“Ổn định huyết áp để bảo vệ trái tim”

12:05, 30/09/2024

(VLO) “Ổn định huyết áp để bảo vệ trái tim” là chủ đề của Ngày Tim mạch thế giới (29/9) để kêu gọi cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tim mạch. Bằng những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa, mỗi người trong chúng ta có thể góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, bảo vệ bản thân và gia đình.

 Mọi người dân cần thường xuyên kiểm tra huyết áp thông qua các đợt khám sức khỏe định kỳ hoặc khám sức khỏe tại các cơ sở y tế.
Mọi người dân cần thường xuyên kiểm tra huyết áp thông qua các đợt khám sức khỏe định kỳ hoặc khám sức khỏe tại các cơ sở y tế.

Khoảng 25% người trưởng thành đang mắc bệnh tim mạch

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, ở nước ta, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 39,5 % tổng số ca tử vong. Đáng chú ý hiện có khoảng 25% người Việt trưởng thành đang mắc bệnh tim mạch và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Song, thực tế còn rất nhiều người vẫn chủ quan trong việc phòng ngừa bệnh lý này.

Theo BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh-Trưởng khối nội tim mạch-Tim mạch can thiệp, BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, ngoài rối loạn nhịp, ở người trẻ dưới 40 tuổi còn một số nhóm bệnh lý có thể gây đột tử là bệnh cơ tim. Nếu đi khám sức khỏe, đo điện tim hoặc siêu âm tim cũng có thể phát hiện những bất thường về cấu trúc cơ tim. Đặc biệt lưu ý, ở nhóm người trẻ dưới 40 tuổi, yếu tố gia đình rất quan trọng. Khi gia đình có một người đột tử thì cần phải tầm soát cả gia đình để phòng ngừa nguy cơ đột tử trong tương lai.

Theo BS.CK2 Lê Thanh Đức- Trưởng khoa Cấp cứu BVĐK Vĩnh Long, bệnh lý tim mạch và chuyển hóa là một trong những nhóm bệnh lý phức tạp có tỷ lệ mắc cao trong cộng đồng. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, gây gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tại các bệnh viện trên địa bàn Vĩnh Long, thời gian gần đây, người trẻ đến khám các bệnh lý về tim mạch ngày càng nhiều như tăng huyết áp (THA), rối loạn nhịp tim, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim,… để lại nhiều gánh nặng bệnh tật.

Không chỉ người già, người trẻ trong nhóm 30-40 tuổi ngày càng có nhiều người mắc các bệnh tim mạch. Có những người chỉ khoảng 30 tuổi cũng xảy ra tim ngừng đập đột ngột và nguy cơ đột tử rất cao. Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với sức khỏe tim mạch của mình.

Thời gian qua, BVĐK Vĩnh Long bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Đây là một tai biến cực kỳ nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Bởi, nó diễn ra rất nhanh, với những dấu hiệu dễ trùng lắp bỏ qua.

Áp lực công việc căng thẳng kéo dài cộng với lối sống ít vận động, thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia thường xuyên khiến anh N.V.L. (38 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long) liên tục có những cơn đau ngực âm ỉ.

Sau cuộc liên hoan hôm trước, sáng thức dậy chuẩn bị đi làm thì anh đau thắt ngực dữ dội, mồ hôi ra nhiều và xỉu, được đưa đến BVĐK tỉnh cấp cứu. Tại bệnh viện, anh được các bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, huyết áp tăng cao.

“Nhờ đến bệnh viện viện kịp thời, anh được các bác sĩ điều trị hồi sức tích cực mới quan cơn nguy kịch. Giờ anh phải tái khám định kỳ, uống thuốc huyết áp và quan trọng là thay đổi lối sống, thể dục đều, hạn chế bia rượu và cai thuốc lá.”- anh L. cho biết.

 “Ổn định huyết áp để bảo vệ trái tim”

“Nguy cơ của bệnh tim mạch như hút thuốc lá, đái tháo đường, béo phì, THA, rối loạn mỡ máu;…Đặc biệt, thường xuyên bị áp lực và căng thẳng kéo dài là một trong những nguyên nhân ngấm ngầm gây ra những bệnh lý liên quan đến tim mạch.

Đo huyết áp thường xuyên là một phương pháp quan trọng để kiểm tra sức khỏe tim mạch, phát hiện sớm bất thường và tìm giải pháp kịp thời.
Đo huyết áp thường xuyên là một phương pháp quan trọng để kiểm tra sức khỏe tim mạch, phát hiện sớm bất thường và tìm giải pháp kịp thời.

Nếu bất chợt xuất hiện khó thở hoặc khó thở thường xuyên, đau thắt ngực, tự nhiên tím tái, đi lại chân mỏi hoặc hồi hộp bất thường thì có thể là các bệnh tim mạch và cần được thăm khám ngay.”- BS. Lê Thanh Đức khuyến cáo.

Các bác sĩ khuyến cáo, THA kéo dài nếu không điều trị triệt để sẽ gây ra nhiều biến chứng đa cơ quan, thậm chí đột tử như nhồi máu cơ tim cấp, tai biến mạch máu não (đột quỵ), phình động mạch chủ đến động mạch ngoại vi, suy thận mạn, mờ mắt, mù. THA làm tăng gấp 4 lần nguy cơ tử vong do đột quỵ và tăng gấp ba lần nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch, so với người không mắc bệnh.

Người trẻ có thể chủ động phòng ngừa bằng cách giảm thiểu những yếu tố nguy cơ gây THA. Các biện pháp cụ thể như tập thể dục thể thao tối thiểu 30 phút/ngày, liên tục 5 ngày/tuần. Nên ăn nhạt, dưới 5gr muối/ngày, tương đương 2 muỗng cà phê.

Ăn nhiều rau củ quả, hạn chế thức uống có cồn và giữ cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá. Tránh stress, căng thẳng lo âu: Thực hiện yoga, thiền, tập luyện thể dục và tìm kiếm cách thư giãn để giảm stress.

“Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, không hoàn toàn tránh khỏi 100%, Mọi người phải lắng nghe cơ thể để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.

Kiểm tra định kỳ và tuân thủ lời khuyên của bác sĩ. Điều này bao gồm việc đo huyết áp đều đặn, tham khảo ý kiến bác sĩ, tuân thủ đúng liều lượng và loại thuốc khi được chỉ định.”- BS.CK2 Lê Thanh Đức khuyến cáo.

Để hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh tim mạch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan chủ động triển khai các hoạt động về khám sàng lọc, tư vấn điều trị cho người bệnh; truyền thông về dự phòng tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch như: hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và ít vận động thể lực, nhằm cải thiện kiến thức, thái độ và thực hành của người dân địa phương.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh