Đề cao cảnh giác, quyết liệt đấu tranh với tội phạm lừa đảo

16:53, 01/11/2024

(VLO) Tội phạm lừa đảo (LĐ) chiếm đoạt tài sản (CĐTS) gần đây diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản cho các cá nhân, tổ chức. Trước thực trạng này, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao cảnh giác, cơ quan chức năng đã triển khai quyết liệt công tác đấu tranh, xử lý vi phạm.

Thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác của các tầng lớp nhân dân về thủ đoạn của các loại tội phạm.
Thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác của các tầng lớp nhân dân về thủ đoạn của các loại tội phạm.

Nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi

Theo đánh giá của Bộ Công an, trong công cuộc hội nhập quốc tế cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, nước ta đã và đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức mới mang tính “phi truyền thống” đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác bảo đảm an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nhất là tội phạm LĐ CĐTS lợi dụng công nghệ cao, LĐ trên không gian mạng.

Gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động LĐ CĐTS xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống Nhân dân.

Theo Bộ Công an, năm 2024, cả nước phát hiện hơn 8.100 vụ án LĐ CĐTS liên quan đến hơn 5.500 đối tượng, với tài sản bị chiếm đoạt hơn 16.000 tỷ đồng; tăng hơn 3.600 vụ (80%) và hơn 1.900 đối tượng (hơn 52,8%). Trong đó, tội phạm LĐ CĐTS trên không gian mạng xảy ra hơn 4.700 vụ (chiếm 57,8%).

Nổi lên là tình trạng các đối tượng người Việt Nam ra nước ngoài (chủ yếu là Campuchia, Lào, Philippines) cấu kết với các đối tượng tại đây LĐ với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có vụ số tiền bị chiếm đoạt đặc biệt lớn.

Một số phương thức, thủ đoạn phổ biến như: tuyển dụng việc làm, tuyển cộng tác viên bán hàng online, làm nhiệm vụ kiếm tiền; đầu tư trên các sàn chứng khoán, sàn ngoại hối, sàn thương mại điện tử, tiền điện tử; giả danh các cơ quan pháp luật để đe dọa, yêu cầu bị hại chuyển tiền, lừa lấy lại tiền bị lừa; giả danh công an hướng dẫn cài đặt các ứng dụng dịch vụ công để kiểm soát thiết bị, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng; chiếm quyền điều khiển hoặc giả mạo tài khoản mạng xã hội sau đó vay tiền, nhờ chuyển hộ tiền, mua thẻ cào điện thoại.

Ngoài ra, một số phương thức, thủ đoạn đã xuất hiện trước đó nay lại tái diễn với nhiều nạn nhân mới như: LĐ cho vay tiền online, mở thẻ tín dụng hạn mức cao; “bẫy tình”, tặng quà; mạo danh các tổ chức từ thiện; vé máy bay, du lịch giá rẻ.

LĐ CĐTS trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Quá trình hoạt động LĐ CĐTS, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội hoặc sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Trong khi đó, loại tội phạm LĐ được Bộ Công an xem là “truyền thống” vẫn còn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn, đã xảy ra hơn 3.400 vụ. Thủ đoạn chủ yếu của hình thức LĐ này là: vay mượn tiền rồi chiếm đoạt hoặc thuê xe rồi đem đi bán; gian dối trong thực hiện thủ tục chứng nhận quyền sử dụng đất; mạo danh cán bộ nhà nước “chạy chức, chạy án”; chiếm đoạt tiền cọc, hàng hóa trong các giao dịch mua bán.

Tăng cường tuyên truyền, đấu tranh

Ngày 25/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động LĐ, CĐTS. Qua 4 năm thực hiện, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động LĐ CĐTS.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm này vẫn đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản. Số liệu của Bộ Công an về kết quả năm thứ tư thực hiện Chỉ thị số 21, cả nước đã khám phá hơn 4.000 vụ án, khởi tố hơn 4.900 bị can về tội “LĐ CĐTS”.

Qua công tác điều tra, cơ quan công an nhận định phương thức, thủ đoạn của tội phạm không mới nhưng vẫn có nhiều bị hại mới với nhiều thành phần từ người dân lao động tự do, không có việc làm, có thu nhập thấp đến những người có trình độ cao, công việc ổn định.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin-TT), các hình thức LĐ trực tuyến luôn thay đổi, đan xen mới và cũ, với nhiều hình thái mới, tinh vi hơn. Đối tượng LĐ đã tận dụng các tiện ích, công nghệ hiện đại, khiến người dùng khó nhận diện hơn.

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Vĩnh Long về tăng cường tuyên truyền phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của lãnh đạo các cấp liên quan đến công tác bảo vệ an ninh mạng, đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Thông tin về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, biện pháp tự phòng tránh, đối phó với tội phạm trên không gian mạng.

Song song với tuyên truyền, việc quản lý chặt chẽ thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng cũng rất cần thiết. Bộ Công an đã khuyến nghị sử dụng tài khoản định danh điện tử để xác thực danh tính, loại bỏ sim rác, tài khoản ngân hàng bất hợp pháp nhằm giảm thiểu các vụ LĐ.

Hơn nữa, người dân cần nâng cao ý thức tự phòng, cảnh giác khi làm việc trên không gian mạng. Điều này bao gồm việc không cung cấp thông tin cá nhân cho những đối tượng không quen biết, không tham gia vào các giao dịch trực tuyến không rõ nguồn gốc và báo cáo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu LĐ.

Đối với hình thức tội phạm lợi dụng hoạt động vay mượn tiền để đáo hạn ngân hàng nhằm thực hiện hành vi LĐ CĐTS, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý.

Trong đó, Công an tỉnh tăng cường tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, hậu quả và các quy định của pháp luật, chế tài xử lý. Song song, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án đang thụ lý, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long quản lý, kiểm tra chặt chẽ hoạt động cho vay, kịp thời nhận diện để phòng ngừa không để các đối tượng lợi dụng mối quan hệ với cán bộ ngân hàng để thực hiện hành vi phạm tội. Các cơ quan tư pháp phối hợp chặt chẽ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án LĐ CĐTS, bảo đảm xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh