(VLO) Thế giới ngày càng có nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi cho nhiều quốc gia trong các hoạt động du lịch thông qua việc quảng bá hình ảnh, văn hóa nhằm tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách.
Trên thực tế, một số quốc gia đã rất thành công trong việc kết hợp và sử dụng ngoại giao văn hóa nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư, hợp tác, thu hút khách du lịch…
Việt Nam đặc biệt quan tâm phát triển ngành du lịch thành kinh tế mũi nhọn, do đó đang thúc đẩy nhiều giải pháp tăng trưởng, trong đó có việc quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới.
Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội năm 2024 của Tổng cục Thống kê nhận định: “Du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2024 của đất nước, tác động lan tỏa tích cực đến nhiều ngành, lĩnh vực khác”.
Năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 17,5 triệu lượt, tăng 39,5% so với năm trước. Tổng số khách du lịch nội địa đạt 110 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng. Tăng trưởng du lịch đóng góp tích cực vào tăng trưởng khu vực dịch vụ cũng như toàn nền kinh tế.
Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ “mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”.
Có thể thấy, văn hóa là chỗ dựa bền vững cho hoạt động đối ngoại. Trong thời đại ngày nay, văn hóa ngày càng khẳng định vai trò cầu nối gắn kết các dân tộc trên thế giới, là mục tiêu và động lực phát triển, là nền tảng gìn giữ và bảo vệ hòa bình, là nhân tố để thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng phát triển.
Phát huy vai trò của ngoại giao văn hóa sẽ góp phần nâng tầm và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam đến cộng đồng quốc tế, đồng thời phát triển hoạt động du lịch bền vững trong tương lai.
NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin