(VLO) Cố ý làm trái quy định, vượt thẩm quyền khi tự ý thỏa thuận ký kết hợp đồng mua bán với doanh nghiệp với số tiền rất lớn so với vốn điều lệ, 2 bị cáo từng là cán bộ của Công ty Lương thực Vĩnh Long đã gây thiệt hại gần 150 tỷ đồng.
Bị cáo Thức (đứng) trả lời thẩm vấn của HĐXX. |
Cố ý làm trái quy định, vượt thẩm quyền
Công ty Lương thực Vĩnh Long là chi nhánh của Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (gọi tắt là Tổng Công ty), đơn vị 100% vốn nhà nước, là đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty, được đăng ký hoạt động, sử dụng con dấu và mở tài khoản ngân hàng tại địa phương theo quy định.
Ngành nghề là kinh doanh thực phẩm chế biến, vật tư thiết bị phục vụ ngành nông nghiệp. Từ tháng 6/2010-3/2014, Dương Lê Dũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty Lương thực Vĩnh Long. Còn Võ Thị Thu Hà- Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu, Thương mại Võ Thị Thu Hà (gọi tắt là Công ty Thu Hà), kinh doanh các mặt hàng như: buôn bán gạo, thực phẩm, lâm sản nguyên liệu và động vật sống, vận tải.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long, sau tổng kết năm 2012, Tổng Công ty phát hiện Công ty Lương thực Vĩnh Long và một số công ty thành viên vi phạm nghiêm trọng chủ trương khi mua gạo số lượng lớn gửi kho ngoài tại doanh nghiệp tư nhân là Công ty Thu Hà mà không kiểm soát được và bị chiếm dụng.
Từ đó, Tổng Công ty tiến hành nhiều cuộc họp, thông báo, kiểm tra và kết luận. Tuy nhiên, năm 2013, Dũng cùng với sự tham mưu của Huỳnh Văn Thức (SN 1974, Trưởng Phòng Kế hoạch- Kinh doanh), Trần Thị Diễm Thúy (SN 1973, Kế toán trưởng) đã chỉ đạo thực hiện hành vi ký kết nhiều hợp đồng mua bán với hình thức mua hàng ký gửi, không kiểm tra năng lực tài chính của khách hàng, cho ứng tiền vượt quy định, không có kế hoạch kiểm tra, quản lý hàng hóa, không có biện pháp phòng ngừa rủi ro với Công ty Thu Hà và qua trung gian của Công ty Thu Hà là Công ty TNHH MTV Hòa Tân Lộc (gọi tắt là Công ty Hòa Tân Lộc) và Công ty TNHH Đầu tư Bình Lợi (gọi tắt là Công ty Bình Lợi).
Từ tháng 1/2013-10/2013, Công ty Lương thực Vĩnh Long ký kết với Công ty Thu Hà 42 hợp đồng mua bán tổng trị giá trên 669 tỷ đồng, trung gian qua Công ty Hòa Tân Lộc 24 hợp đồng mua bán tổng trị giá trên 311 tỷ đồng, trung gian qua Công ty Bình Lợi 5 hợp đồng mua bán tổng trị giá trên 45 tỷ đồng.
Đến nay, còn 15 hợp đồng mua giữa Công ty Lương thực Vĩnh Long với 3 công ty này chưa thực hiện, chưa thanh lý, gây thiệt hại hơn 146 tỷ đồng.
Dũng với vai trò Giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long, là người đứng đầu, được giao quản lý tài sản tại công ty, có trách nhiệm thực hiện đúng chế độ quản lý, sử dụng vốn và các biện pháp bảo toàn vốn.
Mặc dù biết rõ việc ứng vốn cho Công ty Thu Hà, Công ty Hòa Tân Lộc và Công ty Bình Lợi để mua gạo vượt quá 50% số tiền được giao là một hình thức đầu tư ra ngoài công ty.
Cụ thể, Công ty Lương thực Vĩnh Long là đơn vị trực thuộc, hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty nên không được tự ý góp vốn, hợp đồng kinh tế vượt quá 50% số vốn được giao mà phải báo cáo xin ý kiến Tổng Công ty trước khi thực hiện.
Tuy nhiên, Dũng đã không thực hiện mà đã tiến hành thỏa thuận, ký kết các hợp đồng kinh tế mua gạo trái các quy định với các công ty nêu trên, sau khi ký kết hợp đồng không báo cáo và gửi bản hợp đồng cho Phòng Kinh doanh của Tổng Công ty theo quy định pháp luật.
Dương Lê Dũng là người trực tiếp thực hiện tội phạm với vai trò chủ mưu nhưng ngày 4/12/2014, bị can tự tử chết trong khi đang bị tạm giam trong vụ án khác nên Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đình chỉ điều tra. Thức và Thúy giữ vai trò đồng phạm. |
Sau đó, Dũng chỉ đạo Thức, Thúy triển khai, thực hiện mặc dù Tổng Công ty đã có nhiều văn bản tuyệt đối nghiêm cấm việc thu mua dự trữ gửi ở kho ngoài, chỉ mua kho ngoài khi cần giao hàng trong lúc cao điểm, mua để giao hàng ngay.
Trước khi ký kết hợp đồng mua gạo với các công ty, Dũng không chỉ đạo cho Phòng Kế hoạch- Kinh doanh trực tiếp kiểm tra khách hàng thực hiện đúng quy định về điều kiện trả trước, ứng trước và mức ứng trước, trả trước theo quy định.
Đối với Thức, là người phụ trách chung, mặc dù biết rõ việc ứng vốn cho Công ty Thu Hà, Công ty Hòa Tân Lộc và Công ty Bình Lợi là một hình thức đầu tư ra ngoài công ty nhưng khi được Dũng chỉ đạo làm trái quy định pháp luật trong việc ký kết, thực hiện các hợp đồng mua gạo, Thức đã triển khai thực hiện.
Thúy là kế toán trưởng, biết ký kết hợp đồng thu mua gạo với các công ty này là trái quy định pháp luật, không đúng thẩm quyền nhưng vẫn làm theo chỉ đạo của Dũng.
Thúy ký toàn bộ các giấy đề nghị tạm ứng và chứng từ ứng, theo dõi thanh quyết toán, thanh lý hợp đồng. Theo cáo trạng, hậu quả thiệt hại do hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong việc mua bán gạo ra ngoài công ty của Dũng, Thức, Thúy là gần 150 tỷ đồng.
Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Từ tháng 9/2011 đến cuối năm 2012, Công ty Lương thực Vĩnh Long ký kết rất nhiều hợp đồng mua gạo của Công ty Thu Hà, Công ty Hòa Tân Lộc và Công ty Bình Lợi, tổng trị giá hơn 1.000 tỷ đồng. Từ tháng 4/2013-10/2013, Công ty Lương thực Vĩnh Long ký kết với 3 công ty này 61 hợp đồng trị giá hơn 853 tỷ đồng.
Trước khi ký kết hợp đồng mua gạo, Dũng và Thức trực tiếp đàm phán với Võ Thị Thu Hà là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty Thu Hà. Đối với Công ty Bình Lợi, Hà là Phó Giám đốc được ủy quyền điều hành hoạt động kinh doanh về gạo. Còn V.T.V. (con dâu Hà) là Giám đốc Công ty Hòa Tân Lộc nhưng do tình trạng sức khỏe nên giao con dấu công ty và con dấu chữ ký cho Hà quản lý.
Do đó, khi ký kết hợp đồng mua gạo giữa Công ty Lương thực Vĩnh Long và Công ty Hòa Tân Lộc thì Hà lấy con dấu của công ty và con dấu chữ ký của V. đóng vào hợp đồng mua bán là hợp đồng được ký kết. Sau khi ký kết hợp đồng mua bán, Công ty Lương thực Vĩnh Long chuyển khoản ứng vốn 90% giá trị hợp đồng cho 3 công ty.
Sau đó, Công ty Bình Lợi và Công ty Hòa Tân Lộc chuyển toàn bộ số tiền tạm ứng này vào tài khoản của Công ty Thu Hà để Công ty Thu Hà trực tiếp thực hiện hợp đồng mua bán gạo với Công ty Lương thực Vĩnh Long.
Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền thì Hà không mua gạo tạm trữ để thực hiện các hợp đồng đã ký kết với Công ty Lương thực Vĩnh Long mà sử dụng vào việc trả nợ vay ngân hàng, sử dụng chi tiêu cho công ty và sử dụng cá nhân.
Quá trình điều tra, Hà cho rằng khi Công ty Lương thực Vĩnh Long yêu cầu giao hàng thì Hà lấy hàng đã mua tạm trữ trước đó ở các kho sẽ giao theo hợp đồng.
Tuy nhiên, Công ty Thu Hà không phải ký kết hợp đồng mua bán gạo với Công ty Lương thực Vĩnh Long mà còn ký kết hợp đồng mua bán gạo với nhiều công ty khác trực thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam. Đến khi Công ty Lương thực Vĩnh Long yêu cầu Công ty Thu Hà giao hàng theo các hợp đồng đã ký kết thì Hà không đủ gạo để giao.
Hà còn tự ý mang hơn 18.700 tấn gạo (có giá trị tương đương gần 150 tỷ đồng) của Công ty Lương thực Vĩnh Long bán nhưng không giao trả lại công ty.
Sau 4 ngày xét xử và nghị án, ngày 13/9, HĐXX của TAND tỉnh Vĩnh Long tiến hành tuyên án. Theo đó, tuyên phạt Huỳnh Văn Thức 9 năm tù, Trần Thị Diễm Thúy 7 năm tù cùng tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Bị cáo Võ Thị Thu Hà 13 năm tù vì tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. |
Bài, ảnh: TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin