Từ thông điệp “học tập suốt đời” 

07:25, 07/03/2025

Học tập suốt đời không chỉ là một nhu cầu cá nhân mà còn là yêu cầu tất yếu của sự phát triển xã hội trong thời đại mới. Tinh thần này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong thông điệp gần đây, khẳng định học tập không có điểm dừng và chính là nền tảng để Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.


Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Học tập suốt đời không chỉ giúp mỗi cá nhân hoàn thiện bản thân mà còn là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của quốc gia”. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự thay đổi nhanh chóng về khoa học công nghệ, kinh tế, xã hội đang đặt ra yêu cầu cấp bách đối với việc học tập và nâng cao trình độ. Nếu không liên tục học hỏi, con người dễ bị tụt hậu và mất đi cơ hội phát triển.


Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, có thể thấy hiếu học là một truyền thống lâu đời của người Việt Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử và trở thành một giá trị quan trọng trong văn hóa dân tộc. Ngay từ thời Lý- Trần- Lê, các triều đại đã chú trọng đến giáo dục, mở trường học và tổ chức khoa cử để tuyển chọn nhân tài. Văn Miếu Quốc Tử Giám được xây dựng từ năm 1070 dưới thời Lý, là trường ĐH đầu tiên của Việt Nam. Các danh nhân như Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Chu Văn An đều là những tấm gương tiêu biểu về tinh thần học tập, nghiên cứu… 


Người Việt Nam quan niệm “có học mới nên người”, dù trong hoàn cảnh khó khăn, chiến tranh hay nghèo đói, cha mẹ vẫn cố gắng lo cho con cái đi học, với mong muốn có tương lai tươi sáng hơn. Ngày nay, học tập suốt đời không chỉ dành riêng cho học sinh, sinh viên mà là nhiệm vụ của mọi tầng lớp trong xã hội- từ cán bộ, công chức đến công nhân, nông dân, doanh nhân. Tinh thần hiếu học vẫn mạnh mẽ khi nhiều người Việt Nam sẵn sàng đầu tư cho giáo dục, học tập suốt đời để phát triển bản thân… 


Mở rộng hơn, trong thời đại công nghệ số, việc học không còn bó hẹp trong sách vở hay giảng đường mà có thể diễn ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Học tập không chỉ là tiếp thu lý thuyết mà phải được gắn liền với thực tiễn. Từ người lãnh đạo đến công nhân lao động, ai cũng cần nâng cao chuyên môn, rèn luyện kỹ năng và sẵn sàng đổi mới để thích ứng với thời đại. Tổng Bí thư đã kêu gọi cán bộ, đảng viên và toàn dân “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đồng thời không ngừng học hỏi để phục vụ đất nước.


Một xã hội có tinh thần học tập mạnh mẽ sẽ là nền tảng vững chắc để đất nước phát triển toàn diện. Một đất nước có nền tảng tri thức vững chắc sẽ có đủ sức mạnh để hội nhập và cạnh tranh trên trường quốc tế.

TRẦN PHƯỚC
 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh