40 công ty, doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhà tuyển dụng sẵn sàng tiếp cận với nguồn lực trong quá trình ĐT của trường, để sẵn sàng tiếp nhận các em sau khi tốt nghiệp ra trường vào làm việc ngay. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin