(VLO) Lúa gạo là một trong những ngành hàng nông sản quan trọng của Việt Nam, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực.
Tuy nhiên, từ đầu vụ thu hoạch lúa Đông Xuân đến nay, giá lúa giảm mạnh làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân. Một lần nữa vấn đề làm gì để sản xuất, tiêu thụ lúa gạo bền vững, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị xuất khẩu lại được đặt ra.
Tại hội nghị về sản xuất, thị trường lúa gạo và ứng phó với hạn mặn tại ĐBSCL diễn ra tuần trước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đưa ra nhiều giải pháp và biện pháp hỗ trợ nông dân.
Để tăng cường năng lực quản lý và điều tiết thị trường lúa gạo một cách hiệu quả, Phó Thủ tướng đề xuất xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành toàn diện.
Đồng thời, đề nghị sửa đổi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP theo hướng bổ sung các tiêu chí nghiêm ngặt đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cũng như tăng cường giải pháp bảo vệ uy tín, nâng cao giá trị thương hiệu và khẳng định vị thế của gạo Việt Nam trên toàn cầu.
Chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo cho rằng việc giá gạo Việt Nam tăng nhanh và đạt đỉnh trong thời gian qua một phần lớn đến từ việc Ấn Độ dừng xuất khẩu. Khi đó, “cuộc chơi” gần như chỉ còn Việt Nam và Thái Lan. Trong bối cảnh nhu cầu tăng cao nhưng nguồn cung hạn chế, giá gạo Việt Nam được đẩy lên mức chưa từng có.
Tuy nhiên, nếu nhìn dài hạn, trước khi cơn sốt giá diễn ra, mặt bằng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vốn dao động quanh mức 400 USD/tấn (gạo trắng) và 500-600 USD/tấn (gạo thơm). Chỉ một số ít loại gạo đặc sản, có thương hiệu riêng mới bán được giá cao hơn.
Thực tế cho thấy khi có lợi thế như việc Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu, chúng ta có thể tăng trưởng nhanh. Nhưng gạo Việt Nam cần xây dựng nền tảng vững chắc. Đó là, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để khẳng định vị thế và không bị ép giá khi thị trường biến động.
Không nên phụ thuộc vào một vài thị trường xuất khẩu lớn, mà cần mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác để giảm thiểu rủi ro. Thay vì tập trung vào sản lượng lớn với giá rẻ, cần hướng đến sản phẩm có giá trị cao, như gạo hữu cơ, gạo đặc sản, gạo chế biến sâu. Quan trọng nữa là có sự liên kết chặt chẽ giữa “các nhà” để đảm bảo sản xuất bền vững, tránh tình trạng được mùa mất giá.
Sự biến động giá lúa gạo cho thấy cách thức vận hành của kinh tế thị trường: giá cả bị chi phối bởi cung- cầu, chất lượng sản phẩm, thương hiệu và chiến lược xuất khẩu. Nếu không có chiến lược thay đổi kịp thời, ngành lúa gạo Việt Nam có thể tiếp tục còn khó khăn.
TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin