Sinh con muộn, vô sinh thứ phát ngày càng tăng

16:34, 10/09/2024

 

Bác sĩ Khoa Hiếm muộn IVF Phương Châu tư vấn cho bệnh nhân hiếm muộn.
Bác sĩ Khoa Hiếm muộn IVF Phương Châu tư vấn cho bệnh nhân hiếm muộn.

Vô sinh (VS), hiếm muộn (HM) ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Theo kết quả một số nghiên cứu các năm trước, tỷ lệ VS, HM của Việt Nam là 7,7% nhưng tỷ lệ VS, HM hiện đã cao hơn, do các yếu tố về cách sống, xu hướng lập gia đình muộn, áp lực của cuộc sống...

Vô sinh thứ phát tăng

Đó là đánh giá của Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, tại hội nghị quốc tế “Nâng cao tỷ lệ thành công trong hỗ trợ sinh sản- Khám phá giải pháp tìm đường trong mê cung để đến đích thành công”, do Hội Phụ sản Việt Nam phối hợp với Merck tổ chức từ ngày 7-8/9.

Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, VS nguyên phát là 3,9% và VS thứ phát là 3,8%. Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ VS thứ phát (VS sau 1 lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng VS. Gia tăng tỷ lệ VS, HM của Việt Nam tác động lớn tới tỷ lệ sinh thay thế.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng dự báo VS, HM là căn bệnh nguy hiểm thứ 3, chỉ đứng sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ XXI. Thống kê của WHO cũng chỉ ra Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ VS cao trên thế giới.

“Việt Nam đang đối mặt với thách thức mức sinh ngày càng thấp, trong khi tỷ lệ VS lại ở mức cao. Muốn duy trì được mức sinh thay thế, mỗi cặp vợ chồng phải sinh ít nhất 2 con. Hiện nhiều địa phương, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh tỷ suất sinh không đạt. Tình trạng VS, HM tác động trực tiếp tới mức sinh của mỗi địa phương, nhất là khu vực đô thị, và tổng thể dân số cả nước”- GS Viết Tiến nhận định.

Các chuyên gia cũng cho rằng nguyên nhân VS, HM còn do tỷ lệ phá thai cao, viêm nhiễm đường sinh dục, sử dụng dụng cụ tránh thai. Bên cạnh đó, sự hiểu biết về VS của nhiều cặp vợ chồng còn hạn chế.

Đề xuất BHYT chi trả một phần điều trị vô sinh, hiếm muộn

Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, chi phí điều trị VS, HM tại Việt Nam thấp hơn nhiều nước, song vẫn là rào cản rất lớn với các bệnh nhân, và đề xuất BHYT từng bước chi trả cho bệnh này, từng bước đáp ứng nguyện vọng điều trị VS, HM của người dân, đồng thời góp phần duy trì, ổn định chất lượng và số lượng dân số.

Tình trạng VS, HM gây hệ lụy, bởi nhiều cặp vợ chồng không thể có thai, khó có con sẽ khiến số lượng dân số giảm nếu các cặp vợ chồng khao khát có con nhưng điều trị còn
khó khăn.

Qua thực tế quản lý và điều trị, GS.TS Nguyễn Viết Tiến chỉ ra nghịch lý là bệnh nhân điều trị các bệnh như mổ bóc u xơ mà không có nhu cầu sinh con thì được BHYT chi trả, nhưng nếu kèm theo điều trị VS thì phải tự thanh toán toàn bộ chi phí. BHYT hiện không hỗ trợ bất cứ kỹ thuật nào trong quy trình điều trị HM, trong khi nhiều nguyên nhân đến từ các bệnh lý: u buồng trứng, u xơ tử cung, polyp buồng trứng...

Trên thế giới, nhiều nước coi HM là bệnh lý và dùng BHYT chi trả cho bệnh nhân. Ví dụ, Pháp cho thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đến 4 lần, sang lần thứ 5 bệnh nhân mới phải trả tiền. Trung Quốc cũng đưa 16 dịch vụ hỗ trợ sinh sản vào hạng mục được BHYT chi trả từ năm 2022. Ở nước ngoài, mệnh giá đóng bảo hiểm cao nên các dịch vụ này được BHYT chi trả. Năng lực bảo hiểm của Việt Nam chưa thể bao phủ được một số dịch vụ, trong đó có IVF, với mệnh giá đóng bảo hiểm hiện tại.

“Cần có chủ trương, chính sách để thanh toán BHYT cho các cặp vợ chồng điều trị VS, HM. Tôi đã làm việc với Bộ Y tế nhiều năm, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, quỹ BHYT chỉ có mức độ, vì vậy nên làm từng bước”- GS Viết Tiến đề xuất.

Đơn cử, các cặp VS, HM có bệnh liên quan như mổ u xơ tử cung, u buồng trứng hay các bệnh lý bất thường nhưng chưa cần can thiệp kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm, BHYT nên thanh toán. Khi quỹ BHYT đạt mức tốt hơn có thể thanh toán cả những kỹ thuật điều trị VS. Nếu có chính sách phù hợp, các cặp vợ chồng VS, HM sẽ được hưởng lợi, đồng thời góp phần duy trì, ổn định chất lượng và số lượng dân số. Đáng lưu ý, ngoài lối sống và nguyên nhân bệnh lý, thanh niên đang có xu hướng kết hôn muộn. Việc này sẽ làm giảm khả năng có thai.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh